Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Đại hội muộn, doanh nghiệp có chuyện "khó nói"
 
Dù đã quá thời hạn tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên theo quy định cả tháng trời, nhưng đến nay, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội.

Theo khoản 2, Điều 136, Luật Doanh nghiệp 2014, đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Với quy định trên, các doanh nghiệp phải tổ chức đại hội đồng cổ đông trước ngày 30/4 hàng năm (đa phần doanh nghiệp có niên độ tài chính từ 1/1-31/12 hàng năm).

Trường hợp doanh nghiệp muốn gia hạn, thời hạn tổ chức không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính và phải gửi công văn xin gia hạn cho sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố. Có nghĩa là, doanh nghiệp có thể xin gia hạn, nhưng không được quá ngày 30/6/2019 đối với doanh nghiệp có năm tài chính từ 1/1 - 31/12/2019.

Vậy nhưng, trong tuần cuối tháng 5, hàng chục doanh nghiệp đại chúng mới tổ chức đại hội. Đó là CTCP Điện cơ (EME), CTCP Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư (BII), CTCP Cảng An Giang (CAG), CTCP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn (IFC), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEA), CTCP Đại Thiên Lộc (DTL), CTCP Khách sạn Sài Gòn (SGH), CTCP Đầu tư HAV (HVA), CTCP Thủy Tạ (TTJ), CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG), CTCP Gỗ MDF Quảng Trị (MDF), CTCP Vinhomes (VHM)… Và tới thời điểm này, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa công bố kế hoạch tổ chức đại hội.

Thông thường, việc gia hạn tổ chức đại hội đồng cổ đông do doanh nghiệp chậm hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán xuất phát từ việc có nhiều công ty con, liên doanh liên kết; hoặc có các tờ trình có nội dung rất quan trọng cần thống nhất ý kiến cao từ Hội đồng quản trị, thậm chí phải “giàn xếp” với cổ đông lớn để có tiếng nói chung trước đại hội.

Trong số các doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông muộn năm nay, có nhiều gương mặt gợi lên “nỗi đau” cho nhà đầu tư khi hoạt động xuống dốc, giá cổ phiếu rơi sâu; thậm chí có doanh nghiệp đang bị điều tra…

Ngày 31/5 này, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Theo tài liệu Đại hội, năm 2018, Tổng công ty đạt doanh thu hơn 7.070 tỷ đồng, nhích nhẹ so với năm 2017; lợi nhuận tăng trưởng gần 39%, ngang ngửa doanh thu, ở mức 7.010 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi trong công ty liên doanh, liên kết. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 5.224 tỷ đồng.

Năm 2019, VEA đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ 2.398 tỷ đồng, giảm 18%, nhưng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lại tăng trưởng 23%, ở mức 6.402 tỷ đồng. Đồng thời, Hội đồng quản trị VEA tiếp tục xin ý kiến cổ đông về việc niêm yết 1,3 tỷ cổ phần trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2019. Kế hoạch này đã được Hội đồng quản trị VEA trình cổ đông thông qua trong năm 2018, nhưng đến nay chưa thực hiện được do chưa đáp ứng đủ quy định niêm yết trên HOSE.

Mới đây, Bộ Công thương đã công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEA. Theo đó, thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VEA. Quá trình quản lý, điều hành tại VEA và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Đặc biệt, cơ quan thanh tra Bộ Công thương đã chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm về quản lý kinh tế.

Ngày 31/5 cũng là ngày BII tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Công ty có một năm 2018 tích cực hơn hẳn so với năm 2017, với con số lợi nhuận 2,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả này, BII mới chỉ hoàn thành 9,6% kế hoạch lợi nhuận.

Nguyên nhân chỉ đạt tỷ lệ rất thấp so với chỉ tiêu kế hoạch được BII nêu ra là sự chậm trễ trong kế hoạch đấu giá mỏ khoáng sản tại địa phương, dẫn đến thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy và việc thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp chưa hiệu quả.

Năm 2019, BII đặt kế hoạch tăng trưởng đột biến, với doanh thu 120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh của Công ty không có nhiều thông tin nổi bật và cơ sở để thực hiện kế hoạch, khi mà lợi nhuận giảm dần qua các năm.

Thị giá cổ phiếu BII hiện đang dao động quanh mốc 1.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng từ khoảng tháng 6/2018, BII xuất hiện cổ đông lớn là ông Đỗ Cần, sở hữu 5,25% vốn. Từ đó đến nay, ông Cần từng bước nâng dần tỷ lệ sở hữu. Mới đây nhất, ông Cần mua thêm thành công 99.000 cổ phiếu BII, nâng tỷ lệ sở hữu lớn 13,11% vốn.

Cùng ngày, CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) cũng tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Sau năm 2018 thua lỗ hơn 17 tỷ đồng, quý I vừa qua, DTL tiếp tục ghi nhận lỗ ròng gần 26 tỷ đồng. Cho tới thời điểm này, trên website của doanh nghiệp mới chỉ đăng tải thư mời cổ đông, mà không có các tài liệu đại hội. Nhà đầu tư không thể tìm kiếm được thông tin về kế hoạch kinh doanh năm mới của Công ty.

Ngày 30/5 này, TLG sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông. TLG là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định hàng năm. Trong các tờ trình Đại hội tới đây, đáng chú ý là tờ trình về phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị.

Cụ thể, TLG dự kiến sẽ phát hành hơn 7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2/2018, tỷ lệ 5% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 5%/mệnh giá, nguồn thực hiện từ Quỹ đầu tư phát triển. Mới đây, TLG công bố thông tin về việc đầu tư ra nước ngoài 814.402 USD, tương đương 19 tỷ đồng, để góp vốn vào dự án thành lập CTCP Tập đoàn Thiên Long tại Singapore.

Dù chỉ tiêu lợi nhuận 2019 của TLG là 325 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5% so với 2018, nhưng 7 phiên liên tiếp gần đây, thị giá cổ phiếu này liên tục đi xuống.

Trong số doanh nghiệp gia hạn tổ chức đại hội đồng cổ đông còn có TTJ. Cổ phiếu TTJ gây choáng váng với giới đầu tư khi tăng gấp 4 lần từ đầu năm đến nay, từ 20.000 đồng/cổ phiếu, có lúc lên 83.000 đồng/cổ phiếu, hiện đang ở mức 77.000 đồng/cổ phiếu.

Trái ngược với diễn biến cổ phiếu, kết quả kinh doanh của TTJ liên tục sụt giảm. Giai đoạn 2016 - 2018, lợi nhuận sau thuế từ 7,4 tỷ đồng, giảm còn 5,8 tỷ đồng và vỏn vẹn 2 tỷ đồng trong năm 2018. Trong đó, nguyên nhân chính là mảng kem vốn có tính thời vụ, lại giảm liên tục về doanh thu, trong khi chi phí bán hàng vẫn duy trì ở mức cao. Đồng thời, TTJ thừa nhận, hệ thống máy móc đã cũ kỹ, lạc hậu, các tủ kem xuống cấp. Song song đó, mảng nước vẫn đang thua lỗ.

Mới đây, TTJ đã công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên, đáng chú ý là TTJ tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Mục đích là để di chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi khu vực nội đô theo yêu cầu của UBND TP.Hà Nội, cũng như có nguồn lực tài chính đáp ứng được định hướng phát triển sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới. 

Năm 2019, TTJ đặt mục tiêu doanh thu 109 tỷ đồng, tăng nhẹ, còn lợi nhuận sau thuế 7 tỷ đồng, gấp 3 lần con số thực hiện trong năm 2017.

Câu chuyện đáng chú ý khác là sự thay đổi nhân sự cấp cao ở TTJ, hiện đã có 5 thành viên Hội đồng quản trị có đơn từ nhiệm, 3 thành viên Ban Kiểm soát cũng xin từ nhiệm. Theo đó, tại Đại hội sắp tới, TTJ sẽ tiến hành bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Thị trường chứng khoán: Vốn ngoại chưa thấy rõ con đường
Cuộc họp báo tuần qua của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã thông tin về việc dự án Luật Chứng khoán sửa đổi trình Quốc hội xem xét lần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư