Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Thí sinh nên có "chiến thuật", "chiến lược" sắp xếp thứ tự nguyện vọng
Hưng Anh - 21/07/2024 09:07
 
Đó là lời khuyên của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đối với các thí sinh trong việc đăng ký các nguyện vọng để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra khi mà trúng nguyện vọng này nhưng lại muốn học nguyện vọng kia.

Những lỗi các thí sinh thường gặp phải khi thao tác đăng ký nguyện vọng

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có quy định rõ theo Công văn 1957/BGDĐT-GDĐH năm 2024 là từ ngày 18/7 đến 17 giờ 00 ngày 30/7/2024 các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần.

Theo chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết trong 2 ngày đầu là 18/7 và ngày 19/7, Hệ thống của Bộ GD&ĐT ghi nhận có hơn 600.000 nguyện vọng được đăng ký.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý với các thí sinh khi đăng ký các nguyện vọng (Ảnh Quốc Việt)

Con số này cho thấy nhiều thí sinh đã nắm vững nhu cầu, thực lực của bản thân cũng như những yêu cầu về ngành nghề đào tạo, trường đại học mà mình mong muốn và đã đăng ký ngay lập tức.

Tuy nhiên có 1 thực tế diễn ra là nhiều thí sinh đã đăng ký quá nhiều nguyện vọng, dễ dẫn tới việc bối rối, lúng túng, nhầm lẫn trật tự giữa các nguyện vọng. Việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng cũng gây lãng phí khi nộp lệ phí tuyển sinh.

Bên cạnh đó nhiều em đã đỗ vào các trường bằng hình thức xét tuyển sớm nhưng chủ quan không đăng ký các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên Hệ thống của Bộ GD&ĐT. Cho đến khi hết thời gian quy định, Hệ thống đã chuyển sang khâu tiếp theo, những nguyện vọng đó không được chấp nhận.

Một lỗi khác thí sinh thường gặp trong quá trình đăng ký, mà PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chỉ ra đó là khi thao tác điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển là không nhấn kết thúc quy trình khi thao tác trên Hệ thống.

“Khi chúng ta đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xong, cần nhấn vào nút cuối cùng để kết thúc quy trình, lúc đó Hệ thống mới ghi nhận những nguyện vọng của các em. Do đó, các em cần xem lại những video hướng dẫn mà Bộ GD&DT đã cung cấp, nắm vững quy trình thao tác trên Hệ thống” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Vụ trưởng cũng nhắc nhở thí sinh vấn đề bảo mật tài khoản khi đăng nhập trên Hệ thống. Bởi nếu bảo mật không tốt, có người khác tự ý đăng nhập vào tài khoản và sắp xếp thứ tự nguyện vọng không đúng theo mong muốn của các em, thí sinh vẫn phải chấp nhận kết quả này khi Hệ thống đã hết thời gian mở đăng ký.

Phải có chiến thuật, chiến lược khi đăng ký các nguyện vọng

Mặc dù được đăng ký nhiều nhưng thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo thứ tự ưu tiên, trong tổng số các nguyện vọng có thể trúng tuyển. Vì thế PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đặc biệt lưu ý đến các em phải có chiến thuật, chiến lược khi đăng ký các nguyện vọng.

Lấy ví dụ về các trường hợp đã diễn ra, Vụ trưởng chia sẻ: “Chúng tôi đã từng nhận những đơn kiến nghị rằng, thí sinh đã đỗ vào nguyện vọng ở vị trí đầu, nhưng lại muốn học ở nguyện vọng xếp phía dưới. Lúc này, Bộ GD&ĐT không thể đổi được bởi Hệ thống đã dành nguyện vọng phía dưới đó cho bạn khác, không còn vị trí cho em nữa. Do đó, thứ tự của nguyện vọng ưu tiên vô cùng quan trọng”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.

Nhiều thí sinh thắc mắc nếu trượt những nguyện vọng xếp đầu, khi xét tới những nguyện vọng phía dưới, thì có được xét công bằng với các bạn cùng đặt ngành đó, trường đó nhưng xếp ở nguyện vọng đầu tiên hay không?

Trước thắc mắc nếu thí sinh trượt những nguyện vọng xếp đầu, khi xét tới những nguyện vọng phía dưới, thì có được xét công bằng với các bạn cùng đặt ngành đó, trường đó nhưng xếp ở nguyện vọng đầu tiên hay không?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết: “Khi xét tuyển, thí sinh cao điểm hơn sẽ đỗ trước, dù đặt nguyện vọng ở vị trí thấp hơn. Đó là sự ưu việt của Hệ thống. Tất nhiên, thí sinh phải chưa trúng tuyển các nguyện vọng phía trên, bởi nếu đã trúng tuyển rồi thì Hệ thống không xét tới nguyện vọng phía dưới nữa”.

Chính vì thực tế này nên Vụ trưởng đặc biệt lưu ý các thí sinh lựa chọn những nguyện vọng đầu tiên là nguyện vọng mình mong muốn, yêu thích nhất, nếu không đỗ mới xét tiếp tới những nguyện vọng sau.

Tương tự với trường hợp xét tuyển sớm: “Ví dụ, em đã trúng tuyển sớm ở một ngành, một trường và xếp ở nguyện vọng số 4, trước đó có 3 nguyện vọng em mong muốn hơn. Lúc này, Hệ thống sẽ xét các nguyện vọng 1, 2, 3 của em trước, nếu em đỗ nguyện vọng nào thì dừng lại tại đó, khi đó nguyện vọng số 4 không còn giá trị. Nhưng nếu em không đỗ cả 3 nguyện vọng trên, em chắc chắn sẽ đỗ vào nguyện vọng 4 - nguyện vọng đã trúng tuyển sớm”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư