Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Thị trường triệu đô từ thực phẩm chay
Nguyễn Ngân - 15/04/2023 08:11
 
Xu hướng tiêu thụ thực phẩm chay, thực phẩm có nguồn gốc thực vật đã phổ biến trên thế giới và đang phát triển tại thị trường Việt Nam, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong lĩnh vực này.

Nhiều dư địa

Một trong những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang được tiêu thụ tốt tại thị trường Bắc Âu là mít non. Đây là nguyên liệu để chế biến các sản phẩm giả thịt, còn gọi là thịt thực vật.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit nhận định, thịt thực vật là xu hướng tiêu dùng của tương lai.

Do đó, từ vài năm nay, Vinamit đã sản xuất nguyên liệu thịt thực vật từ trái mít non để xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi, tiêu thụ thịt động vật.

Từ góc nhìn thực tiễn, ông Đoàn Mạnh Cương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm chay Bảo An cũng chia sẻ, thị trường kinh doanh thịt thực vật tại Việt Nam đang có xu hướng phát triển rất tốt.

Data Bridge Market Research dự báo, giai đoạn 2022 - 2029, thị trường dinh dưỡng thực vật toàn cầu sẽ tăng trưởng 7,4%/năm.
Tại Việt Nam, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Rakuten Insight,có đến 86% người tiêu dùng từng chọn giải pháp dinh dưỡng từ thực vật.

Dẫn chứng, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 180 triệu USD sản phẩm thịt thực vật theo chính ngạch, chưa kể tiểu ngạch, nhưng ở trong nước, hiện mới chỉ có 2, 3 nhà máy sản xuất sản phẩm này, ông Cương khẳng định: “Đây là thị trường còn rất nhiều dư địa”. Theo dự báo, năm 2023, thị trường thịt thực vật tại Việt Nam tăng trưởng ít nhất 15%.

Ngoài ra, ông Cương cho biết, Công ty Thực phẩm chay Bảo An đã tiến hành khảo sát tại TP.HCM và nhận thấy, mật độ các quán ăn chay trên địa bàn Thành phố rất dày, mỗi phường có khoảng 10 quán cơm chay, đồ ăn chay. Chưa kể, hiện nay, các bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, cũng rất ưa chuộng sản phẩm chay, vì món ăn đa dạng, tốt cho sức khỏe.

Đưa thực phẩm thuần chay đến gần hơn với người tiêu dùng

Thị trường thực phẩm chay rất tiềm năng, nhưng tại Việt Nam, thịt thực vật, thịt thuần chay vẫn chưa quen thuộc với người tiêu dùng. Theo ông Đoàn Mạnh Cương, đây là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thịt thực vật ở trong nước.

Đến nay, khách hàng chính của Công ty Thực phẩm chay Bảo An vẫn là các cửa hàng đồ ăn chay, các cơ sở chế biến lớn; kênh bán lẻ chưa phát triển. Để đẩy mạnh đầu ra, Bảo An chú trọng đầu tư đào tạo nhân lực tiếp thị trực tiếp theo hướng chú trọng tư vấn dinh dưỡng, kết hợp thực hiện khảo sát thị trường tại địa bàn TP.HCM để tăng cường tiếp thị đúng và trúng đối tượng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Viên cùng các cộng sự tại Vinamit cũng tổ chức không ít hội thảo, lớp học quy mô lớn với chủ đề “Thực phẩm thay đổi sự sống” tại các cơ sở của doanh nghiệp.

“Từ năm 2018 tới nay, tôi đưa chiến lược và sản phẩm lên tầm cao hơn, đó là ‘Thực phẩm thay đổi sự sống’. Không mập mờ theo kiểu ‘cứ ăn sẽ tốt’, chúng tôi chứng minh thực phẩm hoàn toàn có thể chữa được bệnh. Nếu thay đổi được lối sống, mọi người có thể tránh và thậm chí là chữa được bệnh tật…”, ông Viên chia sẻ.

Được biết, với các khóa học này, ông Viên cùng các chuyên gia sẽ truyền tải kiến thức y khoa tới người tiêu dùng theo góc nhìn của một nhà sản xuất thực phẩm, một người ăn thực phẩm, người đang trị bệnh bằng thực phẩm. Đối tượng tham gia các lớp học chủ yếu là doanh nhân, bởi theo ông Viên, đây là những người có thể hành động nhanh và mạnh mẽ nhất. “Họ sẽ là những cánh tay nối dài của tôi để mở ra góc nhìn mới cho công chúng…”, ông Viên nói.

Góp phần ổn định đầu ra cho nông sản

Không chỉ phục vụ xu hướng tiêu dùng thực phẩm xanh, sạch và bền vững, sản phẩm thịt từ thực vật, thực phẩm từ thực vật còn góp phần không nhỏ giúp tăng cường đầu ra cho nông sản Việt.

Theo ông Đoàn Mạnh Cương, thông qua chế biến nông sản thành thực phẩm chay, có thể tận dụng tối đa các phần của cây trồng, thay vì bỏ đi như trước kia, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tận dụng tối đa nguồn nông sản địa phương để sản xuất, chế biến, Lemit Foods là một trong những dự án khởi nghiệp sáng tạo nổi bật của tỉnh Hậu Giang thời gian vừa qua.

Bà Cao Thị Cẩm Nhung, nhà sáng lập, kiêm CEO thương hiệu Lemit Foods cho biết, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, giá mít xuống rất thấp mà không có đầu ra. Mít ra nhiều hoa, quả, nhưng người nông dân phải cắt bỏ, chỉ để lại một vài quả. Khi thu mua, thương lái chỉ mua những trái mít đạt chuẩn, còn những trái bị xơ đen có giá rất thấp.

“Lemit Foods giúp nông dân khai thác nông sản với hiệu quả tối ưu, nâng tầm trái mít, giúp nông dân không phải chịu cảnh được mùa, mất giá”, bà Nhung chia sẻ về mục tiêu của Dự án.

Agusha - Thương hiệu thực phẩm trẻ em hàng đầu tại Nga
Ra đời từ năm 1982, với sứ mệnh tạo ra những giải pháp dinh dưỡng tốt nhất dành cho trẻ nhỏ, sản phẩm sữa Agusha của Tập đoàn Pepsico đã có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư