Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thiên Long nối dài tham vọng
Anh Hoa - 06/06/2019 08:46
 
Sự “nhúng tay” gián tiếp của tập đoàn hàng đầu thế giới về văn phòng phẩm vào Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long sẽ tạo đà cho chiến lược tích hợp sản xuất theo chiều dọc và cải thiện năng lực kho bãi cũng như khả năng phân phối ở nước ngoài của Công ty.
.
Hiện sản phẩm Thiên Long có mặt tại 61 thị trường và sẽ tiếp tục mở rộng tại khu vực Nam Á, Trung Đông, các quốc gia nằm trong các hiệp định thương mại tự do, CPTPP.

Bước đi mới

Đầu năm 2019, Thiên Long đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu cho NWL Cayman Holdings, tổ chức được nắm giữ bởi Newell Brands - tập đoàn hàng đầu thế giới về văn phòng phẩm. Lượng tiền thu được đạt 425 tỷ đồng được kỳ vọng có tác dụng cho chiến lược tích hợp sản xuất theo chiều dọc và cải thiện năng lực kho bãi cũng như khả năng phân phối của Công ty.

Newell Brands trở thành cổ đông lớn nắm giữ 7,07% vốn tại Thiên Long và người đại diện là ông Tayfun Uner được cử tham gia HĐQT Thiên Long. Ông Tayfun Uner hiện là Phó chủ tịch Tập đoàn Newell Brands phụ trách thị trường APAC (châu Á - Thái Bình Dương) và EMEA (châu Âu - Trung Đông - châu Phi).

Theo ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT Thiên Long, việc hợp tác sẽ mở ra bước đi mới, giúp đẩy nhanh tăng trưởng cho Công ty thời gian tới. Thiên Long hỗ trợ phân phối sản phẩm của Newell tại Việt Nam, còn Newell sẽ hỗ trợ Thiên Long phân phối sản phẩm tại thị trường châu Mỹ mà Newell có thế mạnh. 

Đặc biệt, hai công ty đều đang hiện diện tại Đông Nam Á, nếu hợp tác thì khả năng chiếm lĩnh thị trường tốt hơn. Hiện sản phẩm Thiên Long có mặt tại 61 thị trường và sẽ tiếp tục mở rộng tại khu vực Nam Á, Trung Đông, các quốc gia nằm trong các hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đại diện Tập đoàn Newell Brands cho rằng, văn phòng phẩm vẫn là ngành hấp dẫn, với mức tăng trưởng thấp nhất mỗi năm cũng bằng hoặc cao hơn mức tăng trưởng GDP. Ngay cả tại Mỹ, thị trường vốn có mức độ tiếp cận thiết bị công nghệ phổ biến, nhưng mảng văn phòng phẩm vẫn tăng trưởng bằng hoặc cao hơn so với tăng trưởng GDP của quốc gia này.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, ngoài việc có cổ đông chiến lược “ngoại” mới, Thiên Long còn quyết định thành lập công ty tại Singapore, với vốn điều lệ 19 tỷ đồng. Dự kiến, Thiên Long sẽ mở thêm các đơn vị tại những quốc gia tiềm năng khác.

Năm ngoái, 85% doanh thu của Thiên Long đến từ thị trường trong nước, nhưng thị trường xuất khẩu tăng trưởng 28%, mang về 420 tỷ đồng và chiếm 15% tổng doanh thu. Mục tiêu đến năm 2020, xuất khẩu sẽ chiếm 20-25% cơ cấu doanh thu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dưới thương hiệu Thiên Long, một phần xuất khẩu qua OEM (phân phối dưới thương hiệu khác). Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng khả quan, nhưng cái tên Thiên Long vẫn còn khá mới mẻ, độ nhận diện thương hiệu chưa cao.

Chấp nhận đầu tư cho tương lai

Năm 2019, Thiên Long lên kế hoạch doanh thu 3.200 tỷ đồng, tăng hơn 12% và lợi nhuận sau thuế 325 tỷ đồng, tăng hơn 10,5% so với năm trước. Mục tiêu của Thiên Long là cán mốc lợi nhuận sau thuế tổng 3 năm 2018, 2019, 2020 gần 1.000 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCI) dự báo, giai đoạn 2018 - 2023, doanh thu của Thiên Long sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 15,3% và CAGR lợi nhuận sau thuế đạt 17,3%.

Triển vọng dài hạn của Thiên Long được củng cố bởi tăng trưởng cơ cấu trong nhu cầu văn phòng phẩm từ ngành giáo dục và văn phòng đang tăng cao của Việt Nam, cùng động thái gia tăng chen chân vào các thị trường xuất khẩu ở các nước ASEAN của Công ty.

“Vị trí dẫn đầu thị trường, cùng thị phần 60% trong nước ở mảng bút viết, cũng như sức mạnh thương hiệu cho phép Thiên Long chuyển một phần chi phí giá nhựa ngày càng tăng cao sang giá bán”, chuyên gia phân tích của VCI nhận định.

Tăng trưởng của Thiên Long trong bối cảnh thị trường văn phòng phẩm bị ảnh hưởng bởi xu hướng sử dụng các thiết bị công nghệ. Xác định điều đó, Thiên Long đang có nhiều chính sách đầu tư mạnh mẽ để có hiệu quả trong dài hạn. Thiên Long tiếp tục đầu tư vào gia tăng tỷ lệ tự động hóa và tích hợp sản xuất theo chiều dọc, cũng như tối ưu hóa hệ thống phân phối.

Đối thủ lớn nhất của Thiên Long là những công ty Trung Quốc như Deli…, vì thị trường khá tương đồng với Việt Nam. Thiên Long sử dụng chiến lược cạnh tranh bằng việc phát triển mạnh mẽ các sản phẩm văn phòng phẩm theo chiều rộng lẫn chiều sâu để tự mở rộng dung lượng thị trường. Công ty kỳ vọng, 5 nhãn hàng thế mạnh (bút viết Thiên Long, sản phẩm cao cấp Bizner, dụng cụ văn phòng FlexOffice, dụng cụ học sinh Điểm 10 và dụng cụ mỹ thuật Colokit) đều phát triển lớn mạnh, với các sản phẩm đa dạng phục vụ từng đối tượng.

Riêng tại thị trường nội địa, Thiên Long hiện sở hữu mạng lưới 110 nhà phân phối, 65.000 điểm bán lẻ trên khắp 63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, sản phẩm còn được bán qua kênh online với trang bán hàng trực tuyến của Công ty tại Flexoffice.com cùng với các sàn thương mại điện tử khác, nhưng mảng này chưa hiệu quả.

“Chúng tôi chấp nhận đầu tư cho tương lai, bởi xu hướng tương lai là online, như Alibaba ở Trung Quốc đang phát triển rất mạnh… Thiên Long tin rằng, tương lai thị trường Việt Nam cũng vậy, khi mảng online bắt đầu đi vào thu hoạch thì Công ty đã có sẵn nền tảng”, ông Thọ cho biết.

Sếp Tập đoàn Thiên Long: "Cam kết không để xảy ra tình trạng thua lỗ trong thời gian tới"
Với tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm, đến 2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long sẽ cán mốc lợi nhuận sau thuế khoảng 1.000 tỷ đồng....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư