Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Ngóng sóng cổ phiếu bất động sản tầm trung
Sự chuyển dịch mạnh nhu cầu của thị trường bất động sản sang phân khúc tầm trung và dư địa phát triển của phân khúc này còn rất lớn đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào phân khúc này.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Diễn biến tích cực của thị trường bất động sản sẽ tạo ra sức hấp dẫn của cổ phiếu nhóm ngành bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo ”Sức hút cổ phiếu bất động sản - góc nhìn từ cung cầu thị trường” được tổ chức đầu tuần này tại TP. HCM. 

Từ sự chuyển dịch của thị trường

Theo bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn - Công ty TNHH CBRE, mặc dù lượng cung trên thị trường bất động sản thời gian qua tăng mạnh, nhưng nhu cầu của thị trường còn rất lớn, đặc biệt là với phân khúc bất động sản tầm trung, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ và giới trung lưu đang tăng mạnh. Do vậy, các doanh nghiệp bất động sản hoạt động trong phân khúc căn hộ trung cấp có tiềm năng tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Tương tự, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc) cho rằng, thị trường bất động sản trong quý I và quý II/2016 đều cho thấy nhu cầu lớn đến từ phân khúc trung cấp và bình dân.

Cụ thể, lượng bàn giao căn hộ trung cấp trong quý I/2016 chiếm tới 54% tổng số căn hộ được bàn giao tại TP. HCM. Bên cạnh đó, xét về nguồn cung mới của căn hộ để bán, các dự án tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông (bao gồm quận 9, quận Thủ Đức) chiếm tới 47% lượng chào bán mới trong quý II/2016, kế đến là khu vực phía Nam (bao gồm Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7) chiếm 26% tổng số căn hộ chào bán mới. 

Đến tiềm năng cổ phiếu bất động sản tầm trung

Theo bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM (HOSE), hiện có 28 công ty bất động sản niêm yết trên HOSE với quy mô vốn hóa lớn thứ 10 trong các ngành và chiếm 13% tổng quy mô vốn hóa toàn thị trường. Trong đó, nhiều cổ phiếu hấp dẫn dòng tiền nhà đầu tư, nhất là khi thị trường bất động sản hồi phục 1 - 2 năm nay.

Trong khi đó, ông Đặng Trần Hải Đăng cho rằng, diễn biến tích cực của thị trường bất động sản sẽ tạo ra sức hấp dẫn của cổ phiếu nhóm ngành bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân như TDH, NLG, NBB, BCI, SCR...

Về các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp ngành bất động sản, ông Đăng cho biết, chỉ số sinh lời của các công ty như BCI đứng đầu về tỷ suất lợi nhuận gộp, đạt 81,12% trong khi SCR đứng đầu về tỷ suất lợi nhuận thuần 116,7%...

Về diễn biến trên thị trường, một tháng qua, nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch khá sôi động với tổng khối lượng giao dịch ở mức 1,1 tỷ cổ phiếu, cao hơn hẳn các ngành khác như tài nguyên cơ bản (730 triệu cổ phiếu), vật liệu xây dựng (637 triệu cổ phiếu), thực phẩm và đồ uống (385 triệu cổ phiếu)... Cũng trong 1 tháng qua, giá giao dịch các cổ phiếu bất động sản cũng có những biến động tích cực khi tăng 4,2%, cùng xu hướng tăng giá với một số ngành như hóa chất 2,61%, vật liệu xây dựng 5,93% và y tế 2,56%.

Diễn biến tích cực của thị trường bất động sản sẽ tạo ra sức hấp dẫn của cổ phiếu nhóm ngành bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân như TDH, NLG, NBB, BCI, SCR...
Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSc.

Nhìn chung, trong thời gian vừa qua, các cổ phiếu bất động sản vẫn thu hút được dòng tiền từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Đăng cũng nhấn mạnh, có sự phân hóa giữa các cổ phiếu trên thị trường, do đó, các nhà đầu tư nên thận trọng phân tích, đánh giá thời điểm giải ngân phù hợp.

Trong số các cổ phiếu bất động sản, sau một thời gian dài khó khăn, cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển nhà Thủ Đức đang được quan tâm. Thực tế, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này nửa đầu năm 2016 cũng khá ấn tượng với doanh thu công ty mẹ đạt mức 327,5 tỷ đồng, tăng trưởng 65,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 54,4 tỷ đồng, tăng 946,2% so với cùng kỳ và đạt 68,1% kế hoạch năm. Với kết quả thực hiện như trên, TDH ước đạt 971,6 tỷ doanh thu cho năm 2016, lợi nhuận sau thuế ước đạt 102 tỷ đồng, tương ứng EPS 2016 là 1.786 đồng, giá trị sổ sách dự kiến cho năm 2016 là 22.800 đồng.

Chia sẻ về giá cổ phiếu TDH hiện tại, các chuyên gia cho rằng, thị giá cổ phiếu này thấp hơn rất nhiều giá trị sổ sách do công ty này trong giai đoạn bị ảnh hưởng của khủng hoảng đã thu hẹp quy mô hoạt động để bảo toàn lực lượng nên tốc độ tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước đó.

“TDH đang bắt đầu một giai đoạn mới với tốc độ tăng trưởng cao trở lại nên cổ phiếu có cơ hội cao tăng giá trong thời gian trước mắt”, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch TDH nhấn mạnh và khẳng định, TDH cố gắng tăng trưởng ít nhất mỗi năm 25% trong thời gian tới.

Nhóm cổ phiếu "hạng sang" UPCoM Premium chưa thể tạo sóng
Sau gần 1 tháng ra mắt bảng UPCoM Premium và quy định “mở đường” cho cổ phiếu thuộc bảng này được giao dịch ký quỹ (margin) có hiệu lực,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư