Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thị trường tài chính Trung Quốc: Cánh cửa mở hờ
Lê Quân (Reuters) - 18/10/2019 08:26
 
Trung Quốc gần đây nới lỏng các quy định đối với hoạt động ngân hàng, môi giới của khối ngoại nhưng vẫn “để ngỏ” đối với một số lĩnh vực nhạy cảm.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh tư liệu: AFP
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh tư liệu: AFP

Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc đưa tin, cuộc họp nội các Trung Quốc ngày 16/10 do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì đã quyết định sẽ gỡ bỏ các quy định hạn chế kinh doanh đối với các ngân hàng, công ty môi giới và quản lý quỹ nước ngoài.

Dù được chờ đợi sau gần 18 năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng động thái này được đánh giá chỉ tác động nhẹ tới ngành tài chính nước này - một ngành vốn được “bao sân” bởi các doanh nghiệp nhà nước.

Trung Quốc gần đây nỗ lực mở cửa thị trường tài chính trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng khó lường, bằng cách nới rộng khả năng tiếp cận tài chính nhiều hơn trước những yêu cầu ráo riết của Mỹ.

Tuần trước, Trung Quốc công bố sẽ mở toang cửa cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong 1 số lĩnh vực như hợp đồng tương lai, môi giới và quỹ tương hỗ vào năm 2020, khi Bắc Kinh và Washington đạt thỏa thuận ban đầu nhằm giải quyết tranh chấp thương mại.

Nội các Trung Quốc không đả động các tác động cụ thể của việc gỡ bỏ quy định kinh doanh nói trên đối với khối ngoại, nhưng điều dễ thấy là các công ty bảo hiểm và ngân hàng nước ngoài sẽ dễ "thở" hơn và mở rộng hoạt động tại thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc cũng sẽ hỗ trợ chính quyền các địa phương thu hút thêm đầu tư nước ngoài và cho phép các công ty nước ngoài linh hoạt hơn khi lựa chọn vay vốn nước ngoài.

Ổn định hoạt động đầu tư nước ngoài là một phần chính sách quan trọng của Trung Quốc nhằm kích thích nền kinh tế đang chững lại do thương chiến Mỹ - Trung.

4 ngân hàng có “máu mặt”, gồm HSBC Holdings, Standard Chartered, Bank of East Asia và Citigroup trở thành những ngân hàng ngoại đầu tiên được phép thành lập chi nhánh tại Trung Quốc vào năm 2007 - thời điểm Bắc Kinh thực hiện chính sách dần mở cửa thị trường này.

Tuy nhiên, do các quy định kinh doanh ngặt nghèo của Trung Quốc nhất là việc mở điểm giao dịch, gần 40 ngân hàng ngoại có chi nhánh tại nước này chỉ giành được “miếng bánh” nhỏ của thị trường ngân hàng Trung Quốc, một thị trường từ lâu bị chi phối bởi các "ông lớn" khu vực nhà nước như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Trung Quốc (BOC).

“Nhiều người cho rằng 'những con sói (ngân hàng nước ngoài) đang đến', nhưng theo quan sát của tôi, thông qua việc mở cửa ngành ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc muốn lăng xê công nghệ và nhân tài của nước này, chứ không có nghĩa rằng các đối thủ ngoại có thể chiếm được "miếng bánh" to hơn tại thị trường này”, ông Xin He, trưởng bộ phận thị trường toàn cầu của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Societe Generale tại Trung Quốc phát biểu trong cuộc họp tài chính cuối tuần trước. 

Ngân hàng Societe Generale (có trụ sở tại Pháp) đã rút hoạt động bán lẻ khỏi thị trường Trung Quốc sau khi nhận thấy các ngân hàng ngoại không thể cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc trong mảng này, ông He cho biết.

Ở lĩnh vực chứng khoán, năm ngoái Trung Quốc đã nới lỏng các quy định cho phép công ty môi giới chứng khoán nước ngoài sở hữu cổ phần đủ lớn để kiểm soát các công ty liên doanh với Trung Quốc.

Tuần trước, Trung Quốc cho biết sẽ gỡ bỏ toàn bộ các hạn chế về sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực chứng khoán vào ngày 1/12/2020. Các "đại gia" tài chính như Tập đoàn UBS, JPMorgan Chase và Nomura Holdings đã được phê chuẩn thành lập liên doanh với Trung Quốc mà trong đó họ nắm quyền chi phối.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa mở cửa một số lĩnh vực nhạy cảm của ngành tài chính. Hai gã khổng lồ thanh toán của Mỹ, gồm Mastercard và Visa vẫn đang đợi phê duyệt pháp lý để tiến hành hoạt động thanh toán bù trừ bằng nhân dân tệ tại Trung Quốc.

Theo kết quả khảo sát của Reuters, ngay cả khi thực hiện các chính sách kích thích, kinh tế Trung Quốc cũng chỉ tăng trưởng 6,2% năm 2019 - mức thấp nhất gần 30 năm qua và thậm chí sẽ “hạ nhiệt” còn 5,9% năm 2020.

Chính phủ Trung Quốc đang trông đợi rất nhiều vào các biện pháp tài khóa để kích thích nền kinh tế, đặc biệt là mạnh tay cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Tính riêng 8 tháng đầu năm nay, tổng mức thuế và phí được cắt giảm tại Trung Quốc đã lên tới 1.500 tỷ nhân dân tệ (211,32 tỷ USD), giúp giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, cải thiện thu nhập và việc làm cho người dân. Nội các Trung Quốc cho biết tổng mức thuế và phí được cắt giảm năm nay có thể vượt 2.000 tỷ nhân dân tệ.

Ngoài ra, chính phủ nước này sẽ hỗ trợ chính quyền các địa phương giải quyết khó khăn về mặt tài chính, nhất là vấn đề liên quan đến tiền lương.

“Thương chiến đẩy doanh nghiệp Trung Quốc vào thế khó”
Các công ty Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trung Sơn cho biết tại cuộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư