Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thêm xung lực hợp tác
Hà Nguyễn - 20/03/2015 09:41
 
Chuyến thăm Australia và New Zealand của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết thúc tốt đẹp hôm nay (20/3/2015) đã tạo thêm xung lực để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Australia, cũng như giữa Việt Nam và New Zealand.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Việt Nam - New Zealand nâng kim ngạch thương mại lên 1 tỷ USD
Việt Nam - New Zealand đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng
Toàn văn tuyên bố chung Việt Nam - Australia
Australia ủng hộ Việt Nam tham gia Hiệp định TPP
Mốc son lớn trong quan hệ Việt Nam - New Zealand
Quan hệ Việt Nam - Australia đang căng tràn sức sống

Điều này càng được khẳng định mạnh mẽ hơn khi trong các cuộc tiếp xúc song phương, các nhà lãnh đạo của Australia và New Zealand đều nhấn mạnh, chuyến thăm của Thủ tướng là dấu mốc quan trọng, mở ra thời kỳ hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả giữa hai quốc gia, đặc biệt trong hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại. Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam về việc luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Australia, New Zealand.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abbott

Với Australia, đối tác lớn nhất của Việt Nam ở Nam bán cầu, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2009. Australia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 và là đối tác đầu tư thứ 19 ở Việt Nam.

Năm 2014, thương mại song phương Việt Nam - Australia đã đạt dấu mốc 6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Australia hơn 1,93 tỷ USD. Trong khi đó, tính đến tháng 2/2015, Australia có 328 dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 1,66 tỷ USD. Việt Nam hiện là một trong những nước nhận ODA lớn nhất của Australia.

Còn với New Zealand, có thể khẳng định, quan hệ song phương Việt Nam - New Zealand đang ngày càng trở nên quan trọng. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm quốc gia này, lại đúng vào thời điểm Việt Nam và New Zealand chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Bởi thế, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - New Zealand, vốn đang phát triển tốt đẹp kể từ khi được thiết lập từ năm 2009, càng có xung lực để tiếp tục củng cố và đẩy mạnh.

Quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam vì thế cũng đang từng bước được tăng cường. Thương mại hai chiều Việt Nam - New Zealand đã tăng nhanh từ 300 triệu USD năm 2009 lên 794 triệu USD năm 2014, tăng bình quân 20%/năm. Trong khi đó, về đầu tư, New Zealand đang là đối tác thứ 43 của Việt Nam, với 25 dự đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 82 triệu USD. New Zealand, cũng như Australia, là một trong những đối tác phát triển hàng năm cung cấp ODA cho Việt Nam.

Nhưng không chỉ là quan hệ song phương tốt đẹp, quan hệ Việt Nam - Australia, Việt Nam - New Zealand còn có cơ hội được thúc đẩy trong bối cảnh hợp tác đa phương trong khu vực đang được đẩy mạnh. Cả ba đều là các nền kinh tế đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được kỳ vọng sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Khi đó, hợp tác thương mại, đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên TPP, trong đó có Việt Nam, Australia, New Zealand sẽ rộng mở hơn rất nhiều.

Chưa kể, khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010, nhưng tới năm 2018, khi các nước ASEAN, Australia và New Zealand xóa bỏ thuế quan cho ít nhất 90 dòng thuế và mở cửa cho các hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ và đầu tư cho các bên tham gia, thì cơ hội hợp tác còn lớn hơn nữa.

Các động thái gần đây của Australia, New Zealand trong tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, cũng sẽ tạo thêm cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam, New Zealand, Australia và các quốc gia trong khu vực.

Trong bối cảnh các cơ hội hợp tác đang rộng mở cả trên diễn đàn song phương và đa phương như vậy, thì các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ càng tạo thêm xung lực cho các mối quan hệ hữu nghị hợp tác bền chặt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư