Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi
Hoàng Ly - 29/10/2023 17:25
 
Vượt lên những ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19 và suy giảm kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp trong danh mục của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý vốn, vẫn có kết quả kinh doanh khả quan. Điều này có sự đóng góp của SCIC nói chung và người đại diện vốn của SCIC tại doanh nghiệp nói riêng.

Phát huy tối đa năng lực và đẩy nhanh kế hoạch mục tiêu.      

 - Ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viễn thông FPT

“Dù kinh tế thế giới khó khăn và nhiều biến động, ngay từ đầu năm, FPT Telecom vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số, trong đó, doanh thu kế hoạch là 26.740 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận kế hoạch là 3.230 tỷ đồng, tăng trưởng 14,6%.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, FPT Telecom với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm, tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới để đưa ra các sản phẩm nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tối ưu chi phí cho doanh nghiệp.

Động lực tăng trưởng dài hạn của Công ty tiếp tục đến từ việc phát triển hệ sinh thái hạ tầng và công nghệ đáp ứng nhu cầu của người dùng cuối. Bằng việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư thông minh hóa vận hành hạ tầng, FPT Telecom sẽ đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ số để tự động hóa và thông minh hóa việc điều hành các hạ tầng lõi.

FPT Telecom tích cực tham gia hệ sinh thái chung của Tập đoàn để phát huy tối đa năng lực và đẩy nhanh kế hoạch mục tiêu. Hệ sinh thái này sẽ tiếp tục được mở rộng phối hợp với các đối tác ở bên ngoài như y tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Đẩy mạnh chuyển đổi số.  

- Bà Đào Thúy Hà, thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco

"Năm 2022 là năm đặc biệt với Traphaco - kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Traphaco và Vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Năm 2023, Traphaco hướng tới mục tiêu “Giữ vững vị thế số 1 đông dược - đầu tư phát triển ngoài đông được”, Traphaco đã xây dựng kế hoạch đạt 2.600 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 8,4% so với năm 2022), lợi nhuận sau thuế đạt 326 tỷ đồng (tăng trưởng 11,2% so với năm 2022), tỷ lệ cổ tức duy trì mức 30% vốn điều lệ bằng tiền mặt.

Để thực hiện mục tiêu này, Traphaco đã lựa chọn thông điệp của năm 2023 là “Tốc độ và số hóa, kết nối để thành công”, nhằm nâng cao năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh của Công ty thông qua các giải pháp kinh doanh tốc độ, chuyển đổi số tích hợp.

Công ty sẽ nâng cao hiệu quả quản trị thông qua giao và đánh giá các chỉ tiêu công việc bằng hệ thống KPI; Thực hiện số hóa quy trình làm việc và các hệ thống văn bản nội bộ như thực hiện số hóa toàn diện hệ thống quản trị, nâng cao năng suất, gia tăng tốc độ báo cáo của hệ thống theo thời gian thực; Đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát hành trình với xe ô tô giao hàng, giảm thời gian giao nhận, nâng cao trải nghiệm khách hàng; Tiếp tục hệ thống quản lý chi phí bằng kế hoạch ngân sách; Đầu tư mạnh cho hoạt động R&D phát triển sản phẩm mới trong tân dược, đông dược và cung cấp dịch vụ mới, tập trung vào sản phẩm có nghiên cứu tương đương sinh học; Tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ…

Thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

 - Ông Trần Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà – CTCP

Tổng công ty Sông Đà - CTCP đã tập trung huy động mọi nguồn lực để thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn các công trình theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư; chủ động rà soát lại công việc tại các công trình để làm việc với chủ đầu tư điều chỉnh lại cho phù hợp, trong đó đẩy mạnh thi công các công trình đã có đủ điều kiện thi công; Tổ chức tốt lực lượng làm công tác tiếp thị, đấu thầu tìm kiếm việc làm để bù đắp sản lượng thiếu hụt chưa có hợp đồng theo kế hoạch năm 2023 đề ra và chuẩn bị việc làm cho những năm tiếp theo; Tập trung giải quyết các vướng mắc tại các công trình, đẩy nhanh công tác hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, quyết toán...  Tổng công ty tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, tổ chức hạch toán kinh doanh, quản lý chặt chẽ chi phí sản xuất và chi phí quản lý, đảm bảo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; Xây dựng và trình thông qua Đề án tái cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2023 - 2028 làm cơ sở triển khai thực hiện”.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp.      

- Ông Phạm Công Thảo, thành viên HĐQT, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL)

Tiêu thụ thép xây dựng năm 2023 sụt giảm trên 20% so với năm 2022. Nhiều doanh nghiệp trong VSA rơi vào tình trạng thua lỗ hoặc hiệu quả thấp.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thép, kết quả sản xuất, kinh doanh của VNSTEEL trong 9 tháng năm 2023 cũng không khả quan với sản lượng và hiệu quả kinh doanh của nhiều đơn vị trong hệ thống đều giảm sút, nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ, kể cả đơn vị lớn như Vinakyoei, Tisco, Tôn Phương Nam,...

Trong khi đó, Tổng công ty phải tập trung rất nhiều nguồn lực để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến 2 đại dự án là Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco2) và Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai của VTM. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có tác động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của Tổng công ty trong những năm gần đây và dự kiến trong các năm tới nếu không tìm được hướng giải quyết phù hợp.

VNSTEEL đề xuất SCIC tiếp tục đồng hành trong mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, góp phần xử lý các khó khăn vướng mắc và tạo điều kiện phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại Tổng công ty và các đơn vị thành viên.

Trích lập dự phòng hơn 3.400 tỷ đồng, lãi SCIC giảm 63% so với năm 2021
SCIC ghi nhận trích lập dự phòng giảm giá đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận lỗ từ công ty liên doanh liên kết hơn 3.100 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư