Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thép Việt Ý: Gánh nặng đè vai dàn tướng mới
Chí Tín - 28/08/2018 20:35
 
Dàn “tướng lãnh” mới gồm phần lớn nhân sự ngoại tại Công ty cổ phần Thép Việt Ý (mã VIS, sàn HOSE) có thể sẽ tạo một làn gió mới. Nhưng điều đó có đủ thay đổi được cục diện đầy gian khó tại doanh nghiệp này hay không vẫn là một ẩn số.

Cục diện khó khăn

Theo báo cáo tài chính bán niên, Thép Việt Ý đạt doanh thu thuần 2.674 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 2.985 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế âm hơn 66 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 48,5 tỷ đồng). Sự sụt giảm doanh thu thuần khiến lợi nhuận gộp của Công ty trong nửa đầu năm 2018 sụt giảm mạnh, chỉ còn 15,6 tỷ đồng so với con số 122,8 tỷ đồng của nửa đầu năm 2017. 

.
Thép Việt Ý đang kỳ vọng cải thiện dòng tiền ngắn hạn

Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của Thép Việt Ý lại tăng vọt gấp 2 lần cùng kỳ năm trước, đạt hơn 43,7 tỷ đồng (cùng kỳ là hơn 22 tỷ đồng). Ngoài ra, chi phí bán hàng của doanh nghiệp thép này cũng tăng nhẹ, từ 6,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm ngoái lên mức hơn 8,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Trong nửa đầu năm 2018, Thép Việt Ý cũng phải tăng trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, từ 78 tỷ đồng (đầu năm) lên 94 tỷ đồng (giữa năm). Ngoài ra, một trong những con số đáng chú ý trong nửa đầu năm 2018 là giá trị hàng tồn kho tăng vọt.

Giữa năm 2018, hàng tồn kho của Thép Việt Ý đã tăng mạnh lên 823 tỷ đồng so với con số 535,5 tỷ đồng đầu năm. Việc duy trì giá trị hàng tồn kho cao, ngoài việc gây ra chi phí tài chính do bị chôn vốn, còn khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro biến động giá nguyên vật liệu. Nửa đầu năm 2018, Thép Việt Ý cũng phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 4,5 tỷ đồng.

Thách thức với dàn tướng mới

Tình hình kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm 2018 buộc Thép Việt Ý phải gồng sức chạy nước rút trong nửa còn lại, nếu vẫn muốn đạt chỉ tiêu kinh doanh đã thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên. Đó là mục tiêu doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16%; lợi nhuận trước thuế 90,4 tỷ đồng, tăng trưởng 64%.

Điều đáng chú ý là, gánh nặng này đặt ra trong bối cảnh đội ngũ điều hành của Thép Việt Ý mới “chân ướt chân ráo” nhận nhiệm vụ. Thành viên “cũ” nhất trong HĐQT trị đương nhiệm là ông Yoichi Hoshino được bầu  từ tháng 3/2018. Bốn thành viên còn lại chỉ mới vào HĐQT từ tháng 7/2018 là ông Toshimasa Zako (Chủ tịch), ông Satoshi Oda, ông Minoru Sakurai và ông Nguyễn Duy Luân. 

Tình hình kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm 2018 buộc Thép Việt Ý phải gồng sức chạy nước rút trong nửa còn lại.

Ngoài ra, Ban Điều hành vừa được thay mới từ cuối tháng 7, với ông Yoichi Hoshino là Tổng giám đốc, 3 phó tổng giám đốc cấp cao mới bổ nhiệm gồm ông Hidekazu Fukunishi,  ông Satoshi Oda và ông Satoshi Sugino.

Ngay sau khi tạm ổn định về nhân sự, Thép Việt Ý đã quyết định điều chỉnh phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo kế hoạch ban đầu, Công ty dự kiến đầu tư số tiền huy động cho Dự án Nhà máy cán thép 500.000 tấn/năm tại Hải Phòng. Tuy nhiên, theo thông tin mà ông Yoichi Hoshino, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ tại báo cáo thay đổi phương án sử dụng vốn, thì số tiền 369 tỷ đồng dự kiến đầu tư cho nhà máy này sẽ được Công ty sử dụng để phục vụ kinh doanh, bổ sung vốn lưu động và trả nợ vay ngắn hạn. Động thái trên cho thấy Thép Việt Ý đang tiếp tục muốn cải thiện dòng tiền ngắn hạn.

Việc có thêm nguồn tiền bổ sung vốn lưu động sẽ phần nào giảm bớt áp lực tài chính trong các hoạt động trước mắt. Thực chất, Thép Việt Ý cũng đã cải tổ cán cân vay nợ trong nửa đầu năm, với số nợ phải trả giảm từ hơn 1.900 tỷ đồng xuống còn 1.462 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ nợ vay của công ty này đều là ngắn hạn, trong đó vay tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (981 tỷ đồng). 

Các chủ nợ chính của Thép Việt Ý là Vietcombank Chi nhánh Hải Dương, VietinBank Chi nhánh Hưng Yên, BIDV Chi nhánh Hưng Yên và Bắc Hưng Yên. Trong khi Vietcombank và VietinBank giảm tín dụng cho Thép Việt Ý trong nửa đầu năm 2018, thì BIDV đã gia tăng dư nợ cho công ty này. Tổng dư nợ của BIDV tại Thép Việt Ý tại thời điểm ngày 30/6/2018 là 359 tỷ đồng, giá trị tài sản thế chấp là hạ tầng nhà xưởng tại Yên Mỹ (Hưng Yên) trị giá 74,6 tỷ đồng và 2 hợp đồng tiền gửi tổng trị giá 30 tỷ đồng.

Thái Hưng quần thảo thị trường thép
Tăng vốn tại Thép Việt Ý và tiếp tục đeo đuổi Thép Thái Nguyên, Thái Hưng đang cho thấy “lợi ích kép” của hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư