Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Đã "dò" xong đáy?
 
Với mức tăng hơn 25 điểm của chỉ số VN-Index, phiên hồi phục cuối tuần qua đã phần nào giải tỏa được tâm lý căng thẳng của nhà đầu tư sau khi trải qua những phiên “đỏ lửa” trước đó. Câu hỏi được đặt ra là liệu thị trường đã “dò” xong đáy?

Lý giải nguyên nhân về những phiên giảm mạnh trong tuần qua, đặc biệt là phiên giao dịch ngày 19/4 khi VN-Index mất tới 43,9 điểm, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, có nhiều yếu tố tác động khiến thị trường lao dốc như ảnh hưởng của đà giảm từ thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là chứng khoán Mỹ, hoạt động rút vốn của khối ngoại, sự chuyển dịch dòng tiền...

Theo bà Quỳnh, dòng tiền trên thị trường một phần được rút ra nhằm đón đầu những cổ phiếu mới sẽ lên sàn tới đây, trong đó có Techcombank và Vinhomes là hai doanh nghiệp lớn được nhiều nhà đầu tư chờ đợi. Đáng chú ý, vào đầu tháng 4, Techcombank đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và dự kiến niêm yết vào ngày 4/6/2018, trong khi hạn chót của đợt chốt giá dựng sổ (book building) trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Techcombank là ngày 23/4, sát với tuần giao dịch vừa qua.

“Xu hướng thị trường hiện tại khá tương đồng với thời điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018, khi các đợt IPO của các doanh nghiệp lớn như BSR, PVoil, PVPower, Genco3... dồn dập diễn ra. Thực tế cho thấy, một lượng tiền lớn đã bị hút vào các đợt IPO này” bà Quỳnh nói và cho biết, mặt khác, nhiều bluechips sau thời gian dài tăng giá hiện đang bị “chốt lời” mạnh, gây tác động lớn lên thị trường.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh trong tuần qua còn đến từ việc chốt các hợp đồng phái sinh tháng 4/2018 (F1804).

“Chúng tôi cho rằng, để chuẩn bị cho kịch bản chốt phái sinh, các nhà tạo lập thị trường đã chuẩn bị trong cả chục phiên trước đó. Và ngày 19/4 vừa qua, gần như toàn bộ các mã cổ phiếu trong rổ VN30 đều bị bán khiến nhóm này đồng loạt giảm mạnh, đặc biệt là những mã có ảnh hưởng lớn đến chỉ số như VIC, MSN, VCB, PLX...

Ngay sau phiên lao dốc 19/4, thị trường đã ổn định và tăng mạnh trở lại vào phiên 20/4", trưởng phòng môi giới của một công ty chứng khoán tại Hà Nội phân tích.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, ở tầm quy mô hiện tại, thị trường phái sinh chưa đủ sức để tác động đến thị trường cơ sở.

Thực tế cho thấy, việc thị trường sụt giảm mạnh đã ảnh hướng rất lớn đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là về áp lực "margin call". Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho rằng, câu chuyện margin tại thời điểm này không phải là vấn đề nghiêm trọng.

"Áp lực bán giải chấp hiện không quá căng thẳng, bởi nhiều nhà đầu tư đã kịp 'thoát hàng' trước đó. Hơn nữa, phiên tăng mạnh ngày 20/4 cũng đã làm giảm nghi ngại về tình trạng 'call margin' trong các phiên sắp tới", vị lãnh đạo trên nhìn nhận.

Khi dòng tiền vẫn đang rút bớt khỏi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhà đầu tư dài hạn có thể giải ngân chọn lọc vào một số cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong những phiên giảm mạnh của thị trường
Khi dòng tiền vẫn đang rút bớt khỏi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhà đầu tư dài hạn có thể giải ngân chọn lọc vào một số cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong những phiên giảm mạnh của thị trường

Sau khi bứt phá trong năm 2017, thị trường tiếp tục xu hướng tăng trong quý I/2018 vẫn dựa chủ yếu vào các bluechips, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò trụ đỡ chính. Với nhịp điều chỉnh tuần qua, giá nhiều cổ phiếu bluechips cũng như ngân hàng đã giảm đến 20%. Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán cho rằng, đây là cơ hội để nhà đầu tư xem xét mua lại những cổ phiếu này.

"Kết hợp với một số cổ phiếu có 'game' lớn, cổ phiếu ngân hàng được nhìn nhận sẽ tiếp tục là dòng cổ phiếu dẫn dắt và làm nền tảng để thị trường tăng trưởng trong thời gian tới", ông Bình đánh giá.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), rất khó để khẳng định thị trường đã “dò đáy” thành công hay chưa, bởi biến động của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số, cũng như tâm lý giao dịch chung trên thị trường.

"Tuy nhiên, khi dòng tiền vẫn đang rút bớt khỏi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhà đầu tư dài hạn có thể giải ngân chọn lọc vào một số cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong những phiên giảm mạnh của thị trường.

Trong khi đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể bám theo sự vận động của dòng tiền và bán hạ tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn trong danh mục, cũng như có thể giao dịch 'lướt sóng' ngắn hạn ở những cổ phiếu vốn hóa nhỏ nhận được sự chú ý của dòng tiền", VCBS khuyến nghị.

Công ty chứng khoán lo hết mùa "gặt hái"?
Thanh khoản tăng mạnh tạo điều kiện cho các công ty chứng khoán (CTCK) đạt doanh thu và lợi nhuận lớn thời gian qua. Tuy nhiên, sự sụt giảm của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư