Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Hồi hộp chờ tín hiệu nâng hạng
NQS (Tinnhanhchungkhoan.vn) - 11/06/2018 10:10
 
Tạp chí Forbes vừa công bố 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2018, trong đó ghi nhận 24 doanh nghiệp Việt Nam có vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Với các tiêu chí định lượng vượt xa so với yêu cầu của MSCI, con đường tiến đến ngày nâng hạng của Thị trường chứng khoán Việt Nam có vẻ đang ngắn lại
Với các tiêu chí định lượng vượt xa so với yêu cầu của MSCI, con đường tiến đến ngày nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam có vẻ đang ngắn lại

Với sự hỗ trợ tính toán của Công ty Chứng khoán Bản Việt, các doanh nghiệp được Forbes chọn lựa theo nhiều tiêu chí như tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ ROE, ROC, tăng trưởng EPS… xứng đáng là những gương mặt tiêu biểu cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chưa tính việc có thêm một số doanh nghiệp lớn vừa lên sàn, Tập đoàn Vingroup, CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)… là những cái tên dẫn đầu trong danh sách vốn hóa tỷ USD trên thị trường chứng khoán.

Theo tiêu chí của MSCI, thị trường chứng khoán muốn được xếp ở mức cận biên thì trước hết phải đạt các tiêu chí định lượng, cụ thể, phải có ít nhất 3 doanh nghiệp có vốn hóa từ 1.375 triệu USD trở lên, tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm (ATVR) phải đạt từ 15% trở lên.

Trong báo cáo cuối tháng 5 do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xây dựng trình Bộ Tài chính cho biết, xét trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam, hiện có 23 doanh nghiệp đủ tiêu chí vốn hóa trên 1.375 triệu USD (riêng Sacombank, vốn hóa 1,03 tỷ USD); 229 doanh nghiệp (4 trên HNX, 225 doanh nghiệp trên HOSE) đủ tiêu chuẩn thanh khoản ATVR trên 15%. Với các tiêu chí định lượng vượt xa so với yêu cầu của MSCI, con đường tiến đến ngày nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam có vẻ đang ngắn lại.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBCK cũng chia sẻ, sau khi làm việc với MSCI (tại Thụy Sỹ) và trao đổi với các thành viên thị trường, được biết, việc xếp hạng thị trường chứng khoán phụ thuộc vào kết quả khảo sát nhà đầu tư mà MSCI tiến hành độc lập.

Nói cách khác, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán bất kỳ nào trên thế giới. Những ghi nhận, đánh giá từ cộng đồng quốc tế về các doanh nghiệp và môi trường đầu tư chứng khoán tại từng thị trường chứng khoán mới là yếu tố đầu vào để tổ chức nâng hạng xem xét, “cân lên, đặt xuống” việc nâng hạng trên bảng của mình.

Trong khu vực châu Á, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang đứng chung bảng “Cận biên” với Bangladesh, Srilanka. Nếu được nâng hạng lên 1 bậc, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đứng chung bảng “mới nổi” với thị trường chứng khoán Trung Quốc, Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Pakistan trong khu vực châu Á.

Thông thường, tháng 6 hàng năm là thời điểm MSCI đánh giá, công bố công khai việc xếp hạng các thị trường. Tháng 6 năm 2017, các thành viên thị trường chứng khoán Việt Nam đã hồi hộp chờ đợi, nhưng cuối cùng Việt Nam chưa có tên trong danh sách tiềm năng để được xem xét nâng hạng. Năm 2018, tháng 6, liệu Việt Nam có được xếp vào danh sách tiềm năng hay không?

Xét về tiêu chí định lượng, với việc ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD, thị trường chứng khoán Việt Nam tự tin cho lần xem xét nâng hạng tháng 6 này. Xét về tiêu chí định tính, 1 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cải thiện, chẳng hạn, việc khai trương thị trường chứng khoán phái sinh, việc cho phép nhà đầu tư ngoại mua không hạn chế trái phiếu chính phủ, việc định hình khung pháp lý cho Quỹ hưu trí tự nguyện hay việc triển khai chỉ số phát triển bền vững (VNSI) và xây dựng bộ chỉ số chung HOSE-HNX…

Ðây là những điểm cộng. Tuy nhiên, những tiêu chí khác về giới hạn về sở hữu nước ngoài, các quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối… vẫn chưa có sự cải thiện rõ nét, khiến câu chuyện liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có lọt vào danh sách tiềm năng nâng hạng hay không, vẫn là một ẩn số.

Trong lúc chờ MSCI xem xét, việc Forbes ghi nhận thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 24 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD (trong khi năm 2013 có 6 doanh nghiệp và 2017 là 16 doanh nghiệp) là một câu chuyện vui từ các doanh nghiệp. Hy vọng, tháng 6 này, thị trường chứng khoán sẽ đón thêm những tin vui khác trong nỗ lực nâng hạng thị trường.

Thị trường chứng khoán: Tháng 6 có máu lửa?
Câu chuyện những đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) sẽ được tổ chức trước thời hạn 30/6/2018, cùng ước tính về kết quả kinh doanh quý II và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư