Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thanh toán không tiền mặt gia tăng, Việt Nam cần tăng cường phòng thủ an ninh mạng
Nhã Nam - 11/06/2021 09:19
 
Đó là khuyến nghị vừa được công ty bảo vệ an ninh mạng và quyền riêng tư số toàn cầu Kaspersky đưa ra.

Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ đến xã hội không tiền mặt. Tuy nhiên, đi kèm với những ứng dụng công nghệ mới luôn là những rủi ro, nguy cơ bảo mật đe dọa người dùng.

Một báo cáo gần đây cho thấy, tại Việt Nam, lượng người sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không tiền mặt đã tăng mạnh.

Theo đó, hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần một tuần.

Một báo cáo khác thì dự đoán giao dịch qua di động tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tới 400% vào năm 2025 nhờ sự bùng nổ của kinh tế số.

Báo cáo này cũng cho rằng, xu hướng trên có thể diễn ra nhanh hơn nhờ những tác động mạnh mẽ của bối cảnh xã hội bất ngờ (dịch bệnh Covid-19), cùng với chính sách điều hành của chính quyền (chuyển đổi số quốc gia, dịch vụ Mobile-Money).

Dự đoán trên có vẻ đang diễn ra khi vào tháng 3 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết định cho thí điểm dịch vụ dùng tài khoản viễn thông của số điện thoại di động thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, gọi là Mobile-Money.

Trong khi đó, theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2020, Việt Nam đang có 132,5 triệu thuê bao di động đang hoạt động, với dân số gần 100 triệu người.

Do đó, dịch vụ Mobile-Money được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đưa hình thức thanh toán không tiền mặt đến mọi người dân trong cả nước, dù đó là nông thôn, vùng sâu hay vùng xa, hải đảo… 

Như vậy, kết hợp với các hình thức thanh toán không tiền mặt hiện có như: ví điện tử, thẻ tín dụng, dịch vụ ngân hàng…, Việt Nam hoàn toàn có thể nhanh chóng hình thành xã hội thanh toán không tiền mặt trong tương lai không xa.

Tuy nhiên, vài tháng gần đây, rất nhiều người dùng tại Việt Nam nhận được tin nhắn định danh (Brandname) mạo danh các ngân hàng với mục đích lừa đảo. Nội dung các tin nhắn thông báo tài khoản ngân hàng có giao dịch bất thường, đề nghị khách hàng đăng nhập nếu không sẽ bị khóa tài khoản sau 24 giờ, kèm theo đường dẫn để dụ người dùng truy cập. Kết quả, nhiều người dùng nhẹ dạ làm theo đã bị lừa rất nhiều tiền. 

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á, nhận xét rằng, sự phụ thuộc vào ví điện tử và các ứng dụng ngân hàng di động ngày càng tăng sẽ thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ tội phạm mạng, những kẻ hầu như luôn theo đuổi tiền và dữ liệu bí mật của chúng ta.

“Do đó, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng các nỗ lực phishing và smishing nhắm vào người dùng ngân hàng di động. Những sự cố này sẽ gia tăng trong thời gian tới, do đó điều quan trọng là thiết bị phải được bảo mật và người dùng phải nhận thức được những rủi ro trực tuyến trong xã hội số”, ông Yeo Siang Tiong nói.

Thông tin cho biết, trong năm 2020, các giải pháp của Kaspersky đã ngăn chặn hơn 673.000 nỗ lực phishing nhắm tới đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phishing là hình thức tấn công phi kỹ thuật được tội phạm mạng sử dụng nhằm đánh cắp dữ liệu bí mật từ máy tính hay điện thoại thông minh của người dùng, sau đó sử dụng dữ liệu cho nhiều mục đích khác nhau, như lấy cắp tiền của nạn nhân hoặc bán lại dữ liệu đã đánh cắp. 

Trước thực tế này, để bảo vệ thông tin tài chính và tài sản, các chuyên gia an ninh mạng Kaspersky khuyến nghị người dùng nên cẩn trọng với những thông báo về đổi coupon, mã giảm giá hoặc ưu đãi. Đây chính là những dấu hiệu của âm mưu từ tội phạm mạng.  

Theo Kaspersky, các tổ chức tài chính hoặc đơn vị bán hàng sẽ không gửi tin nhắn văn bản yêu cầu bạn cập nhật thông tin tài khoản hoặc xác nhận mã thẻ ATM. Vì thế, nếu nhận được một tin nhắn có vẻ như là từ ngân hàng hoặc đối tác kinh doanh, và yêu cầu người dùng nhấp vào link hoặc thông tin nào đó trong tin nhắn, thì có thể xác định đây là lừa đảo.

“Hãy gọi trực tiếp cho ngân hàng hoặc đối tác của bạn nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào”, Kaspersky khuyến nghị và cho rằng, không nên truy cập đường link hoặc gọi vào số điện thoại trong tin nhắn nếu bạn không biết rõ về nó. 

Cũng không nên lưu thông tin thẻ tín dụng hoặc ngân hàng trên điện thoại để tránh trường hợp tội phạm mạng cài đặt malware trên điện thoại và lấy toàn bộ thông tin. 

“Không phản hồi là cách đơn giản nhất để không bị lừa”, Kaspersky nhấn mạnh.  

Bên cạnh đó, để hiệu quả bảo mật tốt nhất, người dùng nên chú trọng đảm bảo độ an toàn của thiết bị và trình duyệt của mình. Để bảo mật thiết bị, có thể cài đặt phần mềm diệt virus mạnh mẽ trên máy tính, laptop, máy tính bảng và điện thoại. 

Công nghiệp an ninh mạng: Ngành tỷ USD mới
Trong hành trình trở thành quốc gia số, ngành an ninh mạng Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành ngành công nghiệp trị giá tỷ USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư