Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Sát hạch sức mạnh dòng tiền
NQS (Tinnhanhchungkhoan.vn) - 11/07/2020 14:40
 
Thanh khoản của thị trường chứng khoán có dấu hiệu suy giảm trong bối cảnh vàng tăng giá và nhà đất vùng ven thu hút dòng tiền.

Mặc dù dữ liệu thanh khoản các phiên chưa phản ánh xu hướng rõ rệt, nhưng biểu đồ thanh khoản của sàn HOSE cho thấy diễn biến giảm trong các phiên gần đây, nhất là những phiên thị trường giảm điểm.

Lập luận của nhà đầu tư về hiện tượng này thể hiện hai quan điểm. Thanh khoản thấp trong những phiên giảm điểm là tín hiệu tốt, báo hiệu khả năng thị trường có thể xác lập đáy sau thời gian điều chỉnh.

Quan điểm thứ hai cho rằng, thanh khoản thấp cho thấy thị trường đang nghi ngờ xu hướng và chỉ cần thông tin xấu xuất hiện là thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh hơn.

Trong khi đó, một số kênh đầu tư khác như vàng đang tăng giá; nhiều dự án nhà đất thu hút dòng tiền của giới đầu tư...

Dù vậy, thanh khoản, mặt bằng giá chứng khoán đang được hậu thuẫn bởi lãi suất ngân hàng thấp hơn trước.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng của VCB chỉ là 3,7%/năm, 6 tháng là 4,4%/năm và kỳ hạn 1 năm là 6%/năm, trong khi không ít cổ phiếu niêm yết mang lại cho nhà đầu tư mức lợi nhuận cao, riêng tỷ suất cổ tức cũng cao hơn lãi tiền gửi ngân hàng.

Tuy nhiên, kênh trái phiếu doanh nghiệp hút dòng tiền khá mạnh. Theo báo cáo của SSI, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm 2020 đến nay ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.

So với lãi suất tiền gửi tốp đầu, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn 0,8 - 1,7%/năm.

Nếu loại trừ số trái phiếu mà các ngân hàng đang nắm giữ tính đến 31/3/2020, thì lượng trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ vào khoảng 385.000 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống và gần bằng quy mô tiền gửi của Sacombank - ngân hàng có thị phần huy động lớn thứ hai sau VietinBank.

Nhìn vào các thông tin kinh tế vĩ mô, điểm bất lợi hiện nay là kế hoạch mở lại đường bay quốc tế đang gặp thách thức.

Trong khi đó, vào thời điểm thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh, rất nhiều kỳ vọng vào kịch bản nền kinh tế sẽ phục hồi trong quý III nhờ kết thúc giãn cách xã hội và kết nối giao thông với các nước.

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng cao khiến kỳ vọng về việc nối lại giao thương trở nên xa vời.

Ðây là thách thức với nhiều doanh nghiệp đã lập và thông qua kế hoạch kinh doanh vào đầu quý II, khi đó thông tin về làn sóng thứ hai của Covid-19 chưa xuất hiện rõ ràng và có những đề xuất về nối lại đường bay quốc tế trong tháng 7.

Hiện tại, khi tình hình giãn cách giữa các quốc gia kéo dài hơn dự kiến, không ít nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi về khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của các doanh nghiệp, nhất là khối ngân hàng, xuất khẩu và bất động sản.

Theo đó, cơ hội đầu tư quý III có thể không nhiều, nhà đầu tư sẽ thận trọng khi lựa chọn các mã cổ phiếu, với chiến lược “giao dịch nhanh”, nhằm tránh rủi ro khó tiên lượng.

Thị trường chứng khoán: Tháng 7, đi "săn" doanh nghiệp trả cổ tức tốt
Dịch bệnh Covid-19 cùng giãn cách xã hội khiến cao điểm mùa ĐHCĐ 2020 đến muộn và chu kỳ trả cổ tức của các doanh nghiệp cũng muộn theo. Cuộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư