Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thêm nhiều cổ phiếu lên sàn, nhà đầu tư có "bội thực"?
Bùi Sưởng - 16/12/2016 13:09
 
Với tốc độ lên sàn như hiện nay, dự báo quy mô vốn hóa TTCK sẽ tăng hơn 20% trong năm tới. Trong bối cảnh khối ngoại đang có xu hướng bán ròng khỏi thị trường cổ phiếu, hàng mới chất lên sàn liệu có khiến nhà đầu tư “bội thực” hay không?
Cổ phiếu SAB có thanh khoản rất thấp, chủ yếu là do cơ cấu sở hữu “cô đặc”
Cổ phiếu SAB có thanh khoản rất thấp, chủ yếu là do cơ cấu sở hữu “cô đặc”

Sắp đón thêm 12 doanh nghiệp lớn lên sàn

Trong thời gian ngắn tới, TTCK sẽ có 12 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa lên niêm yết như: Petrolimex, PV Oil, Habeco, Vietnam Airlines… Với dữ liệu về giá giao dịch trên thị trường OTC hiện nay, tổng giá trị vốn hóa 12 doanh nghiệp này, theo ước tính của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), là khoảng 260.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều tên tuổi lớn lĩnh vực tư nhân dự kiến cũng sẽ niêm yết trong năm 2017 như Vietjet Air, Masan Consumer, Novaland…, ước tính có tổng quy mô vốn hóa xấp xỉ 100.000 tỷ đồng.

Với diễn tiến trên, năm 2017, thị trường dự kiến có thêm ít nhất 360.000 tỷ đồng vốn hóa (có thể còn tăng nữa nếu cổ phiếu doanh nghiệp sau niêm yết tăng giá, như đã thấy với trường hợp cổ phiếu SAB của Sabeco), tương đương tăng thêm 20% về quy mô vốn hóa so với hiện nay. Đó là chưa kể đến hàng loạt doanh nghiệp vốn hóa nhỏ hơn đã có kế hoạch niêm yết và các doanh nghiệp đang niêm yết đã lên phương án phát hành năm 2017.

Bên cạnh thị trường niêm yết, sàn UPCoM cũng sẽ có số lượng doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch tăng lên nhanh chóng.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trung bình từ nay đến cuối năm 2016, mỗi ngày có khoảng 4 doanh nghiệp mới lên UPCoM. Trước đó, trong vòng 9 tháng gần nhất, vốn hóa thị trường này đã tăng gấp 4 lần từ mức 61.000 tỷ đồng quý I/2016 lên 254.000 tỷ đồng vào 30/11/2016.

Bên cạnh đó, chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước thuộc nhóm ngành nghề không cần sở hữu chi phối. Tính riêng từ 9 tháng đầu năm 2016, SCIC đã bán 1.442 tỷ đồng vốn nhà nước tại 54 doanh nghiệp, thu về 3.818 tỷ đồng; chưa tính các thương vụ thoái vốn lớn khác tại các doanh nghiệp, tổng công ty lớn do các bộ, ngành, địa phương quản lý.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020 ngày 6/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt liên quan đến thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhóm này.

Một số doanh nghiệp được thị trường chờ đợi như: Vinamilk, Dược Hậu Giang, Habeco, Sabeco, các doanh nghiệp thuộc họ dầu khí… sẽ thoái vốn trong năm tới. Nếu thoái vốn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, sẽ tạo ra lượng cung hàng hóa không nhỏ trên TTCK. 

Dự báo nguồn cầu sẽ không “hụt hơi”

Trước dự báo về việc TTCK sẽ bùng nổ về cung hàng hóa, cả do yếu tố niêm yết mới, thoái vốn cổ phần và phát hành mới, liệu nhà đầu tư có bội thực, liệu mất cân đối cung cầu có khiến giá cổ phiếu rơi sâu? Câu trả lời nghiêng về phương án an toàn.

Với nhóm DNNN sau cổ phần hóa lên niêm yết, mặc dù quy mô vốn rất lớn, nhưng lượng cung hàng hóa lại rất khiêm tốn. Ví dụ, Sabeco đã lên niêm yết ngày 6/12/2016, với khối lượng cổ phiếu hơn 641 triệu đơn vị, quy mô vốn hóa đến thời điểm này là gần 127.000 tỷ đồng, chỉ thấp hơn Vinamilk (hơn 185.000 tỷ đồng), nhưng cổ phiếu SAB có thanh khoản rất thấp, chủ yếu là do cơ cấu sở hữu cô đặc của Sabeco (Bộ Công thương sở hữu 89,59%).

Tại nhiều doanh nghiệp lớn khác sẽ niêm yết cũng có tình trạng sở hữu cô đặc như vậy. Với 92% vốn điều lệ các DNNN sau cổ phần hóa vẫn do Nhà nước nắm giữ (theo công bố tại Hội nghị ngày 6/12/2016), đưa hàng lên sàn, quy mô vốn hóa sẽ tăng, nhưng nguồn cung thực tế rất thấp, khó có thể làm lệch cán cân cung cầu trên thị trường.

Nhìn ở góc độ tích cực, Chủ tịch HNX cho rằng, mức tác động của lượng hàng hóa niêm yết năm tới đến nhà đầu tư sẽ không lớn, bởi thay đổi chủ yếu nằm ở việc đưa hàng hóa từ sàn OTC lên sàn niêm yết tập trung, chứ không phải là chào bán mới ra thị trường.

Nhận định từ các công ty chứng khoán lớn cho rằng, nguồn cung đa dạng là yếu tố rất quan trọng tăng sức hút dòng vốn nước ngoài. Năm 2016, con số khoảng 6 tỷ USD vốn ngoại chảy vào Việt Nam thông qua con đường M&A cho thấy, vốn ngoại ngày càng ưa thích cách đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp Việt.

Câu chuyện Sabeco, Habeco, Vietnam Airlines, hay một số doanh nghiệp khối tư nhân khác cho thấy, các doanh nghiệp có tên tuổi, quy mô lớn đang và sẽ là đích đến của các nhà đầu tư chiến lược. Khi có thêm nhiều hàng hóa chất lượng tốt, dòng tiền thông minh sẽ tự chảy vào thị trường.

Nhiều "ông lớn" vẫn đứng "ngắm" sóng lên sàn
Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa có quy mô lớn tiếp tục thất hứa lên sàn. Chế tài xử phạt nghiêm khắc đang chờ các doanh nghiệp này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư