Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 25 tháng 12 năm 2024,
Thế giới 2018 - 2019: Cuộc giằng co giữa các thế lực
Hồ Lê (doanhnhansaigon.vn) - 30/01/2019 07:13
 
Sự biến động mạnh của các thị trường tài chính toàn cầu trong bối cảnh mối quan hệ phức tạp giữa các siêu cường hay khủng hoảng tại các nền kinh tế mới nổi đã phần nào khắc họa được tình hình thế giới không mấy yên ổn trong năm 2018. Và có lẽ năm 2019 thế giới sẽ tiếp tục trải qua những sự kiện đầy bất ngờ có thể làm thay đổi cục diện địa - chính trị hiện nay, khi các cường quốc vẫn ra sức tranh giành tầm ảnh hưởng.

2018 - Cuộc chiến của Trump

Có thể nói năm 2018 đã trở thành một phần "sân khấu" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi cứ vài ngày thế giới lại tiếp nhận những phát biểu gây "ấn tượng mạnh" của ông theo một cách độc đáo là thông qua những dòng tweet trên Twitter, vốn chỉ giới hạn ở 280 ký tự. Có người nói đùa rằng phải chăng ông Trump là một cổ đông lớn của mạng xã hội này. Vị Tổng thống Mỹ cũng tạo ra những pha "hành động gay cấn" khi đả kích hoặc thậm chí sa thải những nhân vật cao cấp trong Nhà Trắng, cũng như không hề e ngại chỉ trích lãnh đạo của những quốc gia khác.

Tuy nhiên, tâm điểm lớn nhất và bất ngờ nhất trong năm 2018 chính là cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ đã chủ động kích hoạt với Trung Quốc, cũng như đe dọa các đối tác thương mại khác bất chấp có là đồng minh hay không. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã áp đặt hàng rào thuế quan lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến các thị trường chứng khoán nhiều phen lao đao, nhiều doanh nghiệp Mỹ không xuất hàng sang Trung Quốc được vì phải chịu mức thuế trả đũa rất cao.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra như một ván cờ chưa phân thắng bại
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra như một ván cờ chưa phân thắng bại

Nền kinh tế Trung Quốc nói chung và doanh nghiệp nước này nói riêng gặp không ít khó khăn, buộc phải đàm phán với Mỹ để xoa dịu tình hình. Trong khi đó, việc đồng nhân dân tệ giảm giá, các kênh tài sản, đầu tư mất giá khiến giới nhà giàu Trung Quốc và không ít doanh nghiệp nước này ôm tài sản ra nước ngoài và vung tiền mua bất động sản và đầu tư tại những quốc gia khác, đẩy giá nhà đất tại nhiều nước rơi vào tình trạng bong bóng.

Dù vậy, ông Trump cũng đạt đượt một số thắng lợi, như việc ký lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với tên gọi mới là USMCA theo hướng có lợi hơn cho nước Mỹ, cũng như buộc các đối tác thương mại khác như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Liên minh Châu Âu (EU) phải có những nhượng bộ nhất định khi buôn bán hai chiều.

Tổng thống Trump cũng đe dọa rút khỏi WTO nếu tổ chức này không tái cấu trúc, vì cho rằng những quy định của WTO đã lỗi thời và mang lại "bất công" cho người Mỹ. Hệ quả là trong cuộc họp của Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) vào cuối tháng 11/2018 tại Argentina, WTO đã cam kết sẽ có những thay đổi phù hợp hơn với diễn biến thời cuộc.

Về chính trị - ngoại giao, ông Trump cũng khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ khi liên tiếp chỉ trích những đồng minh quân sự lâu năm trong khối NATO, cho rằng tổ chức này đã ngốn một lượng lớn ngân sách quốc phòng Mỹ, lãng phí tiền thuế của dân Mỹ.

Ngược lại, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga có dấu hiệu cải thiện khi Tổng thống Trump và Tổng thống Putin có xu hướng xích lại gần nhau hơn, dù gặp không ít trở ngại và chia rẽ từ vụ nghi ngờ tình báo Nga đầu độc cựu điệp viên Skripal cho đến sự kiện hải quân Nga bắt tàu chiến Ukraina trên vùng biển Azov.

Việc CHDCND Triều Tiên quyết định dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân theo lộ trình đàm phán với Mỹ được đánh giá là một thành công lớn của Tổng thống Trump trong năm qua.

Kremlin (hình), Thiên An Môn, Nhà Trắng là biểu trưng của các thế lực mạnh nhất trên thế giới
Kremlin (hình), Thiên An Môn, Nhà Trắng là biểu trưng của các thế lực mạnh nhất trên thế giới

Biến động kinh tế thế giới năm qua cũng theo những quyết sách và tuyên bố của ông Trump. Nhiều thị trường chứng khoán, trong đó có Trung Quốc đã rơi vào thị trường giá xuống, trong khi chứng khoán Mỹ dù nhiều phen lập kỷ lục nhưng nhiều phiên vẫn giảm mạnh nhất. Trong khi đó, một số nền kinh tế mới nổi đã lâm vào khủng hoảng tiền tệ và lạm phát cao, dòng vốn đầu tư tháo chạy, như Argentina, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Nam Phi hay như Venezuela lâm vào siêu lạm phát.

Đây cũng được xem là hệ quả tất yếu khi nỗi lo ngại của các nhà đầu tư trong bối cảnh ngân hàng trung ương (NHTƯ) nhiều nước theo đuối xu hướng thắt chặt tiền tệ và đưa lãi suất về mức trung lập, trong đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn đi đầu.

Trong năm 2018, FED có đến bốn lần tăng lãi suất cơ bản USD với tổng mức tăng thêm 1%, lên 2,5%, trong khi NHTU Châu Âu (ECB) đã chấm dứt chương trình mua trái phiếu để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, cùng với đó là mặt bằng lãi suất tại nhiều nền kinh tế đã tăng theo chính sách của NHTU các nước.

Không chỉ Tổng thống Trump, mà nhiều tổ chức quốc tế cũng tin rằng cùng với xung đột thương mại, nỗi lo ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt quá nhanh có thể làm hạn chế tăng trưởng toàn cầu và khiến kinh tế suy thoái trở lại.
Cuối năm 2018, chính trường Mỹ lại tiếp tục trở thành tâm điểm của thế giới với kết quả Đảng Dân chủ đã giành lại quyền kiểm soát hạ viện, theo đó có khả năng kiểm soát chặt hơn những chính sách của Tổng thống Trump trong giai đoạn tới.

2019 - Thiên nga đen

Ngay khi ông trùm bất động sản kiêm ông trùm hoa hậu Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016, giới quan sát đã sớm dự báo thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng chuẩn bị bước vào kỷ nguyên hỗn loạn. Và thực tế hai năm qua cho thấy những dự báo trên đã dần trở thành hiện thực, khi một chính phủ với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" đã không ngần ngại thực thi những quyết sách chưa từng có tiền lệ, và vượt khỏi những khuôn phép ngoại giao thường thấy.

Với sự khó lường của Tổng thống Trump, bất chấp chính trường Mỹ đã trở nên cân bằng hơn khi đảng Dân chủ giành lại hạ viện, thế giới năm 2019 được dự báo sẽ không hề "êm ả”, trong đó những sự kiện "thiên nga đen" - được dùng để chỉ những sự cố có xác suất nhỏ nhưng để lại hậu quả to lớn, sẽ có thể tiếp tục xảy ra với tần suất dày đặc và bất ngờ hơn.

Kremlin (hình), Thiên An Môn, Nhà Trắng là biểu trưng của các thế lực mạnh nhất trên thế giới
Kremlin, Thiên An Môn (hình), Nhà Trắng là biểu trưng của các thế lực mạnh nhất trên thế giới

Dĩ nhiên chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục là tâm điểm, dù đầu tháng 12/2018, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận đình chiến trong 90 ngày để tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện hơn, nhưng rủi ro vẫn còn đó. Cần biết rằng thương mại chỉ là một trong những yêu sách từ phía Mỹ, mục tiêu quan trọng nhất của cường quốc số 1 thế giới là buộc Trung Quốc phải dừng việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ mà không bắt buộc phải chuyển giao công nghệ, cũng như ngừng việc hỗ trợ bất bình đẳng cho các ngành nông nghiệp và dịch vụ.

Điều quan trọng hơn là sự vươn lên của Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp đến quyền lợi và vị trí của nước Mỹ, do đó Mỹ cần phải có những giải pháp để kiềm chế Trung Quốc, mà thương mại chỉ là mặt trận khởi đầu cho những trận chiến khác có thể theo sau, từ công nghệ, văn hóa cho đến ngoại giao, chính trị và những tranh chấp tại Biển Đông.

Và trong trường hợp Trung Quốc không nhượng bộ, khó có thể lường trước được mối quan hệ của hai nước sẽ đi đến đâu, và rủi ro do "thiên nga đen" là rất lớn, mà có thể kéo nền kinh tế Trung Quốc vốn đang đầy rủi ro phải "hạ cánh cứng", trực tiếp ảnh hưởng đến toàn cầu, kéo nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.

Đã có những dự báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sắp đến gần. Như Nouriel Roubini - nhà kinh tế từng dự báo chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, gần đây đã cho rằng một cuộc khủng hoảng đang đến gần và có thể xảy ra vào năm 2020, dựa trên những diễn biến gần đây. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế như JPMorgan hay những nhà đầu tư nổi tiếng như George Soros cũng đồng quan điểm về một cuộc khủng hoảng đang đến gần, thậm chí không loại trừ khả năng khởi nguồn ngay từ năm 2019.

Đáng lưu ý là FED dự kiến thêm ba lần tăng lãi suất trong năm 2019 và một lần trong năm 2020. Tuy nhiên, trước tình hình thế giới bất ổn, các thị trường chứng khoán đang chịu áp lực, cũng như những chỉ trích của ông Trump, FED có thể tăng lãi suất "từ tốn" hơn và lộ trình tăng lãi suất không phải cố định như kế hoạch đặt ra, mà có thể linh hoạt theo diễn biến thực tế của nền kinh tế.

Điều quan trọng hơn là sự vươn lên của Trung Quốc đã đe dọa trực tiếp đến quyền lợi và vị trí của nước Mỹ, do đó Mỹ cần phải có những giải pháp để kiềm chế Trung Quốc, mà thương mại có thể chỉ là mặt trận khởi đầu cho những trận chiến khác theo sau, từ công nghệ, văn hóa cho đến ngoại giao, chính trị và những tranh chấp tại Biển Đông

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại có xu hướng tiếp tục gia tăng, theo đó các hiệp định đa phương hóa thương mại sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, khi nhìn vào những chính sách gần đây của nước Mỹ, hay như việc Anh rút khỏi EU.

Là một nhà tư bản và có vốn đầu tư tại nhiều nền kinh tế, Tổng thống Trump hiểu rất rõ về tự do thương mại. Thực tế cho thấy những lời đe dọa hay tạm thời tăng cường các chính sách "bảo hộ” thương mại trong nước đã giúp ông ký lại hàng loạt hiệp định với các đối tác mang lại lợi ích lớn hơn cho nước Mỹ, từ NAFTA cho đến KORUS với Hàn Quốc, và sắp tới có thể là EU hay Trung Quốc.

Do đó, chủ nghĩa bảo hộ dường như chỉ là chiêu bài để nước Mỹ tìm kiếm những hiệp định thương mại tự do tốt hơn và ưu đãi hơn. Rõ ràng sau một thời gian dài các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giành nhiều ưu đãi, lợi thế cho các nước đang phát triển, thì giờ đây các nước phát triển có vẻ như đang muốn thay đổi "cuộc chơi" và giành lại những ưu đãi, quyền lợi cho mình.

Làn sóng tiểu tình nổ ra tại Pháp trong những tháng cuối năm với tên gọi phong trào "Áo khoác vàng", đã lan sang các nước khác trong khu vực, có thể làm suy yếu chính quyền Tổng thống Macron, hay mâu thuẫn kế hoạch ngân sách của Chính phủ Ý với EU cũng có thể trở thành rủi ro khó lường nếu diễn tiến vượt tầm kiểm soát.

Hệ quả là nếu những sự kiện này có thể lại thúc đẩy Pháp hay Ý quyết định rời khỏi EU như cách mà Anh đã thực hiện, thì có thể thấy phong trào ly khai và chủ nghĩa dân tộc đã giành được thắng lợi mới ở lục địa già, và EU - liên minh kinh tế - chính trị lâu đời và lớn nhất hiện nay sụp đổ chỉ là chuyện sớm muộn. Lúc đó những quốc gia trong khu vực như Nga hay "thế lực mới" Trung Quốc lại có cơ hội vẽ lại bàn cờ địa - chính trị thế giới, mà sẽ khiến nước Mỹ lại phải "đau đầu".

[Infographic] Căng thẳng thương mại giữa Mỹ với EU, Trung Quốc và một số nước khác
Các biện pháp thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với EU, Trung Quốc và một số nước khác đã gây ra phản ứng mạnh mẽ và các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư