Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, lượng cổ phiếu hơn 25.500 tỷ đồng được sang tay
Thanh Thủy - 19/01/2021 17:39
 
Thành quả đạt được trong gần nửa tháng đầu năm đã bị cuốn sạch trong phiên bán tháo ngày 19/1 khi VN-Index giảm gần 61 điểm. Nhưng điểm sáng là thanh khoản và sự trở lại của dòng vốn ngoại.

Tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn, sắc đỏ phủ kín ba sàn chứng khoán

Sau nhiều ngày tiến công bất thành vùng đỉnh cũ 1.200 điểm, chứng khoán đảo chiều rơi sâu trong ngày 19/1. Vào cuối phiên sáng, cũng là thời điểm rơi sâu nhất, VN-Index giảm gần 75 điểm xuống còn 1.117,2 điểm (-6,69%). Đây là mức giảm sâu nhất tính theo cả giá trị tuyệt đối và tương đối. Dù đã nhích nhẹ, chỉ số sàn HoSE vẫn giảm 5,39%. VN-Index đóng cửa ở mức 1.131 điểm, giảm gần 61 điểm. Thành quả đạt được trong gần nửa tháng đầu năm đã bị cuốn sạch trong phiên bán tháo này.

Trụ “rụng”, các cổ phiếu vốn hóa lớn là động lực dẫn dắt chỉ số thời gian qua cũng chính là các yếu tố dìm chỉ số chung trong phiên hôm nay.  Ba cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường gồm VIC, VCB và VHM đều giảm sâu, trong đó cổ phiếu VIC giảm tới 6,89%. Một nửa cổ phiếu nhóm ngân hàng giảm kịch biên độ.

Bên cạnh những “tội đồ”, một số cổ phiếu lớn kịp hồi phục trong phiên chiều phần nào đỡ chỉ số dù chưa thể lấy lại sắc xanh. Trong nhóm VN30, VRE là cổ phiếu giảm ít nhất (-0,1%) dù cũng có thời điểm chạm sàn. Tương tự, REE và NVL cũng chỉ còn giảm hơn 2% vào cuối phiên từ mức giảm kịch sàn trước đó.   

Vốn hóa thị trường sàn HoSE cuối ngày 19/1 tương đương 4,19 triệu tỷ đồng, như vậy đã "bốc hơi" 225.400 tỷ đồng so với phiên ngày hôm qua, tương đương mức giảm hơn 9,73 tỷ USD.

Trên sàn HNX, dù cổ phiếu THD của Thai Holdings tăng 5,45%, chỉ số chung vẫn chìm trong sắc đỏ. Không chỉ các cổ phiếu vốn hóa lớn như SHB, VCS giảm sâu, số lượng cổ phiếu giảm điểm cũng cao áp đảo. HNX-Index giảm 6,48 điểm (-2,81%) về mức 224 điểm. Chỉ số sàn UPCoM cũng giảm 3,05% xuống còn 76,15 điểm. 

Thanh khoản ba sàn vượt 1,1 tỷ USD

Trên HoSE, phần lớn giao dịch được thực hiện vào buổi sáng, chỉ khoảng 2.350 tỷ đồng là các lệnh khớp trong phiên chiều. Điều này cũng cho thấy sự hồi phục nhẹ của phiên chiều chỉ xảy ra trên diện nhỏ. Thực tế, tâm lý các nhà đầu tư hiện nay cũng mong muốn đặt lệnh vào buổi sáng để tránh tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE. Theo Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, sàn chứng khoán hiện nay đang chịu hạn chế về số lượng lệnh đặt do năng lực thiết kế của hệ thống.

Số lượng các lệnh giao dịch từ sau 1h30 chiều đã rất hạn chế. Ngoài ra, theo phản ánh từ nhiều nhà đầu tư, việc nghẽn giao dịch còn xuất hiện từ cuối phiên sáng. Lệnh đặt từ nhiều công ty chứng khoán đã không chuyển được lên sàn.

Xô đổ mọi kỷ lục, thanh khoản đã vọt lên trong phiên bán tháo này. Riêng tại sàn HoSE, hơn 986 triệu cổ phiếu đã được sang tay với giá trị giao dịch đạt 20.362 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, giá trị khớp lệnh vọt lên 17.974 tỷ đồng.

Trong trường hợp số lượng lệnh đặt tối đa không thay đổi, việc giá trị khớp lệnh tăng đặt ra nghi vấn về việc đã có những lệnh khối lượng lớn được thực hiện. Hồi đầu năm 2021, cũng nhờ việc nâng quy định về lô chẵn tối thiểu, giá trị giao dịch cũng được nới thêm sang một nấc mới.

Không riêng sàn HoSE, số lượng cổ phiếu giao dịch trên sàn HNX cũng lên tới gần 281 triệu đơn vị, tương ứng 3.956 tỷ đồng đổ vào thị trường. Thanh khoản trên sàn UPCoM vọt lên 1.493 tỷ đồng. Với khối lượng kỷ lục trên, tính cả thanh khoản trên sàn HNX và UPCoM, tổng giá trị giao dịch hôm nay đạt 25.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,1 tỷ USD.

Cùng với đà tăng của thanh khoản, giá trị giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài cũng có tăng mạnh và trở lại mua ròng trên cả hai sàn niêm yết. Khối ngoại đã mua 2.442 tỷ đồng và bán ra 2.317 tỷ đồng trên sàn HoSE. Sau 2 phiên bán ròng, các nhà đầu tư nước ngoài mới quay lại mua ròng với giá trị 125 tỷ đồng. Dù không quá lớn nhưng việc trở lại vùng giá hấp dẫn đang giúp cổ phiếu hấp dẫn hơn với nhà đầu tư ngoại. Cổ phiếu VRE được khối ngoại mua vào nhiều nhất, trong đó 58 tỷ đồng mua buổi sáng và thêm 14 tỷ đồng chốt thêm trong buổi chiều. Lực cầu này hỗ trợ vào sự hồi phục của cổ phiếu trong phiên giao dịch chiều nay. 

Cú rơi sâu của phiên hôm nay khiến các nhà đầu tư lo ngại về áp lực giải chấp nếu thị trường còn lặp lại 1-2 phiên giảm điểm mạnh tương tự. Theo cập nhật mới nhất của  ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dư nợ  margin của hệ thống đến cuối năm 2020 ở mức 81.000 tỷ đồng, Trong khi, giá trị vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán hiện nay là 87.000 tỷ đồng. Dựa trên con số tổng này, dư nợ vẫn trong phạm vi an toàn. Bởi theo quy định, công ty chứng khoán sẽ không được cho vay quá 2 lần vốn chủ sở hữu.

Ngày đầu tiên làm Tổng thống, ông Biden có thể hủy dự án dẫn dầu 9 tỷ USD
Một trong những việc đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày nhậm chức có thể là hủy bỏ giấy phép của dự án đường ống dẫn dầu từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư