Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 07 năm 2025,
Thị thực - “chìa khóa mềm” trong cuộc đua hút khách quốc tế
Hồ Hạ - 13/07/2025 13:56
 
Chính sách thị thực ngày càng thông thoáng đang trở thành “chìa khóa mềm” giúp Việt Nam gia tăng sức hút với du khách quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phú Quốc - điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước đánh giá cao
Phú Quốc - điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.

“Điểm then chốt” trong phục hồi du lịch

Chính sách thị thực (visa) của Việt Nam trong thời gian gần đây đã có những bước tiến rõ rệt. Một trong những dấu mốc đáng chú ý là việc sửa đổi Luật Xuất nhập cảnh có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Theo đó, thị thực điện tử (e-visa) được kéo dài thời hạn lưu trú lên tới 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, áp dụng cho toàn bộ công dân của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử chính sách visa của Việt Nam.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khẳng định: “Chính sách thị thực là một trong những công cụ cạnh tranh điểm đến du lịch quan trọng nhất hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia đang đẩy mạnh thu hút khách quốc tế hậu Covid-19”.

Thị thực điện tử của Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những chính sách hiệu quả, thuận tiện và minh bạch nhất trong khu vực. Việc đăng ký hoàn toàn trực tuyến, không yêu cầu hồ sơ giấy hay phỏng vấn, thời gian xử lý nhanh và linh hoạt giúp cải thiện đáng kể trải nghiệm nhập cảnh, tạo lợi thế cạnh tranh rõ rệt với những quốc gia vẫn giữ quy trình visa phức tạp, tốn kém.

Thị thực du lịch không chỉ là công cụ hành chính, mà còn là “chìa khóa mềm” mở lối cho giao lưu văn hóa, tăng trưởng đầu tư, kết nối kinh tế và tạo nguồn thu ngoại tệ bền vững.

Bên cạnh e-visa, Việt Nam đang áp dụng chính sách miễn thị thực song phương cho 15 quốc gia với thời hạn lưu trú 14 - 90 ngày và miễn thị thực đơn phương cho 12 nước phát triển (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, các nước Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga) đến hết ngày 14/3/2028, với thời gian lưu trú không quá 45 ngày.

Gần đây, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP (ngày 15/1/2025) thí điểm miễn thị thực ngắn hạn có điều kiện cho công dân Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ từ ngày 1/3 đến ngày 31/12/2025 cũng được đánh giá là sáng kiến có tầm nhìn. Đây không chỉ là bước đi mở cửa thị trường tiềm năng tại châu Âu, mà còn gắn trực tiếp chính sách visa với chương trình kích cầu du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành Việt Nam chủ động hơn trong tổ chức tour inbound chất lượng cao. Mô hình  này được kỳ vọng sẽ nhân rộng cho nhiều thị trường khác trong tương lai gần.

Việt Nam cần tăng tốc

Mặc dù đã có bước tiến lớn, nhưng nếu đặt Việt Nam lên bàn cân với các nước trong khu vực, thì khoảng cách vẫn còn khá xa. Hiện tại, Malaysia miễn visa cho công dân 166 nước, Indonesia với 169 nước, Singapore với 158 nước, Philippines với 157 nước, Thái Lan với 93 nước.

Thậm chí, một số quốc gia còn mở rộng hình thức cấp visa đoàn tại cửa khẩu, cấp thị thực tại điểm đến, miễn visa cho nhóm khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị) hoặc khách quá cảnh bằng đường hàng không và đường biển. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa nếu không muốn bị tụt lại trong cuộc đua hút khách quốc tế.

Chính sách visa chỉ thực sự hiệu quả khi gắn liền với hệ sinh thái xúc tiến, quảng bá được tổ chức bài bản. Nhận thức rõ điều này, ngành du lịch Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược định vị thương hiệu quốc gia gắn với thông điệp “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” (Vietnam - Timeless Charm) và các giá trị mới như trải nghiệm xanh, văn hóa sâu sắc, ẩm thực độc đáo, con người thân thiện.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất thành lập Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số thị trường chiến lược. Song song đó, triển khai hệ sinh thái số về xúc tiến du lịch quốc gia, gồm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và quảng bá trên các nền tảng số toàn cầu như Google, Facebook, TikTok, OTA...

“Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 sẽ tập trung tổ chức chiến dịch truyền thông đồng bộ trong và ngoài nước, gắn với thông điệp ‘Việt Nam - Đi để yêu’ phiên bản mới”, ông Phạm Văn Thủy cho biết.

Ngoài việc tiếp tục tập trung vào các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ngành du lịch cũng đẩy mạnh khai thác các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Đông và Nam Mỹ, nơi tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu du lịch nước ngoài tăng nhanh và mức chi tiêu bình quân cao.

Thị thực du lịch không chỉ là công cụ hành chính, mà còn là “chìa khóa mềm” mở lối cho giao lưu văn hóa, tăng trưởng đầu tư, kết nối kinh tế và tạo nguồn thu ngoại tệ bền vững. Trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, ngành du lịch, với kỳ vọng đóng góp 10-12% GDP, cần những chính sách đặc biệt để bứt phá.

Việc miễn thị thực, đơn giản hóa quy trình, linh hoạt hóa hình thức cấp phép là những “liều vaccine thể chế” giúp tạo môi trường hấp dẫn, từ đó lan tỏa động lực đến các ngành liên quan như hàng không, lưu trú, vận tải, bán lẻ, ẩm thực và văn hóa.

Mặc dù đã có bước khởi động đầy kỳ vọng, song vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Thứ nhất, tăng số lượng quốc gia được miễn visa hoặc cấp e-visa.

Thứ hai, giảm thiểu chi phí xin thị thực và mở rộng visa đoàn.

Thứ ba, kết nối mạnh mẽ hơn giữa chính sách thị thực và xúc tiến thương mại, đầu tư, giáo dục.

Về lâu dài, cần xây dựng cơ chế phối hợp ba bên giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cơ quan ngoại giao để xây dựng chính sách thị thực chủ động, linh hoạt, theo dõi sát biến động thị trường và tạo đột phá đúng lúc.

Một chính sách thị thực tốt là chính sách không cần tuyên truyền nhiều, nhưng vẫn khiến khách quốc tế cảm nhận được chào đón. Đó chính là chìa khóa mềm, vừa linh hoạt, vừa bền bỉ, giúp Việt Nam mở cánh cửa hội nhập du lịch sâu rộng và lâu dài hơn trong thập kỷ tới.

Công dân 16 nước đang được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam
Từ 1/3/2025, Việt Nam đang thực hiện việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân đến từ 16 nước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư