Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 23 tháng 08 năm 2024,
Thị trường biến động mạnh mẽ, doanh nghiệp F&B linh hoạt ứng phó
Nhật Hạ - 21/08/2024 14:22
 
Theo ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc iPOS.vn, nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến sự biến động mạnh mẽ, đặt ra không ít thách thức cho lĩnh vực F&B. Tuy nhiên, các doanh nghiệp F&B Việt Nam đã cho thấy sự linh hoạt đáng kinh ngạc…
TIN LIÊN QUAN

Số cửa hàng giảm nhưng tổng doanh thu ngành F&B tăng

Ngày 21/8/2024, iPOS.vn công bố Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024, trong khuôn khổ sự kiện Vietnam F&B Summit 2024. 

Sự kiện Vietnam F&B Summit 2024 do iPOS.vn tổ chức, ngày 21/8/2024.

Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam là hoạt động thường niên của iPOS.vn hàng năm, nhằm tổng hợp, đánh giá và nhận định các tác động của nền kinh tế tới hoạt động kinh doanh ẩm thực và đồ uống tại Việt Nam. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra các nhận định về hành vi tiêu dùng của thực khách 6 tháng đầu năm 2024, so sánh với cùng kỳ năm trước. Tại báo cáo đợt này, iPOS.vn cũng sẽ công bố nghiên cứu chuyên sâu về nhóm nhân sự ngành F&B tại Việt Nam.

Đồng thời trong khuôn khổ Vietnam F&B Summit 2024, hơn 10 diễn giả hàng đầu là các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia ngành F&B hàng đầu tại Việt Nam, sẽ thảo luận về các vấn đề về thị trường F&B trong 6 tháng đầu năm 2024, và tìm ra phương án đầu tư, kinh doanh hiệu quả trong thời kỳ kinh tế khó khăn. 

Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn chia sẻ: “Nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến sự biến động mạnh mẽ, đặt ra không ít thách thức cho toàn bộ ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực F&B. Tuy nhiên, các doanh nghiệp F&B Việt Nam đã cho thấy sự linh hoạt đáng kinh ngạc khi nhanh chóng điều chỉnh hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết và tối ưu hóa dòng tiền. Đồng thời, sự sáng tạo không ngừng trong việc phát triển sản phẩm đã mang đến những trải nghiệm ẩm thực mới lạ, thu hút đông đảo thực khách”.

Nguồn: Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 do iPOS.vn thực hiện 

Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 được xây dựng từ nghiên cứu của gần 1.000 nhà hàng, quán cà phê cùng hơn 2.300 thực khách và 1.307 nhân ngành F&B tại Việt Nam với nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau. Đồng thời, Báo cáo cũng có sử dụng và tham chiếu các số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường cùng các nguồn thông tin uy tín quốc tế, ý kiến của các chuyên gia.

Tính tới hết tháng 6/2024, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng giảm tới 3,9% so với số liệu từ năm 2023. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tổng giá trị doanh thu ngành F&B gây bất ngờ với mốc 403.900 tỷ đồng, đạt 68,46% doanh thu của cả năm 2023. 

Nguồn: Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 do iPOS.vn thực hiện 

Hiện có khoảng 2,89 triệu lao động ngành F&B

Xét riêng các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam từ đầu năm 2024, doanh thu của các doanh nghiệp ngành này đã chứng kiến sự biến động mạnh. Mặc dù khởi đầu năm mới với những tín hiệu tích cực, nhưng đến giữa năm, xu hướng giảm đã trở nên rõ rệt. 

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm trong tháng hai tới hơn 43,4%. Tháng 3 có tăng trưởng nhẹ, và sau đó giảm đều tới giữa năm. Các doanh nghiệp đang ngày càng dè chừng trong việc phát triển kinh doanh trong 6 tháng cuối năm. Theo khảo sát, có 61,2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, trong khi đó, 34,4% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới. So với khảo sát cùng kỳ 2023, số lượng doanh nghiệp F&B có tham vọng tương tự lên tới 51,7%.

Nguồn: Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 do iPOS.vn thực hiện 

Tuy nhiên, sự khó khăn của nền kinh tế không làm giảm đi niềm yêu thích ẩm thực của người Việt Nam. Thay vì giảm chi tiêu cho ăn uống bên ngoài, nhiều đáp viên cố gắng giữ tần suất đi ăn ngoài, nhưng có kế hoạch cụ thể hơn về chi tiêu. Theo khảo sát, các mức tần suất cao (3-4 lần/tuần, hàng ngày) đều gần như không thay đổi so với năm 2023. Đồng thời, nhóm khách hàng có tần suất 1-2 lần/tuần, có xu hướng tăng lên 4,1% so với năm trước. Nhìn chung, nhóm khách hàng trung thành vẫn duy trì thói quen ăn uống như trước đây, cho thấy sức hút của ngành F&B vẫn rất lớn.

Mức chi cho việc “đi cà phê" giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024, với tần suất cũng giảm đáng kể. Mặc dù mức giá từ 41.000 đến 71.000 đồng/ ly trở nên phổ biến hơn, với sự tăng trưởng 11,5% về tỷ lệ người lựa chọn, nhưng các phân khúc cao cấp lại gặp khó khăn. Tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ ly đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%.

Nguồn: Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 do iPOS.vn thực hiện 

Báo cáo kỳ này cũng được iPOS.vn công bố về nghiên cứu chuyên sâu nhân sự ngành F&B tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đang có khoảng 2,89 triệu lao động ngành F&B, với 81,3% nhân sự làm việc bán thời gian. Mặc dù đóng góp nhiều cơ hội cho thị trường lao động, ngành kinh doanh ẩm thực vẫn chưa quá thu hút nhân sự định hướng làm việc lâu dài. 

Nguồn: Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 do iPOS.vn thực hiện 

Vietnam F&B Summit 2024 - Dòng tiền thông thái

Trong bức tranh chung ảm đạm của thị trường, việc sử dụng dòng tiền đầu tư một cách thông minh là yếu tố then chốt, giúp doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn hiện nay. Các diễn giả cùng thảo luận trên tinh thần cởi mở, khách quan, mang lại nhiều giá trị cho khán giả tham dự. 

Tại bất kỳ thời điểm nào, người tiêu dùng vẫn tìm ra cách thích nghi. Đặc biệt với khó khăn của nền kinh tế và áp lực từ cuộc sống thường ngày, dịch vụ F&B vẫn phần nào là một điểm đến giải toả sau những giờ làm việc vất vả. 

Nguồn: Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 do iPOS.vn thực hiện 

Trong phần chia sẻ với chủ đề “Dòng tiền khách hàng đang được chảy về đâu?”, ông Đỗ Duy Thanh (CEO FnB Director) trao đổi góc nhìn về câu chuyện dòng tiền của thực khách, và đánh giá các mô hình kinh doanh F&B trong thời kỳ chuyển dịch chi tiêu của tiêu dùng. Đồng thời, phân tích chi tiết từ góc nhìn 3 loại doanh nghiệp: Doanh nghiệp mới, doanh nghiệp hiệu quả, và doanh nghiệp hiệu quả chưa kỳ vọng. 

Những yếu tố kinh tế khó khăn vẫn đang bủa vây Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên có vẻ điều này không phải rào cản lớn cho các nhà kinh doanh F&B mới gia nhập. Thực tế cho thấy việc “mở nhà hàng" hay “mở quán cà phê" vẫn được coi là điển hình cho tinh thần khởi nghiệp.

Trong phần thảo luận “F&B còn là một ngành đáng đầu tư trong tương lai gần?”, ông Đỗ Duy Thanh là người điều phối tới 2 diễn giả gồm ông Nguyễn Thái Bình (Co-founder FBVI) và ông Vũ Việt Anh (CEO Trà sữa LaBoong). 3 vị diễn giả sẽ cùng thảo luận về các thách thức của đầu tư F&B trong thời điểm hiện tại, tiềm năng của ngành F&B trong tương lai ngắn hạn và dự đoán các chính sách vĩ mô, vi mô có lợi cho việc kinh doanh ngành này. 

Phân bổ chi phí tài chính luôn là vấn đề quan trọng ở bất kỳ doanh nghiệp nào, với đặc trưng của ngành F&B có nhiều chi phí ẩn khác nhau. Tại phần trình bày đặc biệt “Phân bổ chi phí tài chính doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thái Bình (Co-founder FBVI) sẽ cùng khán giả phân tích các cấu thành doanh thu, cấu thành chi phí, giá vốn hàng bán,... Dựa trên kinh nghiệm có nhiều năm điều hành các doanh nghiệp khác nhau, ông Bình cũng đưa ra lời khuyên với cách phân bổ dòng tiền cho việc đầu tư các mô hình vừa và nhỏ. 

Kinh doanh trên nền tảng trực tuyến đang có sức cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trước sức ép đang dần trở nên khốc liệt, các nhà kinh doanh trên Food App đang nỗ lực chuyển đổi để cân bằng bài toán chi phí vận hành và doanh thu để có thể bám trụ và khai thác tiềm năng thị trường.

Tại phần chia sẻ “Thích ứng với nền tảng Food-Apps”, ông Nguyễn Văn Hậu (CEO Cơm thố Anh Nguyễn) sẽ trình bày góc nhìn về sự thay đổi nền tảng Food-apps trong nhiều năm trở lại đây. Đồng thời, ông Hậu cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc tối ưu vận hành, kiểm soát chi phí và đưa ra lời khuyên về các kênh quảng cáo trên Food-apps. 

Marketing không chỉ đơn thuần là hoạt động truyền thông, mà là một quá trình từ nghiên cứu khách hàng, xây dựng sản phẩm phù hợp và truyền thông sản phẩm tới đúng đối tượng mục tiêu, với mức giá phù hợp.

Ở chủ đề “Gia tăng hiệu quả marketing với chi phí thấp” với format hoàn toàn mới - Firechat, điều phối thảo luận bởi ông Châu Lê, cùng diễn giả Phùng Anh Thế (Chủ tịch trà sữa Maycha) cùng thảo luận về 4 nội dung gồm: Tận dụng các kênh truyền thông chủ động doanh nghiệp, phát triển bao bì sản phẩm, marketing thông qua kênh đối tác, và tăng trưởng với các chiến dịch táo bạo. 

Không nhiều đơn vị có thể tăng trưởng trong thời kỳ này. Tuy vậy, các doanh nghiệp ngược sóng vẫn tìm phương án để cải thiện tình hình kinh doanh, đón đầu các xu hướng tiêu dùng, chính sách vĩ mô,...

Với góc nhìn đa dạng từ nhiều mô hình kinh doanh khác nhau, ở chủ đề “Tăng trưởng trong thời kỳ kinh tế khó khăn”, các diễn giả sẽ cùng thảo luận để mang tới giải pháp tăng trưởng nhận diện thương hiệu, doanh thu và biên lợi nhuận. Phiên thảo luận có sự góp mặt của ông Phạm Minh Chí (COO tập đoàn VFBS Việt Nam), ông Phùng Anh Thế (Chủ tịch Trà sữa Maycha), ông Nguyễn Văn Hậu (CEO Cơm Thố Anh Nguyễn), và được điều phối bởi ông Phan Anh Minh (CEO SitePlus). 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư