Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam: OTA ngoại lấn át “chủ nhà”
Tú Ân - 03/06/2022 07:29
 
Với tiềm lực tài chính mạnh, nền tảng công nghệ tối ưu,... các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nước ngoài đang lấn át các OTA Việt, “hút máu” các khách sạn, công ty lữ hành Việt Nam.
Các đại lý du lịch trực tuyến trong nước đẩy mạnh cung cấp đa dạng sản phẩm dịch vụ để cạnh tranh với đối thủ ngoại

OTA việt nam Khó cạnh tranh về giá

Thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam đang là miếng bánh béo bở. Báo cáo của Google và Temasek cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến năm 2025 lên tới 9 tỷ USD.

Miếng bánh này gần như bị các OTA nước ngoài độc chiếm. Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), các OTA toàn cầu như Agoda, Booking, Traveloka, Expedia… chiếm tới 80% thị phần du lịch trực tuyến Việt Nam. Phần lớn du khách quốc tế và không ít du khách nội địa đều sử dụng dịch vụ của OTA nước ngoài. Các OTA Việt Nam như Gotadi, VnTrip, Ivivu, Chudu, Mytour.vn, Vinabooking... chỉ có lượng giao dịch khiêm tốn.

Nhiều khách sạn lớn cho biết, tỷ lệ đặt phòng từ kênh OTA chiếm 40 - 60% tổng doanh thu, chủ yếu là OTA nước ngoài. Đơn cử, tại Khách sạn Rex (quận 1, TP.HCM), hơn 35% tổng doanh số bán phòng đến từ kinh doanh trực tuyến, trong đó kênh OTA chiếm hơn 40%.

“Các chủ khách sạn Việt Nam đang phải trả phí đặt phòng qua trang OTA nước ngoài 30%, thậm chí tới 38%. Đó là nỗi đau của các chủ khách sạn, vì lợi nhuận bị ‘ăn’ hết”, ông Ngô Minh Đức, nhà sáng lập Gotadi chia sẻ.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhìn nhận, đang tồn tại sự bất bình đẳng về thuế giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành trong nước và các OTA nước ngoài. Các OTA nước ngoài không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, nên không có cơ sở quy trách nhiệm kê khai và nộp thuế. Thay vào đó, các đối tác Việt Nam sẽ là bên thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Như vậy, các OTA nội địa không thể cạnh tranh về giá với OTA nước ngoài.

Liên kết để tăng sức mạnh

Ông Đặng Thành Trung, đồng sáng lập ezCloud cho rằng, ở Việt Nam chưa có nền tảng OTA chuẩn, mà đa phần còn nửa vời, vừa kết hợp công nghệ, vừa chạy thủ công. Nếu như đặt qua OTA nước ngoài chỉ mất 3 - 5 phút, thì qua các kênh OTA nội phải mất khoảng một ngày. Không những thế, sản phẩm của các OTA ngoại rất đa dạng, nhiều dịch vụ, nên OTA Việt hoàn toàn không có lợi thế trong cuộc chiến này.

“Chỉ khi chuẩn hóa, tích hợp hệ thống giữa các OTA một cách dễ dàng, thì mới tăng được lượng khách hàng, doanh thu, đủ sức cạnh tranh với OTA ngoại”, ông Trung khuyến nghị.

Còn theo phân tích của ông Ngô Minh Đức, các OTA ngoại có ưu thế vượt trội về công nghệ do đã phát triển nhiều năm, lại không phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế như doanh nghiệp Việt Nam. Nhờ có nguồn vốn đầu tư dồi dào, họ thường xuyên tung ra chính sách ưu đãi để hút khách.

Nhà sáng lập Gotadi nhấn mạnh, ngành du lịch Việt cần xây dựng cộng đồng và hệ sinh thái sản phẩm; cần học tập và áp dụng các chính sách thông minh để có thể chiếm lĩnh thị trường. Doanh nghiệp du lịch Việt phải liên kết, chuyển đổi số cùng nhau, thì mới có thể hình thành, phát triển được hệ sinh thái của người Việt với nhà cung cấp dịch vụ thông minh, người dùng thông minh, điểm đến thông minh và không còn thua ngay trên “sân nhà”.

“Qua việc cùng nhau trải nghiệm, nâng cấp hệ thống của người Việt, chúng ta sẽ thường xuyên nâng cấp, tăng số lượng các nhà cung cấp, mở rộng đối tượng sử dụng, áp dụng các loại thẻ Việt, thẻ du lịch Việt ở mọi nơi, không phụ thuộc vào các nhà trung gian nước ngoài nữa”, ông Đức chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quyết Tâm, nhà sáng lập TravelMaster khuyến nghị, ngành du lịch nên có hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chung để các nền tảng liên thông dữ liệu. Thực tế hiện nay, dữ liệu được xây dựng tại các địa phương, các đơn vị đang trong tình trạng cát cứ, mỗi nơi một kiểu.

Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, ông Vũ Việt Hưng, CEO Travelbook cho rằng, các kênh trực tuyến về du lịch của Việt Nam hiện hoạt động nhỏ lẻ và chưa phát huy được vai trò của cơ quan nhà nước, chưa phát huy được sức mạnh tập thể của doanh nghiệp trong nước.

“Chúng tôi đã làm việc với nhiều cơ quan nhà nước, như Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng… và thấy rằng, vai trò của các cơ quan xúc tiến ở địa phương hầu như chưa được thể hiện trong các sản phẩm, ứng dụng dịch vụ du lịch”, ông Hưng nói.

Bởi vậy, theo ông Hưng, cần phải có một sản phẩm du lịch trực tuyến của Việt Nam đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời cộng hưởng sức mạnh tập thể của doanh nghiệp nội. Địa phương cũng như các doanh nghiệp trong nước rất mong muốn có một sản phẩm có thể làm được điều này.

Bên cạnh việc tận dụng thế mạnh của các cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp Việt, ông Hưng chia sẻ, Travelbook có cách làm mới là hướng tới việc cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ: giúp du khách dễ dàng tìm kiếm điểm đến, khách sạn, tour, nhà hàng, điểm vui chơi, các đặc sản địa phương; đặt phòng khách sạn/tour, đặt bàn nhà hàng và lên kế hoạch chuyến đi, thanh toán trực tuyến, tăng tương tác trên mạng xã hội. Đặc biệt, Travelbook còn được ứng dụng công nghệ mới, giúp cá thể hóa nhu cầu của từng khách hàng, như trợ lý ảo, gợi ý lộ trình cho du khách...

Năm 2022, du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin; tổng thu từ du lịch dự kiến đạt khoảng 400.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp trong ngành du lịch cho rằng, để hỗ trợ các doanh nghiệp, các sản phẩm công nghệ của ngành du lịch cần được thiết kế theo hướng hình thành nền tảng số dùng chung, giúp các doanh nghiệp có cơ hội khai thác thông tin, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả quản trị. Đồng thời, Nhà nước cần đổi mới chính sách, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích ứng dụng công nghệ vào ngành du lịch.
Doanh nghiệp nội nuôi tham vọng giành lại thị phần du lịch trực tuyến
Quy mô thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD, nhưng doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 20% thị phần. Nhiều doanh nghiệp nội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư