Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thiếu kỷ luật, khó tăng hiệu quả đầu tư công
Bảo Duy - 11/11/2014 09:58
 
Khó tái cơ cấu đầu tư công bền vững nếu không thay đổi và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý đầu tư công (PIM).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tái cơ cấu kinh tế: Bình mới chờ rượu mới
Tái cơ cấu ngân hàng: Điểm sáng trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế
Đầu tư Sân bay Long Thành cần thiết chứ chưa cấp thiết
DN cơ khí đấu thầu dự án công: Bị loại “từ vòng gửi xe”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái đã đưa ra cái nhìn thẳng thắn về kết quả nhất định đã đạt được trong đổi mới đầu tư công mấy năm gần đây, đó là “chưa phải do nhận thấy cần điều chỉnh, mà cái chính là… thiếu tiền”.

   
  Nhu cầu đầu tư công đang rất lớn, trong khi kinh phí hạn chế. Ảnh: Đức Thanh  

Ông Thái lý giải nhận định trên tại Hội thảo Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kết hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển của Đức (GIZ) vừa tổ chức, khi đưa ra con số chi thường xuyên đã đến 72% chi ngân sách, chi trả nợ đã vượt 26% chi ngân sách.

“Vậy kể cả bội chi thì cũng có rất ít tiền cho đầu tư công. Do đó, các ngành và địa phương đành phải lựa chọn, chứ chưa thực sự hành động có chủ đích theo kiểu có tiền cũng cắt…”, ông Thái nói.

Không phải vô cớ mà vị chuyên gia vốn xuất thân từ ngành kế hoạch và đầu tư có nhận định như vậy bên cạnh việc khẳng định hoạt động đầu tư công đang được đưa vào khuôn khổ, cân đối trong tầm nhìn trung hạn.

Phân tích thực trạng phân cấp đầu tư cho địa phương với việc sử dụng nguồn vốn này với những ưu tiên khác với ưu tiên của quốc gia, ông Thái cho rằng, việc thực hiện mục tiêu đã bị lệch, ảnh hưởng đến hiệu quả dòng vốn này.

Bên cạnh đó, chất lượng điều chỉnh dòng vốn này vẫn chưa cao. “Một phần vì mới có Luật Đầu tư công. Mặt khác, cân đối đầu tư trung hạn, nhưng toàn bộ tài chính công thì vẫn làm từng năm, thành ra, trong điều kiện kinh tế chưa ổn định vững chắc như hiện nay, các dự kiến 5 năm nghe thì hay, nhưng khó thực hiện vì thiếu đồng bộ…”, ông Thái lo ngại.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Hải Mơ, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cũng băn khoăn khi nhắc tới khía cạnh tái cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm quy mô, thay đổi cơ cấu song chưa liên kết, chưa đi kèm với các biện pháp thu hút khu vực đầu tư tư nhân thay thế. “Nếu không giải quyết được sự gắn kết này, tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn ở mức cao trong năm 2014, vì nhu cầu đầu tư cao”, ông Mơ bình luận.

Rõ ràng, tính kỷ luật ngân sách và quản lý đầu tư công ở các cấp đang là mối lo trong việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, tăng hiệu quả đầu tư công.

Ở góc nhìn này, ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, hiện rất khó đánh giá kết quả rà soát các dự án đầu tư công.

Nghiên cứu của ông và các cộng sự tại Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương và Lạng Sơn về thể chế quản lý đầu tư công cấp tỉnh cho thấy, việc loại bỏ dự án đầu tư ở bước thẩm định là rất khó. “Thực tế, những dự án đầu tư công thường đã được ghi trong danh mục kế hoạch đầu tư hàng năm, vì vậy, chủ trương đầu tư thực tế đã được quyết định rồi. Do đó, việc thẩm định chỉ mang tính xem xét lại sự phù hợp về thủ tục, trình tự pháp lý, sự phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức hay tính phù hợp về quy mô, quy hoạch được duyệt. Ví dụ, Đà Nẵng trong 5 năm chỉ loại bỏ 1 dự án”, ông Thắng chia sẻ kết quả nghiên cứu.

Ngoài ra, cũng có nhiều lý do liên quan đến năng lực của cơ quan thẩm định ở địa phương còn hạn chế, nên nhiều khi quyết định thẩm định dựa vào sự đồng thuận nhiều hơn là một hệ thống dựa trên số liệu.

“Phân tích các nguyên nhân yếu kém trong công tác thẩm định dự án đầu tư, có thể thấy đủ cả những yếu kém trong thiếu phương pháp khoa học, sự can thiệp hành chính quá lớn, thiếu hệ thông dữ liệu để đánh giá, so sánh các dự án… Như vậy, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc, triệt để Luật Đầu tư công, phải ban hành các sổ tay hướng dẫn thực hiện hệ thống PIM cho các địa phương”, ông Thắng đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư