Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thoáng cơ chế để hút đầu tư vào đặc khu
Nguyên Đức - 23/05/2018 07:54
 
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang tiếp tục được hoàn thiện, với nhiều cơ chế thoáng và mở hơn, để thu hút đầu tư vào các đặc khu.

Hôm nay (23/5), theo chương trình nghị sự, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội lần cuối cùng, trước khi dự kiến thông qua vào tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật để đảm bảo có thể chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư, phát triển 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Khu vực Vân Đồn đang vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Đức Thanh
Khu vực Vân Đồn đang vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Một trong những nội dung đó là chuyện cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Dự thảo Luật ban đầu đề xuất chỉ giữ 108 ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở đặc khu, song sau rà soát, con số đã tăng lên 131 ngành nghề. Tuy vậy, về số này, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các đại biểu Quốc hội, một số ý kiến vẫn đề nghị cắt giảm mạnh mẽ hơn, một số lại cho rằng chỉ nên quy định mang tính định hướng hoặc có quy định “mở” để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển của các đặc khu.

Tiếp thu ý kiến này, Dự thảo Luật mới nhất, dự kiến chính thức trình lên Quốc hội vào ngày mai đã bổ sung một điều khoản “mở”, giao Thủ tướng Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước tại từng đặc khu để “quyết định không áp dụng một hoặc một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại khu chức năng thuộc đặc khu” (khoản 4, Điều 17). 

“Quy định như vậy là cần thiết, tạo cơ chế linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội ở từng đặc khu”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết.

Đã có nhiều sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật để đảm bảo có thể chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư, phát triển 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Liên quan vấn đề trên, trong một cuộc hội thảo được tổ chức ngay trước khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, muốn đặc khu phát triển thành công, phải xây dựng được thể chế tốt, vượt trội; ưu đãi tài chính quan trọng, nhưng môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng còn quan trọng hơn.

“Các chính sách ưu đãi thuế chỉ chiếm 30 - 40% quyết định của nhà đầu tư. Hai tiêu chí mà các nhà đầu tư rất quan tâm là thể chế, là sự minh bạch chính sách”, ông Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc Dịch vụ pháp lý của KPMG Việt Nam có cùng nhận định.

Thực tế, khi xây dựng Dự thảo Luật, Ban Soạn thảo cũng đã tập trung nhiều hơn vào các cơ chế, chính sách nhằm tạo một môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư. Trong dự thảo mới nhất, các quy định về thủ tục đầu tư, kinh doanh đã được hoàn thiện theo hướng tạo nhiều thuận lợi hơn, nhằm bảo đảm thu hút đầu tư bằng “cơ chế” trên cơ sở phân quyền việc xem xét chấp thuận dự án đầu tư cho chính quyền đặc khu; cải cách tối đa thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh theo hướng đơn giản, thuận tiện; tăng tính công khai, minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong tiếp cận và thực hiện các thủ tục đầu tư.

Chẳng hạn, thu hẹp tối đa các dự án phải quyết định chủ trương đầu tư, chỉ còn bao gồm dự án đầu tư công theo pháp luật về đầu tư công; dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo quy định của Luật Đầu tư; dự án đầu tư kinh doanh cá cược, đặt cược, casino. Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn 15 ngày, thậm chí có thể rút ngắn xuống còn 5 - 12 ngày. Dự thảo Luật cũng bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các hoạt động đầu tư kinh doanh trong và ngoài đặc khu; tránh lợi dụng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng để thành lập pháp nhân tại đặc khu, nhưng không có hoạt động đầu tư tại đặc khu…

“Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật cũng đã được rà soát, lược bỏ một số điều kiện, thủ tục áp dụng riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh tại đặc khu”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, đại diện Ban Soạn thảo Dự thảo Luật cho biết.

Hành chính đặc biệt quan trọng hơn kinh tế đặc biệt
Theo quan điểm của TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần quan tâm đến “hành chính đặc biệt” hơn là “kinh tế đặc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư