Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
“Thẻ thông hành số” cứu ngành kinh tế xanh
Hồ Hạ - 15/03/2021 10:10
 
Nhiều loại “thẻ thông hành số” đã ra đời quản lý hành trình đi lại của người dân, đảm bảo an toàn trước Covid-19, kỳ vọng có thể đẩy nhanh quá trình mở cửa biên giới giữa các quốc gia.
.Các chuyên gia khuyến nghị áp dụng chứng nhận tiêm phòng vắc-xin để giúp ngành du lịch hồi sinh. Ảnh: Chí Cường
Các chuyên gia khuyến nghị áp dụng chứng nhận tiêm phòng vắc-xin để giúp ngành du lịch hồi sinh. Ảnh: Chí Cường

 

Nhiều loại “thẻ thông hành số” ra đời

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho biết, mức độ nghiêm trọng kéo dài của đại dịch Covid-19 khiến chính phủ các nước hạn chế tối đa việc đi lại. Điều này khiến du lịch quốc tế thiệt hại nặng nề và nhu cầu khôi phục du lịch quốc tế trở nên bức thiết.

Theo UNWTO, việc áp dụng chứng nhận tiêm phòng vắc-xin sẽ là công cụ đặc biệt quan trọng ứng phó với đại dịch, nhằm tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế một cách an toàn. UNWTO kêu gọi thúc đẩy tiêu chuẩn hóa, số hóa và khả năng tương tác của hệ thống xét nghiệm và chứng nhận y tế theo hướng được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 được triển khai trên toàn thế giới, một số quốc gia, tổ chức đã bàn, thử nghiệm, áp dụng những công cụ chứng nhận được số hóa để từng bước khôi phục ngành kinh tế xanh.

Đơn cử, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã phát triển công cụ "Thẻ thông hành số" (Digital Travel Pass), sử dụng trong lĩnh vực hàng không nhằm giúp hành khách quản lý lịch trình đi lại, chứng minh cho các hãng hàng không và cơ quan có thẩm quyền rằng họ đã được tiêm phòng hoặc xét nghiệm Covid-19.

Tại châu Âu, “Thẻ xanh điện tử” (Digital Green Pass) sẽ cung cấp bằng chứng về một cá nhân đã được tiêm vắc-xin, kết quả xét nghiệm nếu chưa tiêm chủng và cả thông tin khỏi bệnh nếu người đó từng mắc Covid-19. Ủy ban châu Âu muốn áp dụng loại thẻ này trong toàn bộ Liên minh châu Âu chứ không sử dụng hệ thống của bên thứ 3.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Common Project (một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sỹ) đang trong giai đoạn thử nghiệm "Thẻ thông hành chung" (Common Pass). Ứng dụng này cho phép người dùng truy cập các thông tin về xét nghiệm, vaccine và ứng dụng sẽ tạo mã QR Code để cung cấp thông tin cho các nhà chức trách khi cần thiết.

Tập đoàn IBM đã phát triển và đưa vào áp dụng "Thẻ thông hành y tế số" (Digital Health Pass) tích hợp đa dữ liệu như kiểm tra nhiệt độ, cảnh báo phơi nhiễm virus, kết quả xét nghiệm và tình trạng tiêm vắc-xin. IBM cho biết, thẻ thông hành này nhằm giúp con người quay trở lại những địa điểm công cộng như nơi làm việc, trường học, sân vận động hay các chuyến bay.

Từ tháng 4/2021, Hãng Air New Zealand sẽ thử nghiệm thẻ du lịch kỹ thuật số để cung cấp cho các hãng hàng không và chính quyền các nước quyền truy cập vào thông tin sức khỏe của hành khách, bao gồm cả tình trạng tiêm chủng Covid-19 của họ.

Trong khi đó, hành khách có giấy chứng nhận tiêm vắc-xin có thể đến Hy Lạp sớm nhất vào tháng 5/2021. Hy Lạp đã có thỏa thuận "bong bóng vắc-xin" với Israel và Cộng hòa Cyprus, cho phép người đã tiêm chủng có thể đi lại giữa 3 nước mà không cần cách ly.

Tại Israel, những tấm "vé thông hành" để tự do đi lại được thực hiện dưới dạng hộ chiếu vắc-xin hoặc huy hiệu màu xanh hiển thị trên một ứng dụng di động. Cộng hòa Cyprus cũng dự kiến sớm tham gia thỏa thuận đi lại với Hy Lạp và Israel, bắt đầu từ ngày 1/4. Tây Ban Nha cũng đặt mục tiêu mở cửa trở lại ngành du lịch vào tháng 5, với sự hỗ trợ của hộ chiếu vắc-xin.

Tại Mỹ, các hãng hàng không và doanh nghiệp hàng đầu đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden phát triển giấy chứng nhận tạm thời cho phép hành khách có thể chứng minh đã được xét nghiệm và tiêm chủng vắc-xin Covid-19, nhằm giúp hồi sinh ngành du lịch.

Áp dụng “hộ chiếu vaccine” ở quy mô hẹp

Tại châu Á, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore đã có kế hoạch cấp hộ chiếu vắc-xin cho người dân đã hoàn thành tiêm chủng vắc-xin Covid-19 để họ có thể ra nước ngoài nếu muốn. Thái Lan cũng đòi hỏi điều kiện tương tự đối với du khách đến từ những quốc gia khác từ ngày 1/7.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nguyên cứu về “hộ chiếu vắc-xin”. Theo PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, việc ban hành “hộ chiếu vắc-xin” hoặc “giấy thông hành xanh” nhằm giúp thúc đẩy thông thương, cho phép người dân dịch chuyển, đi lại trong điều kiện “bình thường mới”. Tuy nhiên, sẽ gây nhiều tranh cãi do tính chất nghiêm trọng của Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.

“Tôi đã từng sang một số nước châu Phi và đã phải tiêm vắc-xin phòng chống bệnh sốt vàng da (khi có giấy chứng nhận tiêm phòng mới được vào châu Phi). Tôi cho rằng, “hộ chiếu vắc-xin” có tính chất tương tự và tôi ủng hộ việc xem xét lưu hành hộ chiếu này để tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế dịch vụ du lịch ở một quy mô cho phép”, ông Long nói.

Song, ông Long cũng cho rằng, cần phải có cái nhìn thận trọng hơn, bởi “hộ chiếu vắc-xin” không phải là tấm giấy thông hành đảm bảo tuyệt đối an toàn cho mọi du khách, điểm gửi khách và điểm đón khách du lịch. Hơn thế “hộ chiếu vắc-xin” sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về quyền tự do đi lại của du khách, cũng như kỳ thị và phân biệt đối xử với những người chưa có “hộ chiếu vắc-xin”.

Với điều kiện Việt Nam hiện nay, ông Phạm Hồng Long đề xuất cân nhắc cho phép áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” ở quy mô hẹp, với những thị trường du lịch quốc tế kiểm soát tốt Covid-19. Đồng thời, rút ngắn thời hạn cách ly đối với những du khách có chứng nhận đã tiêm vắc-xin và chỉ triển khai đón khách đến những nơi biệt lập như resort cách biệt, du thuyền… hoặc những nơi có thể tổ chức nhiều loại hình, dịch vụ du lịch với tính chất nhóm nhỏ, biệt lập, đảm bảo ở mức độ an toàn phòng chống dịch cao nhất.

Đồng quan điểm, ở góc độ doanh nghiệp lữ hành quốc tế, Giám đốc Công ty Mr Linh’s Adventures, ông Nguyễn Tuấn Linh cho rằng, khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại, việc xác định lại thị trường cũng đòi hỏi thời gian và nhiều yếu tố khác. Bên cạnh đó, xu hướng, tâm lý, đối tượng khách cũng thay đổi rất lớn sau dịch, cần những nghiên cứu, đánh giá cụ thể.

“Nhiều quốc gia an toàn như New Zealand, Australia, Nhật Bản, tình hình kiểm soát dịch bệnh rất tốt, lượng khách có thể không đông, nhưng mức độ chi tiêu cao, lưu trú khá dài ngày, do đó nên tập trung vào thị trường mục tiêu này”, ông Linh nhấn mạnh.

“Hộ chiếu vaccine” tiếp sức phục hồi du lịch quốc tế
“Hộ chiếu vaccine” đang được nhiều quốc gia xem như giải pháp quan trọng để mở biên, từng bước bình thường hóa, phục hồi hoạt động du...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư