Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội được nhân dân đánh giá cao
Nguyễn Lê - 09/10/2023 09:18
 
Chính phủ báo cáo Quốc hội việc sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
.
Sau đại dịch Covid-19, kinh tế thành phố đã nhanh chóng phục hồi.

Sau 2 năm thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, dư luận cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đánh giá cao mô hình này.

Báo cáo sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 ngày 8/4/2021 thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố.

Thực hiện Nghị quyết 160, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố được tăng lên tối đa là 19 người.

Hiện nay, HĐND Thành phố Hà Nội bố trí 18 đại biểu hoạt động chuyên trách, khuyết 1 đại biểu chuyên trách là Ủy viên chuyên trách của Ban Đô thị.

Với số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách được tăng lên, HĐND thành phố đã triển khai được nhiều hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình với chất lượng sâu; công tác chuẩn bị kỳ họp chuyên nghiệp, khoa học, đem lại hiệu quả tích cực, Chính phủ đánh giá.

Theo Nghị quyết số 97, Hà Nội không tổ chức HĐND phường, chính quyền địa phương ở phường là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng.

Theo đánh giá của Chính phủ, quá trình chỉ đạo, điều hành của UBND phường bảo đảm ổn định, thông suốt khi không tổ chức HĐND phường. Quy định UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng phù hợp với chức năng là cơ quan hành chính tại phường, đề cao trách nhiệm, phát huy năng lực, tinh thần chủ động của Chủ tịch UBND phường.

Trong thời gian thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội, mặc dù không tổ chức HĐND ở phường, nhưng quyền đại diện và quyền làm chủ của Nhân dân vẫn được đảm bảo và phát huy thông qua hoạt động của HĐND quận, thị xã, vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở phường, báo cáo nêu rõ.

Đánh giá chung, ưu điểm được nêu là tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc phân cấp, ủy quyền tạo sự linh hoạt, chủ động trong triển khai hoạt động công vụ, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được phân cấp, ủy quyền, chức năng nhiệm vụ được bao quát, bớt khâu trung gian, rút ngắn quy trình, thủ tục và thời gian giải quyết công việc.

Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền các cấp được tăng cường, thủ tục hành chính được cắt giảm, tạo thuận lợi cho tổ chức, người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính. Kết quả này đã góp phần tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua.

Sau đại dịch Covid-19, kinh tế thành phố đã nhanh chóng phục hồi và đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật là chỉ tiêu GRDP được duy trì tăng trưởng khá, bình quân 2 năm 2021 - 2022 gấp 1,12 lần mức tăng chung của cả nước; thu ngân sách luôn đạt và vượt dự toán được giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 là 324.100 tỷ đồng, đạt 129,0% dự toán; năm 2022 là 331.969 tỷ đồng, đạt 106,5% dự toán; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 220.121 tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán, bằng 122,9% so với cùng kỳ.

Thu hút FDI 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.265 triệu USD, dẫn đầu cả nước và vượt kết quả năm 2022. Doanh nghiệp tiếp tục phát triển với 15.618 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5%). 100% số xã, số huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đẩy mạnh cải cách hành chính, chính quyền điện tử, thành phố thông minh tạo thuận lợi để triển khai nhiệm vụ thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Chính phủ cũng nhìn nhận một số hạn chế, bất cập, trong đó có việc khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, UBND phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách. Từ đó, UBND phường không còn sự chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất như phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.

Để tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương của thành phố (trong đó có tổ chức chính quyền đô thị) theo hướng liên thông, tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu quản lý, phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới, Chính phủ đề xuất luật hóa những quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 và Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội qua triển khai được thực tiễn kiểm nghiệm đúng đắn, phù hợp. Đồng thời, bổ sung các quy định mới để khắc phục và giải quyết các vướng mắc, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong trường hợp Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), Chính phủ kiến nghị chấm dứt việc thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 và thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 160/202021/QH14 kể từ ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Theo đó, tổ chức chính quyền địa phương (trong đó có tổ chức chính quyền đô thị) tại thành phố Hà Nội sẽ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Sửa Luật Thủ đô: Hà Nội đề xuất tự quyết chủ trương dự án đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng
Thẩm quyền về đầu tư công, đề xuất giao HĐND TP. Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư