Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Trụ rụng lả tả, ngàn tỷ vốn hóa bốc hơi
Thanh Thủy - 16/11/2020 18:50
 
Trong nhóm VN-30, Hòa Phát là công ty duy nhất giữ được sắc xanh của cổ phiếu trong phiên 16/11. Nhiều cổ phiếu ngành thép khác cũng giao dịch tích cực bất chấp cú rơi của thị trường chung.

Trái ngược với sắc xanh đầu phiên, thị trường chứng khoán bất ngờ giảm sâu trong giờ cuối của phiên giao dịch đi kèm với khối lượng giao dịch tăng vọt. VN-Index đóng cửa ở mức 950,79 điểm, giảm 15,5 điểm tương đương mức giảm 1,63%. Giá trị giao dịch vượt 10.230 tỷ đồng. Thanh khoản trên sàn HNX cũng khá cao, với gần 61 triệu cổ phiếu sang tay với giá trị 895 tỷ đồng. HNX-Index đóng cửa giảm 1,38 điểm còn 143,36 điểm.

Khối ngoại tiếp tục bán cổ phiếu ra thị trường với giá trị bán ròng gần 403 tỷ đồng trên sàn HoSE và 3,65 tỷ đồng trên HNX. Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là HDB (-95,8 tỷ đồng), CTG (-92,4 tỷ đồng) và MSN (-87,8 tỷ đồng). 

Lực bán tăng mạnh ở hầu hết các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn. Trong nhóm VN-30, chỉ duy nhất cổ phiếu HPG tăng 300 đồng (+0,94%), 29/30 cổ phiếu còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

Các trụ cột chính của thị trường gồm cổ phiếu của Vingroup, Masan, Vinhomes và Vietcombank là nhóm các cổ phiếu kéo thị trường giảm nhiều nhất.

Cổ phiếu VIC của Vingroup giảm 5.400 đồng (-5,03%) xuống 102.000 đồng/cổ phiếu, đã “đóng góp” 4,89 điểm trong tổng cộng mức giảm 15,5 điểm của VN-Index ngày hôm nay. Phiên giao dịch đầu tuần đã lấy đi 18.265 tỷ đồng vốn hóa thị trường của Vingroup. Tuy nhiên, VIC đứng trước áp lực chốt lời mạnh khi cổ phiếu này đã tăng giá tới hơn 20% trong  3 tháng gần đây.

Vingroup là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trên sàn hiện nay với hơn 345.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường. Vì vậy, mỗi thay đổi về giá của cổ phiếu này đều tạo ra tác động lớn đến chỉ số chung. Quy mô tài sản và vốn điều lệ lần lượt đạt 430.010 tỷ đồng và 34.447 tỷ đồng. Các khoản vay nợ ngân hàng cùng kênh trái phiếu đóng góp hơn 32% tổng nguồn vốn của Vingroup. Dự kiến trong quý IV này hoặc quý I/2021 tới, Vingroup sẽ chào bán trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị dự kiến phát hành là 6.975 tỷ đồng.

Cổ phiếu MSN của Masan cũng đã giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Cú giảm gần kịch sàn (-6,9%) hôm nay khiến MSN rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/10.

Không riêng các cổ phiếu trụ cột, toàn thị trường có tổng cộng 371 mã chứng khoán giảm giá, 32 mã giảm kịch sàn, áp đảo số lượng các mã tăng (gần 270 mã chứng khoán).

Ngành vật liệu xây dựng, mà đặc biệt là nhóm thép nằm trong số ít tăng giá trong phiên hôm nay. Cổ phiếu của Thép Nam Kim (NKG), Pomina (POM) và Thép Việt Ý (VIS) đồng loạt tăng kịch trần. Tập đoàn Hòa Phát và Hoa Sen tăng khiêm tốn hơn, lần lượt tăng 300 đồng (+0,94%) và 100 đồng (+0,55%) nhưng cũng nằm trong số ít các doanh nghiệp lớn trụ vững trong phiên giam dịch ngày hôm nay.

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp thép ghi nhận sự phục hồi đáng kể trong quý III. Giá các nguyên liệu thô gồm giá than và giá thép phế giảm do nhu cầu toàn cầu yếu. Giá quặng sắt có tăng lên do suy giảm của nguồn cung trong ngắn hạn nhưng theo dự báo  xu hướng này sẽ được đảo ngược trong quý tới.

Thêm vào đó, triển vọng thị trường cũng khá lạc quan khi các con số xuất khẩu lĩnh vực này tăng khá, một phần nhờ nhu cầu tăng mạnh tại Trung Quốc. Còn tại thị trường nội địa, việc triển khai các dự án hạ tầng đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tiêu thụ thép xây dựng.

Bầu cử không thể chữa lành vết thương của nước Mỹ
Trước khi có những kết quả chính thức cuối cùng của cuộc bầu cử Mỹ, dư luận cho rằng dù ai được bầu làm tổng thống thì vết thương “hai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư