Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thị trường hàng hóa Tết: Giá cả tương đối ổn định
Diệu Anh (VGPNews) - 08/02/2018 20:38
 
Mỗi dịp Tết đến, việc tăng giá hàng hóa lại diễn ra phổ biến đến nỗi nhiều người tiêu dùng xem đó như một quy luật. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay, giá cả có xu hướng ổn định hơn.
Người dân mua sắm hàng hóa chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Diệu Anh
Người dân mua sắm hàng hóa chuẩn bị đón Tết. Ảnh: Diệu Anh

Theo Sở Công Thương Hà Nội, để bảo đảm đủ lượng hàng hóa tiêu dùng cho trước, trong và sau Tết Nguyên đán, năm nay Hà Nội có kế hoạch dự trữ tăng từ 10%-15% lượng hàng hóa so với cùng kỳ năm trước.

Ghi nhận của phóng viên tại một số trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội như Fivimart, Vinmart, BigC, Hapro, Coopmart… đều đã bố trí lại các quầy hàng, tăng diện tích khu vực cho các mặt hàng thiết yếu như: Bánh, kẹo, mứt tết, bia, nước giải khát, các loại trái cây sấy khô; đồ hàng khô là măng, miến, mộc nhĩ, đỗ, gạo, lạc, hành, tỏi …; thực phẩm tươi sống là thịt lợn, bò, gà, cá, rau xanh… để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Tính đến thời điểm này, giá cả hàng hóa Tết không có nhiều biến động. Các mặt hàng gia dụng, điện máy gần như vẫn ổn định. Bên cạnh đó, nhằm kích cầu mua sắm trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, các hệ thống phân phối, nhất là tại các siêu thị, nhiều chương trình khuyến mại thu hút người tiêu dùng được triển khai đối với hàng nghìn mặt hàng như giảm giá từ 20%-50%, bốc thăm trúng thưởng hay quà tặng kèm khi mua sản phẩm...

Vào những ngày cuối tuần, lượng khách đến siêu thị đông hơn hẳn những tuần trước. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) Vũ Thị Hậu cho biết, lượng khách đến siêu thị bắt đầu tăng khoảng 5% so với tháng trước. Giỏ quà Tết, bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, thực phẩm khô là những mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh nhất.

Hầu hết các sản phẩm hàng hóa cung cấp trong các siêu thị đều rõ xuất xứ nguồn gốc. Riêng đối với hàng tươi sống, rau xanh siêu thị đều đặt hàng tại các đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Theo bà Lê Thị Thanh Tâm, phục trách hành chính của Trung tâm thương mại V+ Hòa Bình, siêu thị đã khảo sát nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân, đồng thời chuẩn bị kế hoạch phục vụ Tết từ tháng 7/2017. Những ngày gần Tết, sản lượng cung ứng của siêu thị tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào đồ khô, đồ ăn, thực phẩm tươi sống.

Đại diện Siêu thị Co.opmart cho biết, dự kiến Tết Mậu Tuất, đơn vị này cung ứng tăng 15% lượng hàng hóa so với năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng từ 5%-30% tùy nhóm hàng. Siêu thị cũng đã chuẩn bị dự trù tổng lượng hàng hóa cung ứng từ 3 tháng trước Tết.

Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, giết mổ gia súc, gia cầm cung ứng theo chuỗi mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến cũng đã dự kiến cung ứng khoảng 1.500 tỷ đồng hàng hóa gồm rau xanh, thịt, gạo, đỗ, lạc, miến, mộc nhĩ, nấm hương …

Dự kiến, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát đưa ra thị trường phục vụ Tết khoảng 10.000 tỷ đồng hàng hóa. Nhóm cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ hàng mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến, chè,… cũng cung ứng ra thị trường Hà Nội khoảng 2.200 tỷ đồng.

Bảo đảm ổn định giá cả

Theo kế hoạch, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước của Sở Công Thương, Sở Y tế, quản lý thị trường phối hợp với các quận, huyện đã tập trung lực lượng kiểm tra loại bỏ các hàng hóa kém chất lượng ra khỏi chuỗi cung ứng, đồng thời đẩy mạnh việc cấp đăng ký các cửa hàng nhận diện hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Đến thời điểm này, các siêu thị đều bảo đảm ổn định giá cả các mặt hàng như trước.

Đại diện truyền thông của hệ thống siêu thị Big C Vũ Thanh Tân cũng cho hay, từ nay đến hết ngày 15/2 (30 Tết), siêu thị Big C triển khai cam kết “Khóa giá-niêm yết giá không đổi” đối với 11.300 sản phẩm hàng tiêu dùng ngay cả khi giá tham khảo của các sản phẩm này tại các siêu thị bán lẻ biến động tăng.

“Trường hợp giá các siêu thị bán lẻ biến động giảm, Big C sẽ điều chỉnh giá giảm để phù hợp với chương trình”, bà Vũ Thanh Tân nói.

Theo quan sát của phóng viên, những ngày này các siêu thị đã đón lượng khách hàng khá đông mua sắm. Giá trị thanh toán trên mỗi hóa đơn đã tăng mạnh, hầu hết từ vài trăm đến vài triệu đồng/hóa đơn.

Chị Nguyễn Thị Hường (ở phố Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, Tết năm nay, gia đình chị chọn mua rượu, bánh mứt, kẹo, hoa quả,... để ăn, đi biếu. Đặc biệt, chị sẽ chọn mua các túi quà tết vài trăm nghìn đến khoảng trên dưới 1triệu đồng/giỏ, vừa hợp túi tiền của người tiêu dùng mà đi biếu cũng lịch sự và đẹp.

“Rút kinh nghiệm năm ngoái mua sắm muộn cho nên khi thanh toán mất nhiều thời gian, năm nay tôi đi sắm Tết sớm hơn. Thấy hàng hóa đa dạng, phong phú, giá cả ổn định như mọi khi”, chị Hường chia sẻ.

Không khí mua sắm không chỉ sôi động tại các siêu thị, tại chợ Ðồng Xuân và các tuyến phố Hàng Ðường, Hàng Giấy, Hàng Buồm…, tấp nập tiểu thương từ khắp mọi nơi đến mua buôn thực phẩm, bánh, mứt, kẹo, quần áo về bán lẻ. Bà Thu Hoa, một tiểu thương bán hàng khô tại chợ Đồng Xuân cho biết, năm nay giá cả cũng ổn định hơn, nhiều đại lý lẻ đến mua hàng cũng không phải lo quá về giá cả.

Hapro tiếp tục mang “Chợ tết” đến với người dân huyện Ứng Hòa
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức bán hàng mô hình “chợ Tết mang xuân đến mọi nhà” tại xã Đồng Tân, Ứng Hòa. Đây là năm thứ 3...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư