Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp: Việc nhiều, không thể chậm thêm
Khánh An - 12/02/2020 08:39
 
Gần như toàn bộ kế hoạch thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp của cả giai đoạn 2017-2020 đổ dồn vào năm nay, sau khi tiến độ của các năm trước đều không đạt được.
TIN LIÊN QUAN
Hanel là 1 trong số 30 doanh nghiệp mà Hà Nội sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước. Ảnh: Đức Thanh
Hanel là 1 trong số 30 doanh nghiệp mà Hà Nội sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước. Ảnh: Đức Thanh

Gánh nặng đổ dồn

Gánh nặng thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ rơi vào những địa chỉ thường xuyên được nhắc tên trong danh sách chậm trễ. Điều này đã được dự báo khi Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg được rà soát, thay thế theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và tiến độ thoái vốn chậm trễ trong 3 năm thực hiện Quyết định này.

Công việc mà Hà Nội sẽ phải hoàn tất thực sự rất nặng, nhất là khi Hà Nội cũng đang phải hoàn thành cổ phần hóa 13 doanh nghiệp trong năm nay theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg, Hà Nội đứng đầu với 30 doanh nghiệp sẽ phải thoái toàn bộ vốn nhà nước trong năm nay, gần như toàn bộ số doanh nghiệp đáng ra phải làm trong 4 năm (34 doanh nghiệp) của Thủ đô. Trong số này, có những doanh nghiệp chỉ còn 1,17% vốn nhà nước (Công ty cổ phần Sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm), nhưng cũng có doanh nghiệp còn tới gần 99% vốn nhà nước như Công ty cổ phần Cơ điện công trình.

Nhưng khó khăn không chỉ nằm ở số lượng. Đầu tháng 11/2019, phiên đấu giá bán cổ phần Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Haneco do Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội sở hữu buộc phải hủy vì không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự. Trong Dự thảo mới, Haneco vẫn phải thoái toàn bộ vốn nhà nước, đang chiếm tới 97,50% vốn điều lệ.

Đứng sau Hà Nội là Bà Rịa - Vũng Tàu (14 doanh nghiệp); Hải Phòng (13 doanh nghiệp).

Tuy vậy, cũng có thể sẽ có những bộ, ngành, địa phương “nhẹ gánh” khi phải chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong quý I/2020 do không hoàn thành thoái vốn trước thời điểm 31/12/2019.

SCIC cũng sẽ nhận thêm 13 doanh nghiệp khác từ các bộ, ngành để thực hiện thoái vốn trong quý I/2020. Trong số này, Bộ Xây dựng có 4 doanh nghiệp, Bộ Công thương có 3 doanh nghiệp… Trước đó, tháng 11/2019, SCIC cũng đã liệt kê khoảng 23 doanh nghiệp thuộc 9 địa phương đã có công văn đề xuất hoặc xác nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.

Không thể lùi

Gánh nặng không chỉ nằm ở số lượng công việc mà các đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước sẽ phải làm, mà còn ở kết quả việc thực hiện.

Một bài tính rất rõ ràng được đưa ra khi ban hành Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg. Đó là tổng nguồn thu dự kiến sau khi thực hiện Quyết định 1232 là 60.000 tỷ đồng sẽ về ngân sách vào giai đoạn 2016-2020, phục vụ đầu tư trung và dài hạn theo Nghị quyết 26/2016/NQ-CP của Quốc hội.

Phải nói thêm, khi ban hành Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg, thông điệp được đưa ra là số doanh nghiệp trong danh mục là con số tối thiểu, các bộ, ngành, địa phương được quyền chủ động bổ sung doanh nghiệp thực hiện thoái vốn sớm hơn kế hoạch trong từng năm, hoặc đề xuất vào danh mục. Điều đó có nghĩa, số ngân sách thu được dự kiến cũng là con số tối thiểu.

Thực tế, năm 2019, chỉ có 13 lượt doanh nghiệp thoái vốn trong số 57 doanh nghiệp thuộc danh sách thoái vốn trong năm theo Quyết định 1232/QĐ-TT. Nếu tính cả 3 năm, từ năm 2017 đến 2019, thì có 92 lượt trong tổng số 314 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Số tiền thu về là 8.964 tỷ đồng, bằng 15% kế hoạch.

Trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chuyển tiền từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp về ngân sách nhà nước, từ năm 2016 đến quý III/2019, số tiền đã chuyển là 205.000 tỷ đồng trong tổng số 250.000 tỷ đồng (đạt 82% kế hoạch).

Trong giai đoạn 2016-2019, phần thu được từ thoái vốn chủ yều từ các doanh nghiệp nằm ngoài Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg, với tổng số khoảng 170.629 tỷ đồng, trong đó 110.392 tỷ đồng (bao gồm việc thoái vốn tại Sabeco năm 2017 với số tiền thu về là 109.965 tỷ đồng); gần 52.000 tỷ đồng khác do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn, gồm cả SCIC thoái vốn tại Vinamilk...).

Có thể thấy, để hoàn thành kế hoạch, phần lớn nguồn tiền còn lại sẽ trông vào việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp trong năm 2020. Nhưng theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sẽ trông nhiều hơn vào thoái vốn.

Theo ông Cung, những khó khăn về thủ tục, trình tự, các quy định về định giá… có thể khiến cổ phần hóa chậm trễ, nhưng thoái vốn có thể làm ngay vì đã có giá thị trường. Hơn thế, việc thực hiện đúng tiến độ thoái vốn không chỉ để đảm bảo các kế hoạch, trong đó có cả kế hoạch thu ngân sách, mà còn tháo gỡ rào cản cho chính các doanh nghiệp.

“Thoái vốn chậm dẫn tới Nhà nước phải duy trì cổ phần tại doanh nghiệp không thuộc diện cần nắm giữ cổ phần, làm khó cho chính các doanh nghiệp này trong xác định chiến lược phát triển dài hạn cũng như làm khó các doanh nghiệp nhà nước khi nguồn lực chưa được phân bổ hiệu quả, đúng chỗ”, ông Cung nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư