Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: VN-Index có cơ tiệm cận 1.200 điểm
 
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest cho rằng, cơ hội đối với thị trường chứng khoán năm 2020 đang rộng mở, chỉ số VN-Index có thể tiệm cận mốc 1.200 điểm.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest

Ông cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nền tảng và tiềm năng tăng trưởng vượt trội trong năm 2020. Cơ sở nào cho nhận định này?

Ngoại trừ yếu tố thiếu chắc chắn và tâm lý dễ tổn thương của nhà đầu tư, hầu hết các yếu tố cơ bản khác đều được dự báo khá tích cực.

Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, tỷ giá ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết sẽ tiếp tục là điểm sáng trên thị trường.

Các yếu tố ảnh hưởng từ bức tranh toàn cầu đang cải thiện và giảm thiểu rủi ro như chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã hạ nhiệt sau nhiều hoài nghi trong gần 2 năm căng thẳng, khi cả hai nước đồng thuận ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ngay đầu năm 2020.

Trong khi đó, giới đầu tư chứng khoán toàn cầu tiếp tục lạc quan nhờ các nền kinh tế lớn tăng trưởng, căng thẳng thương mại giảm, dòng tiền được hỗ trợ bởi các gói hỗ trợ kinh tế và lãi suất ở mức thấp trong một thập niên qua tại hầu hết các nền kinh tế là những động lực chính giúp các nhà đầu tư tài chính duy trì sự lạc quan.

Đặc biệt, lãi suất có xu hướng giảm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính và hỗ trợ dòng tiền vào kênh đầu tư chứng khoán.

Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua việc mua cổ phần tại các công ty và dòng tiền đổ dồn vào các quỹ ETF dựa trên các rổ cổ phiếu tại Việt Nam.

Lợi nhuận khối công ty niêm yết duy trì mức tăng trưởng tích cực hai con số…

Đối với thị trường cổ phiếu, định giá cổ phiếu theo chỉ số P/E đang ở mức tương đối hấp dẫn, đặc biệt là cổ phiếu ngành ngân hàng và nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, thậm chí nhiều cổ phiếu định giá P/E thấp hơn 10 lần, trong khi lợi nhuận tăng trưởng hơn 15%/năm.

Định giá theo P/E của Việt Nam so với các thị trường chứng khoán trong khu vực và các thị trường mới nổi đang ở mức khá hấp dẫn. Chỉ số này đang gần ở mức trung bình 10 năm là 14,5 lần.

Thời điểm kết thúc năm 2019, P/E là 15,8 lần, đây là mức P/E thị trường duy trì trong gần hai năm qua.

Những yếu tố trên cho thấy cơ hội tăng trưởng đối với thị trường chứng khoán trong năm 2020 đang rộng mở, với mức tăng dự báo 20% so với năm 2019 và có thể đạt 1.150 điểm.

Thậm chí, ở thời điểm tích cực hoặc với trạng thái lạc quan hơn trong năm 2020, thị trường có thể tiệm cận mốc 1.200 điểm.

Nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường tăng điểm trong năm nay?

Trong các nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường tăng trưởng trong năm 2020, nhiều khả năng có đóng góp chính từ nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nhờ tăng trưởng lợi nhuận tích cực.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng thiết yếu sẽ hỗ trợ cho động lực tăng trưởng của thị trường.

Không ít mã cổ phiếu trong nhóm này đang dao động tích lũy, mang lại cơ hội cho mục tiêu đầu tư từ 3 - 6 tháng tới với mức lợi nhuận kỳ vọng 2 con số.

Một số doanh nghiệp lớn trong ngành đáng quan tâm như VNM, SAB…, lợi nhuận dự báo sẽ được cải thiện tích cực nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu và việc áp dụng cơ chế quản trị hiệu quả giúp giảm chi phí.

Tuy nhiên, thị trường cũng được dự báo sẽ có những giai đoạn khó khăn do tác động bởi các yếu tố thiếu chắc chắn từ bên ngoài và yếu tố cảm tính, tâm lý dễ bị tổn thương, thiếu tính ổn định từ các nhà đầu tư trong nước.

Gần đây, chỉ số tăng điểm, nhưng thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện về thanh khoản và dòng tiền, một phần do nhà đầu tư có tâm lý nghỉ ngơi sớm trước kỳ nghỉ Tết. Theo ông, sự khởi sắc của thị trường có thể kỳ vọng ở thời điểm nào?

Đúng là ở giai đoạn này, các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trên thị trường.

Tình trạng thị trường lình xình dự kiến kéo dài thêm một thời gian, trước khi đón nhận những tin tức mới từ mùa họp đại hội đồng cổ đông thường niên, hoặc lợi nhuận quý I/2020 của các doanh nghiệp.

Đâu là tiêu chí để lựa chọn một danh mục tốt nhằm hạn chế rủi ro, bởi trong năm 2019, không ít cổ phiếu bluechips cũng ghi nhận giảm giá?

Nhóm cổ phiếu nào cũng có những rủi ro đi kèm, nhưng thực tế cho thấy, bluechips có mức độ rủi ro thấp hơn nhiều so với nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ.

Theo quan điểm của tôi, có một số tiêu chí lựa chọn nhóm cổ phiếu nhằm hạn chế rủi ro như nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, từ trên 1.000 tỷ đồng đến 13.000 tỷ đồng, nhưng có mức P/E khoảng 9, thấp hơn mức bình quân 10 năm của nhóm này là 10 lần.

Bên cạnh đó là cổ phiếu của các doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2019 nhưng giá cổ phiếu hầu như đi ngang.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể lưu tâm đến một số cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận tích cực trong quý I cũng như cả năm 2020.

Nếu nhìn ở tiêu chí nhóm ngành thì một số ngành có triển vọng như ngân hàng.

Với tỷ lệ vốn hóa chiếm khoảng 30%, nhóm này tăng trưởng lợi nhuận sẽ đóng góp chính vào cơ cấu tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết.

Đóng góp vào lợi nhuận chung của các công ty niêm yết dự báo còn có các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng thiết yếu.

Ngành năng lượng cũng có triển vọng khả quan, với sự đóng góp của PLX và GAS.

Nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ổn định lớn hơn 15%/năm nhờ mở rộng thị trường, áp dụng công nghệ, quản lý giảm chi phí, cải thiện biên lợi nhuận, hoặc nhờ hoạt động mua bán và sáp nhập;

Nhóm cổ phiếu của các công ty đã vượt qua điểm đáy lợi nhuận do giai đoạn mở rộng hoạt động đầu tư và chuyển sang trạng thái hoạt động hiệu quả; nhóm cổ phiếu của các công ty có đánh giá quản trị doanh nghiệp tốt và tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao;

Cổ phiếu của các công ty có khả năng mở room cho khối nhà đầu tư nước ngoài, hoặc giảm tỷ lệ sở hữu chi phối của phần vốn nhà nước.

Trong Báo cáo Chiến lược đầu tư 2020, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đưa ra 4 luận điểm đầu tư cho năm nay.

Thứ nhất, nhóm ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống sẽ tiếp tục tỏa sáng trong bối cảnh tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh mẽ cùng với sự lạc quan của người tiêu dùng.

Thứ hai, dưới sự hỗ trợ của chính sách, sự vươn lên của dòng vốn đầu tư tư nhân có thể giúp ngành sản xuất và công nghệ cất cánh trong năm 2020.

Thứ ba, nhóm logistic và khu công nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ tăng trưởng FDI và dịch chuyển thương mại.

Thứ tư, chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt có thể sẽ đưa ngành ngân hàng vào tâm điểm đầu tư. Công ty này kỳ vọng, VN-Index có thể đạt mốc 1.160 điểm trong năm 2020.

Thị trường chứng khoán: Cơ hội đầu tư đã đến
Ðầu năm 2020, Báo Ðầu tư Chứng khoán ghi nhận nhiều ý kiến lạc quan của các tổ chức đầu tư về thị trường chứng khoán. Sự lạc quan xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư