Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Chiến lược phục hồi kinh tế
Thích ứng an toàn để vượt qua đại dịch
Dương Ngân - 04/01/2022 19:27
 
Nhờ những chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, cũng như sức mạnh của toàn dân... những vết thương do Covid-19 gây ra đang lành dần theo thời gian.

Mạnh mẽ từ nỗi đau

Việt Nam đã phải nếm trải quá nhiều đau thương, mất mát sau 4 đợt dịch Covid-19 với hơn 1,6 triệu người nhiễm và hơn 31.000 người mãi mãi chẳng thể quay về tổ ấm của mình. Biến chủng Delta có mặt tại TP.HCM cuối tháng 5/2021 và chỉ cần nửa tháng đã tấn công vào 22 quận, huyện, ngấm sâu vào cộng đồng, khu công nghiệp, bệnh viện, rồi theo dòng người hồi hương lan ra các tỉnh miền Nam và cả nước. Mọi sự chủ động, kinh nghiệm có được từ 3 đợt dịch trước cũng không theo kịp trước sự nguy hiểm của biến chủng mới.

Từ đó, kịch bản ứng phó Covid-19 cũng liên tục phải thay đổi, từ chỗ chuẩn bị cho 15.000 ca bệnh vào đầu tháng 7/2021, đến giữa tháng, con số này đã nâng lên hơn 50.000 và tiếp đó là 100.000 ca bệnh. Về công tác điều trị, từ những lúng túng ban đầu, mô hình điều trị bệnh nhân Covid-19 đã được hoàn thiện với mô hình tháp 3 tầng. TP.HCM đã cập nhật nhiều thuốc điều trị mới vào phác đồ điều trị cho các F0...

Được sự hỗ trợ lực lượng từ các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, TP.HCM đã thành lập hơn 500 trạm y tế lưu động, bổ sung, tăng cường phương tiện, máy thở ô-xy, túi thuốc điều trị, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu điều trị tại cộng đồng, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.

Cùng với đó, các đợt hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được TP.HCM triển khai với tổng kinh phí hơn 6.500 tỷ đồng. Chưa kể, hàng loạt mô hình hỗ trợ công tác an sinh xã hội, y tế cũng đã được hình thành, kịp thời giúp nhiều gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội. Những mô hình rất nhân văn như ATM gạo, ATM thuốc, ATM ô-xy đến mô hình siêu thị, gian hàng, bếp ăn “0 đồng” xuất hiện tại nhiều nơi.

Tham dự khánh thành một trạm ATM ô-xy vào đầu tháng 9/2021 tại Thủ Đức (TP.HCM), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, các mô hình ATM của Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ, Đoàn thanh niên cùng nhiều tập thể, cá nhân đã định hình lại “khái niệm” ATM, trở thành một hành động hỗ trợ lẫn nhau đầy tình người.

Khi TP.HCM trở thành tâm chấn của đại dịch, lần đầu tiên có sự huy động toàn dân tham gia tuyến đầu chống dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là lần điều động lớn nhất, là quyết định rất cam go trong thời khắc lịch sử của ngành.

Đã có khoảng 25.000 lượt cán bộ “Nam tiến”, trong đó có cả sinh viên, giảng viên trường đại học, các chuyên gia hàng đầu của hệ thống hồi sức, hệ thống bệnh viện Trung ương, địa phương cùng lực lượng quân y từ nhiều đơn vị. Nhiều tháng, nhiều ngày, những y, bác sĩ đã sống, chiến đấu kiên cường cùng nhân dân miền Nam ruột thịt.

Từ tâm dịch, nhiều phong trào tình nguyện cũng được khởi xướng, triển khai và lan tỏa ra rất nhiều tầng lớp nhân dân với hàng ngàn tình nguyện viên đã xung phong, tình nguyện tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch; đặc biệt, rất nhiều F0 sau khi điều trị khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại tham gia công tác điều trị, hỗ trợ bệnh nhân và bệnh viện điều trị Covid-19.

Linh hoạt thích ứng

Từ những trận dịch và đại dịch trước đây, các nhà dịch tễ học đã đúc kết công thức phòng, chống dịch là: phát hiện - phong tỏa - truy vết - cách ly - điều trị - dập dịch. Thời gian đầu, Việt Nam đã áp dụng công thức này và có một số thành công nhất định khi thực hiện hiện phòng, chống Covid-19.

Tuy nhiên, khi các biến chủng mới liên tục xuất hiện, nhiều đợt dịch tưởng chừng đã được kiểm soát và khống chế lại bùng phát dữ dội khắp nơi với tốc độ và quy mô ngày càng lớn, bất chấp những nỗ lực tối đa của các quốc gia.

Sẽ không thể tiếp tục sàng lọc diện rộng trong cộng đồng, không thể cách ly kéo dài, không thể phong tỏa mãi được, vì như vậy, nền kinh tế không thể phát triển, nguồn lực đầu tư cho phòng, chống dịch ngày càng cạn kiệt, mọi hoạt động xã hội vẫn cứ đóng băng.

Điều này buộc các cơ quan chức năng phải suy nghĩ, thay đổi quan điểm, chiến lược cho việc phòng, chống Covid-19. Từ kinh nghiệm đã bước đầu được đúc kết qua thực tiễn phòng, chống dịch, từ ý kiến phân tích của các nhà khoa học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, qua đó, phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới trong thời gian sớm nhất.

PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người đã túc trực tại Bình Dương nhiều tháng để trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng nhấn mạnh: “Covid-19 biến thể, thì chúng ta cũng phải thay đổi nhằm phù hợp với diễn biến của dịch”.

Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải dựa vào 6 nguyên tắc cơ bản: y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 2 năm chống dịch, chúng ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, đã có những sự trả giá, có mặt còn hạn chế, song từ những kinh nghiệm đó, chúng ta dần thích ứng và hiểu rõ hơn về dịch bệnh này. Quan điểm của Chính phủ là bảo đảm “mục tiêu kép”, nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam để điều phối công tác phòng, chống dịch ở địa bàn. Đồng thời, thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin, xúc tiến, vận động viện trợ vắc-xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19...

Nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà dịch tại TP.HCM đã dần được kiểm soát. TP.HCM đã tự tin ứng phó với công tác điều trị F0, sau khi các đội quân chi viện dần rút về.

Hiện nay, khi số ca mắc Covid-19 mỗi ngày tại Hà Nội đang tăng nhanh, thì các biện pháp ứng phó cũng dần được thay đổi để thích ứng. Từ chỗ đưa hết F0 đến bệnh viện, gây ra tình trạng quá tải, thì giờ đây, Thành phố đã cho phép F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, việc thành lập thêm nhiều trạm y tế lưu động đáp ứng nhu cầu khi F0 tăng cao, các chính sách cách ly người nhập cảnh liên tục thay đổi, phù hợp diễn biến mới đã minh chứng cho sự thích ứng an toàn, linh hoạt của Thủ đô với dịch.

Việt Nam đã có ca bệnh mắc biến chủng mới Omicron, dự báo dịch còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng virus mới thâm nhập Việt Nam; tăng cường biện pháp giám sát, truy vết, điều tra xử lý ổ dịch. Yêu cầu người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Y tế, các tỉnh cần quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn. Tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao và tổ chức chăm sóc, điều trị cho nhóm này, theo dõi sức khỏe và xử trí ngay khi phát hiện mắc Covid-19. Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo, tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 an toàn, nhanh nhất có thể; hoàn thành tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng 1/2022 và tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022. 

Và lâu dài, theo chuyên gia, để kiểm soát và khống chế dịch, tăng tỷ lệ người dân được tiêm chủng vắc-xin vẫn là điều kiện cần của quá trình phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp trong nước cần tự chủ được vắc-xin, thuốc điều trị, có như vậy chúng ta mới nắm được thế chủ động trong cuộc chiến với Covid-19.

Quyết định trình Quốc hội chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường, xem xét chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư