Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thị trường data center Việt Nam: Cơ hội lớn, thách thức nhiều
Tú Ân - 24/03/2024 08:12
 
Nhu cầu dữ liệu gia tăng khiến thị trường dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) có cơ hội phát triển mạnh, nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức.
Data Center Hòa Lạc của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Nhu cầu cao, tiềm năng lớn

Báo cáo mới nhất từ Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC) cho thấy, trên toàn cầu, thị trường data center có quy mô khoảng 321 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3%. Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực có thị trường data center năng động, tốc độ tăng trưởng 19% tới năm 2028. Dự báo quy mô thị trường data center Việt Nam đến năm 2030 đạt 1,266 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,8%/năm.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành Digital Hub của khu vực với các lợi thế về địa lý, hạ tầng, nguồn lực và các chính sách từ Chính phủ. Trong định hướng phát triển kinh tế số, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan sử dụng điện toán đám mây, trong đó 70% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt cung cấp.

Khi Nghị định 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ về nội địa hoá dữ liệu có hiệu lực, trong đó quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải lưu trữ thông tin, dữ liệu người dùng Việt Nam trong nước, thì hàng loạt “ông lớn” xuyên biên giới như Google, Facebook, Apple… phải thuê máy chủ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng dẫn tới nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu của các tập đoàn đa quốc gia; thị trường thương mại điện tử đang trên đà bùng nổ, các doanh nghiệp điện toán đám mây và fintech đang phát triển…

Những yếu tố trên đã thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tăng cường đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng trung tâm dữ liệu, phát triển hạ tầng số dựa trên công nghệ điện toán đám mây và nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)…

Ông Hoàng Văn Ngọc, Giám đốc Viettel IDC nhận định, hiện phần lớn thị phần data center vẫn trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước vẫn rất lớn, nhất là khi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành hành lang pháp lý quy định rõ về sử dụng, bảo vệ dữ liệu cá nhân… “Đây là động lực thúc đẩy các nhà cung cấp trong nước và cả quốc tế đang lưu trữ dữ liệu ở nước ngoài chuyển dịch về Việt Nam”, ông Ngọc chia sẻ.

Còn theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai với tốc độ phát triển khiêm tốn. Tuy nhiên, với chi phí xây dựng và giá đất cạnh tranh, cùng với vị trí địa lý đắc địa, Việt Nam là thị trường mới nổi luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư.

Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng về dịch vụ data center, nhưng luôn đi sau các nước. Cụ thể, xét ở quy mô thị trường, Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Indonesia và Malaysia. Trong các năm 2020-2023, dịch vụ trung tâm dữ liệu tại các nước Indonesia, Malaysia tăng trưởng 6 lần, còn Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,5 lần.

Nhận diện thách thức

Lý giải về việc đầu tư data center chưa theo kịp nhu cầu, ông Ngọc cho rằng, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn khi xây dựng thị trường trung tâm dữ liệu xanh. Các rào cản lớn đối với các nhà cung cấp là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho loại hình này chưa có. Cũng phải nhắc tới các yếu tố khác gồm độ tin cậy và khả năng chi trả của lưới điện, nhiệt độ khu vực, sự sẵn có của nguồn nước, năng lượng bền vững và tái tạo, cũng như các quy định phân bổ công suất, lượng điện cung cấp cho các trung tâm dữ liệu.

Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) chỉ ra rằng, chuyển đổi kép không chỉ là mục tiêu của các quốc gia, mà còn của các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, theo dự báo của WEF, các giải pháp số có thể đóng góp đến 20% vào việc giảm lượng carbon toàn cầu.

“Một data center có nhu cầu tiêu hao năng lượng lớn và không gián đoạn, đòi hỏi các nguồn điện đáng tin cậy, có thể cung cấp liên tục suốt ngày đêm. Trong khi đó, hầu hết trung tâm dữ liệu tại Việt Nam chỉ dùng nguồn điện lưới do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp. Năng lượng tái tạo có khả năng không sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu, kéo theo bài toán phát triển bền vững các nguồn năng lượng tái tạo”, chuyên gia của Viettel nhận định.

Theo ông Byung Ki Lee, Giám đốc phát triển dữ liệu của Nokia, dù thị trường trung tâm dữ liệu rất hấp dẫn, nhưng đang đứng trước áp lực về giảm lượng khí thải carbon. Thực tế, thị trường trung tâm dữ liệu đã tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ hàng năm. Các nhà cung cấp có xu hướng chuyển dần sang mô hình xanh nhằm tiết kiệm chi phí cho năng lượng (lên tới 30%), từ đó gia tăng doanh thu.

“Khi nhiều quốc gia bắt đầu đi theo ‘con đường xanh’, việc chuyển sang các công nghệ xanh hơn, thân thiện hơn với môi trường sẽ là nhiệm vụ bắt buộc với các trung tâm dữ liệu”, ông Lee nhận định.

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, data center xanh, mạng 5G xanh là định hướng của Bộ. Định hướng về hạ tầng số của Việt Nam là dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia chuyển đổi số xanh của Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp công nghệ số, nhất là công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử và các data center siêu lớn cùng hạ tầng tính toán siêu lớn cho trí tuệ nhân tạo”, Bộ trưởng khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư