Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thị trường M&A Việt Nam 2019 - 2020: Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới
Dự báo hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, quy mô thị trường có thể trở lại mốc bình thường ở mức 5 tỷ USD.

Xu hướng thị trường

Hoạt động M&A tại Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ trong suốt 10 năm từ 2007 - 2017 và đạt đỉnh năm 2017 với quy mô 10 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp 50% giá trị của thương vụ Sabeco. Giá trị M&A có xu hướng điều chỉnh giảm trong 2 năm 2018 - 2019.

Năm 2020, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam có thể giảm 51,3% do những tác động của Covid-19. Dự báo hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, quy mô thị trường có thể trở lại mốc bình thường ở mức 5 tỷ USD. (Hình 1)

Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2019 đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Nhìn vào hoạt động M&A năm 2019, tuy giá trị giảm, nhưng vẫn có những yếu tố tích cực. Trong 6 tháng cuối năm 2019, nhiều thương vụ lớn với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn tư nhân đã xuất hiện. Điển hình là thương vụ hợp nhất, hoán đổi cổ phần giữa VinCommerce và VinEco với Masan Comsumer (Masan Group), KEB Hana Bank (Hàn Quốc) mua lại 15% vốn điều lệ của BIDV...

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra và lan rộng trên toàn cầu đã và đang tác động rất lớn đến kinh tế thế giới nói chung, cũng như hoạt động M&A nói riêng. Hoạt động M&A tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu đều giảm mạnh do các nhà đầu tư có những phản ứng thận trọng. Đồng thời, những điều kiện về cách ly trên toàn cầu gây trở ngại cho việc tìm hiểu, đánh giá và ra quyết định. Dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019). 

(Bảng 1) và (Bảng 2) là danh sách các thương vụ đáng chú ý của giai đoạn 2019 - 2020, bao gồm 2 nhóm phân theo tính chất: thương vụ đầu tư và phát hành riêng lẻ, thương vụ mua lại và thâu tóm.

Về thương vụ đầu tư, nổi bật nhất là thương vụ năm 2019 giữa KEB Hana Bank và BIDV trị giá 878 triệu USD, thương vụ mua cổ phần Vinhomes của KKR & Temasek trị giá 652 triệu USD… Trong khi đó, các thương vụ sáp nhập và mua lại nổi bật nhất trong năm 2019 - 2020 liên quan đến các tập đoàn tư nhân của Việt Nam, trong đó điển hình là Masan, Thaco, Gelex, Vinamilk. 

Năm 2018, Việt Nam xếp thứ 2 về giá trị M&A tại Đông Nam Á, nhưng năm 2019 đã lùi lại vị trí thứ 3, sau Singapore và Thái Lan. Giá trị M&A năm 2018 và 2019 của các quốc gia Đông Nam Á lần lượt là Thái Lan 9,3 tỷ USD và 11,3 tỷ USD, Singapore 6,7 tỷ USD và 29,2 tỷ USD, Malaysia 5,1 tỷ USD và 2 tỷ USD, Indonesia 2,8 tỷ USD và 4,3 tỷ USD.  

Trong giai đoạn 6/2019 - 10/2020, các ngành chủ yếu thu hút các thương vụ M&A tại Việt Nam là bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp, bán lẻ. Bên cạnh đó, những lĩnh vực có thương vụ đáng chú ý bao gồm logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng.

Tỷ trọng giá trị M&A của khối nội có xu hướng tăng, với sự chủ động của các tập đoàn tư nhân. Năm 2018, tỷ trọng giá trị các thương vụ do các doanh nghiệp Việt Nam là bên mua ở mức 11,8%, nhưng giá trị của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tới 88,2%. Giai đoạn 2019 - 2020, giá trị M&A do các doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua chiếm 1/3 tổng giá trị M&A được thực hiện.

Những thương vụ M&A mà doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020 điển hình là những thương vụ liên quan đến các tập đoàn Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group… Bên cạnh các thương vụ thành công, nhiều kế hoạch M&A cũng đã được định hình như: Kido Group lên kế hoạch sáp nhập các công ty thành viên, Thadi tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp…

Trong khi đó, thị trường tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại, trong đó tập trung vào 4 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.

Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2020, thị trường ghi nhận thêm nhiều thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản. Chỉ trong 9 tháng năm 2020, có đến 19 giao dịch giữa nhà đầu tư Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam được công bố. Các lĩnh vực doanh nghiệp Nhật Bản tham gia là bất động sản, xây dựng, tài chính - ngân hàng và dược phẩm - y tế. Trong đó, đáng chú ý là Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% trong giai đoạn II Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba; Công ty Dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây…

Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng tích cực trong các hoạt động M&A. Một số thương vụ đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm nay như SK Investment III (công ty con của SK Group) nhận được hơn 12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 25% cổ phiếu của Imexpharm Corporation; Lotte Chemical (thuộc Tập đoàn Lotte) mua lại Công ty VinaPolytech; GS Caltex đã chi 39 tỷ đồng (gần 1,7 triệu USD) để mua 16,7% cổ phần của VI Automotive Service (công ty mẹ của VietWash)…

Các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục có những thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất. Điển hình là thương vụ Tập đoàn Stark mua lại Công ty Cáp điện Thịnh Phát và Dovina, Tập đoàn SCG mua lại Công ty Bao bì Biên Hòa… (Hình 5)

Trong khi đó, cổ phần hóa và thoái vốn tiếp tục trầm lắng. Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.

Theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là 91 doanh nghiệp.

Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 9 tháng đầu năm 2020, trong hoạt động đấu giá cổ phần, chỉ bán đấu giá cổ phần thành công 1.534 tỷ đồng, chiếm 22,9% giá trị chào bán, trong khi số cổ phần bán không thành công có giá trị lên đến 5.136 tỷ đồng, chiếm 77% giá trị chào bán. (Hình 8 )

Theo Bộ Tài chính, một trong các nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm lại là do sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, còn nhiều vướng mắc trong việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Về thoái vốn, trong 9 tháng đầu năm 2020, đã thoái được 899 tỷ đồng, thu về 1.845 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 9/2020 cho thấy, đã thoái 25.669 tỷ đồng, thu về 172.917 tỷ đồng. Trong đó, 83% giá trị thoái vốn được ghi nhận năm 2017 với thương vụ bán vốn  tại Sabeco và Vinamilk.

Hoạt động M&A trong trạng thái bình thường mới

Trên phạm vi toàn cầu, giá trị M&A năm 2020 tính đến quý II đã ghi nhận sự suy giảm 52%. Việt Nam được đánh giá là ít bị tác động nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á, nhưng trong trạng thái bình thường mới, hoạt động M&A cũng có những tác động nhất định. (Hình 9)

Trạng thái bình thường mới đã có tác động hai mặt, cả tích cực và tiêu cực, đến thị trường M&A, tác động đến các kế hoạch M&A của bên mua và bên bán, cũng như đến công việc của các nhà tư vấn. Theo khảo sát của MAF và CMAC, những yếu tố tác động tiêu cực và tích cực đến thị trường M&A tại Việt Nam như sau: (Hình 10)

Ở góc độ tiêu cực, những yếu tố tác động bao gồm:

Thứ nhất, bên mua điều chỉnh chiến lược do Covid-19. Tình hình kinh tế toàn cầu thay đổi, cũng như những tác động của Covid-19 làm cho các doanh nghiệp và quỹ đầu tư phải điều chỉnh chiến lược, trong đó xem xét thận trọng hơn các kế hoạch M&A.

Thứ hai, không thực hiện thẩm định chi tiết (Due Diligence) được. Với chính sách cách ly được áp dụng trên toàn cầu cũng như Việt Nam, nhiều thương vụ đã phải tạm dừng do bên mua, tư vấn không thực hiện được công tác thẩm định chi tiết, cũng như đàm phán.

Thứ ba, khó khăn về tài chính của bên mua. Khó khăn về tài chính khiến doanh nghiệp phải tập trung vào ngành nghề chính, dẫn đến hủy bỏ các thương vụ, đặc biệt là thương vụ mua lại ngoài ngành, mua lại dựa vào nguồn vốn vay.

Thứ tư, giá chào mua thấp hơn kỳ vọng. Bên mua thay đổi chính sách giá, chỉ chấp nhận mua với giá thấp hơn, dẫn đến hai bên không chốt được thương vụ, đặc biệt là những thương vụ liên quan đến Nhà nước, khi định giá đã được thực hiện từ trước giai đoạn bình thường mới.

Thứ năm, sự không chắc chắn của các bên trong giao dịch. Nhiều yếu tố không chắc chắn của cả bên mua và bên bán dẫn đến giao dịch khó thành công hơn trong giai đoạn này.

Những yếu tố tích cực gồm: (Hình 11)

Thứ nhất là nhiều lựa chọn hơn cho bên mua. Nhiều lựa chọn sẽ dành cho những nhà đầu tư và doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt, bởi lẽ khủng hoảng khiến nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư, bán bớt một phần hoặc toàn bộ công ty con.

Thứ hai là cơ hội để mua doanh nghiệp với giá rẻ hơn. Tình hình thị trường thay đổi là nguyên nhân các bên phải thay đổi các yếu tố đầu vào cho các mô hình định giá và dẫn đến kết quả định giá sẽ thấp hơn so với trước đây. Mặt khác, do khó khăn và đứng trước sức ép về tài chính, nên bên bán sẽ phải chấp nhận mức giá thấp hơn so với kỳ vọng và bên mua có cơ hội mua doanh nghiệp với giá rẻ hơn. 

Thứ ba là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong thời gian trước đây, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại hoặc đầu tư ngoài ngành nhưng không hiệu quả. Các doanh nghiệp bắt buộc phải đánh giá lại các khoản đầu tư và tái cấu trúc doanh nghiệp của mình để tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề chính.

Thứ tư là có thời gian để tìm hiểu kỹ hơn doanh nghiệp. Thời gian cách ly kéo dài cũng có điểm tích cực là giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thời gian nhiều hơn để tìm hiểu, đánh giá doanh nghiệp, đặc biệt là càng có điều kiện để đánh giá sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.  Thẩm định chi tiết kỹ càng hơn sẽ giúp nhà đầu tư có những quyết định tốt hơn.

Dự báo M&A Việt Nam 2021-2022: Phục hồi theo mô hình V

Trong khảo sát mới đây của MAF và CMAC, các nhà đầu tư và nghiên cứu đưa ra các dự báo khác nhau về giá trị thị trường M&A tại Việt Nam năm 2021. Đa số các dự báo đều thận trọng về sự hồi phục của thị trường M&A tại Việt Nam năm 2021. 42% dự đoán giá trị thị trường ở mức 3 - 4 tỷ USD, 26% lạc quan hơn khi dự đoán ở mức 4 - 5 tỷ USD, trong khi 24% thận trọng hơn với dự đoán giá trị M&A chỉ ở mức 3 tỷ USD, chỉ có 8% tin tưởng giá trị M&A sẽ vượt mốc 5 tỷ USD.

Chúng tôi dự báo, giá trị M&A năm 2021 sẽ ở quy mô 4,5 - 5 tỷ USD, quy mô thị trường hồi phục trở lại tương đương mức bình quân giai đoạn 2014 - 2017. Tuy nhiên, để thị trường đạt một tầm cao mới, vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn, cũng như các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp.

Năm 2021 cũng đánh dấu sự kiện Việt Nam tổ chức xong Đại hội Đảng lần thứ XIII và sự khởi đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới tại Việt Nam. Giới đầu tư kỳ vọng, sự kiện này sẽ là động lực thúc đẩy tiến trình thoái vốn và cổ phần hóa mạnh mẽ hơn. Chỉ cần Chính phủ quyết liệt đưa ra một vài thương vụ thoái vốn lớn, thì mọi dự báo sẽ trở nên lạc hậu và giá trị M&A năm 2021 có thể sẽ ở một mốc khác cao hơn nhiều so với dự đoán.

Trong trường hợp các điều kiện thuận lợi về môi trường chính trị, môi trường kinh tế, cùng với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, sự dồn nén các cơ hội đầu tư giai đoạn 2019 - 2021 có thể được giải phóng vào thời điểm năm 2022. Thị trường có thể sẽ chứng kiến sự hồi phục theo mô hình chữ V, hoặc mô hình chim tung cánh. Dự báo giá trị M&A năm 2022 tại Việt Nam có thể đạt được mốc 7 tỷ USD. (Hình 12, 13)

Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp có thể vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và trong một số năm tới.

Về đối tác, các nhà đầu tư từ châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore, sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Các tập đoàn tư nhân tiếp tục là động lực đóng góp vào sự hồi phục của thị trường M&A trong năm 2021 và những năm tiếp theo. (Hình 14)

1. Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2019 đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Do tác động của Covid-19 cũng như một số yếu tố khác, dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).

2. Trong 6 tháng cuối năm 2019 và 2020, thị trường vẫn chứng kiến những thương vụ đáng chú ý, đặc biệt là những thương vụ mua lại hoặc tái cấu trúc của các tập đoàn tư nhân. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tích cực tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam.

3. Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2020 tiếp tục trầm lắng và chưa thực hiện được theo kế hoạch. Thị trường kỳ vọng có thêm những thương vụ thoái vốn ở quy mô lớn, nhằm giúp gia tăng đáng kể giá trị M&A của Việt Nam.

4. Covid-19 và trạng thái bình thường mới đã tác động đến hoạt động M&A trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam: các nhà đầu tư và doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, gia tăng các hoạt động tái cấu trúc, nhu cầu bán doanh nghiệp nhiều hơn, nhưng việc thẩm định chi tiết (due diligence) và ra quyết định cũng khó khăn hơn.

5. Nhìn chung, giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin tưởng vào sức bật của thị trường M&A Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19. Thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn nhờ các thương vụ mới, cũng như nhiều thương vụ thoái vốn lớn được Nhà nước thực hiện sau năm 2021.
Giám đốc điều hành cấp cao BDA Partners: Bốn xu hướng cho thị trường M&A
Việt Nam đã có những công ty M&A bằng cách sở hữu cổ phần chứ không đầu tư trực tiếp. Chúng tôi rất ấn tượng và lạc quan về những giao dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư