Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thấy gì sau 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế?
B.T - 27/11/2020 18:36
 
Sau hơn 5 năm thực hiện, Luật từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, là tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Người dân đến khám BHYT tại Trung tâm y tế Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Người dân đến khám BHYT tại Trung tâm y tế Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Tính đến hết năm 2019, toàn quốc có khoảng 86 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 90% số dân, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT, theo thống kê của Vụ BHYT (Bộ Y tế).

Đáng chú ý, số lần khám, chữa bệnh theo BHYT tăng dần theo các năm. Đi liền với đó là chất lượng khám chữa bệnh BHYT cũng ngày càng được cải thiện khi người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả điều trị cao… giúp họ vượt qua đau ốm, thậm chí các căn bệnh hiểm nghèo.

Ngoài ra, thủ tục hành chính trong cung cấp dịch vụ BHYT cũng từng bước được tinh giản và nhanh gọn hơn đáp ứng sự hài lòng cho người dân. Quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đã phát huy được thế mạnh, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT. Đây là cơ hội cho người có thẻ BHYT tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi, giảm bớt thủ tục hành chính; đồng thời là động lực cho các cơ sở khám chữa bệnh phải chủ động, tích cực tăng cường năng lực chuyên môn, nâng cao chất lượng dịch vụ, để thu hút người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh.

Nhiều cơ sở y tế tuyến huyện đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, thực hiện chuyển giao kỹ thuật, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT. Điều này đang tạo một xu thế cùng đổi mới, phát triển trong tổ chức cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh.

Dù đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng công tác BHYT vẫn còn một số bất cập. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến nay vẫn còn khoảng 10% số dân, tương đương khoảng 9,6 triệu người chưa tham gia BHYT, trong đó chủ yếu là người lao động tự do, sinh viên, người tham gia theo hộ gia đình...

Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở các tuyến y tế cơ sở và ở các tỉnh miền núi; có sự chênh lệch giữa các tuyến, các vùng. Số lượng và chất lượng nhân lực y tế phân bổ không đồng đều giữa các vùng, các tuyến. Chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Thời gian tới, công tác BHYT sẽ được triển khai một cách đồng bộ hơn, khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

Theo lộ trình, từ ngày 01/01/2021 sẽ thực hiện chính sách thông tuyến tính trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh BHYT, tạo điều kiện cho người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).

Để bảo đảm cho công tác chuẩn bị thực hiện khám, chữa bệnh BHYT thông tuyến tỉnh vào năm 2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh sớm xây dựng, trình ban hành quy định về cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh; quy định số lượng giường bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp với nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất; quy định về quy trình khám, chữa bệnh trên tuyến tỉnh phải đặt lịch hẹn trước, trên cơ sở này, Sở Y tế sẽ quyết định số lượng giường của từng cơ sở trên địa bàn.

Hà Nội: 88,3% dân số tham gia bảo hiểm y tế
Tính đến ngày 20/11/2020, số người tham gia BHYT trên địa bàn Hà Nội đạt gần 7,064 triệu người, tăng gần 132.000 người so với cùng kỳ năm 2019,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư