Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Thời đại dịch, doanh nghiệp co kéo, "vay nợ tương lai"
Thanh Thủy - 07/01/2022 09:53
 
Corona virus, với cấu trúc mRNA đơn giản, vòng đời ngắn, khả năng nhân rộng, liên tục biến đổi để duy trì sự hiện diện. Doanh nghiệp, cũng phải xoay xở giải bài toán tồn tại hay không tồn tại.

Khéo co thì ấm

Không thể đưa du khách tới các điểm đến vì giãn cách xã hội, Vietsense Travel đem sản vật địa phương đến tay người tiêu dùng. Chuyển đổi mặt bằng sang siêu thị, tận dụng mạng lưới khách hàng hiện có và chính nhân viên cũ để kinh doanh. Ngoài giữ kết nối để sẵn sàng đón cơ hội phục hồi, thêm nguồn doanh thu bù vào chính là giúp cải thiện dòng tiền của doanh nghiệp.

Trông chờ vào những chuyến bay, có thêm trung tâm dạy nghề lái xe cùng mảng taxi, doanh thu của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không sân bay Đà Nẵng (MASCO) ở cả ba mảng đều suy giảm rất lớn. Cuộc họp cổ đông gần nhất đã quyết định ngưng hoạt động taxi và thanh lý toàn bộ hàng chục ô tô

Song trong kinh doanh, không phải mình doanh nghiệp “khéo co” là được. Các khoản nợ phải thu đối tác vốn là chuyện đau đầu thời bình thường lại càng nhức óc hơn khi đại dịch tác động trên diện rộng. Hơn 2.200 tỷ đồng nợ phải thu ở 2 đối tác lữ hành của một hãng hàng không Việt Nam đã quá hạn thu hồi trên một năm. Tuy vậy, lịch sử thanh toán và mối quan hệ hợp tác chiến lược khiến Ban lãnh đạo MASCO tin tưởng khả năng thu hồi khi thị trường phục hồi.

Ngược lại, tình hình lại không mấy lạc quan với đối tác khách hàng của PV Drilling. KrisEnergy, một khách hàng lớn còn dư nợ phải thu gần 95 tỷ đồng, đã đệ đơn lên tòa án xin phá sản. 30% dư nợ đã được PV Drilling trích lập dự phòng, làm giảm đáng kể trong kết quả kinh doanh năm nay, nhưng là phần nhỏ so với tình hình tài chính tích luỹ hàng chục năm của ông lớn ngành dầu khí này.

“Tích cốc phòng cơ”, nhiều tài sản đã trở thành của để dành lúc khó khăn của doanh nghiệp. Chủ sở hữu Công viên nước Đầm Sen chịu cảnh ngủ đông vì giãn cách, nhưng vẫn lãi lớn nhờ bán phần vốn góp tại VietBank, thu chênh lệch gấp 4 lần.

Thị trường chứng khoán sôi động, các tổ chức trong nước cũng tham gia tìm cơ hội tối ưu hiệu quả dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp niêm yết dành một phần vốn đầu tư cổ phiếu. Nhiều thương vụ mang về khoản chênh lệch hàng trăm tỷ đồng như đợt bán 60 triệu cổ phiếu VHM của Vinhomes mang về dòng tiền hơn 6.500 tỷ đồng và phần chênh lệch 970 tỷ đồng. 

“Vay nợ” tương lai

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ 250.000 tỷ đồng được cơ cấu lại nợ; 1,8 triệu khách hàng với dư nợ 3,5 triệu tỷ đồng được miễn giảm lãi suất. Bằng Thông tư 01/2020/TT-NHNN và sau này là Thông tư 03 và Thông tư 14, doanh nghiệp được giãn các nghĩa vụ tài chính trước biến cố lớn Covid-19. Với các doanh nghiệp không thể thu xếp thanh toán nghĩa vụ nợ, đây là “cây đũa thần”.

Một dấu ấn trong việc huy động vốn để vượt bão đại dịch năm nay là câu chuyện ở Vietnam Airlines. Bên cạnh các đàm phán giảm chi phí thuê máy bay và cắt giảm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê thông qua việc hủy, lùi lịch nhận các máy bay mới vừa đạt được hồi tháng 12/2021, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính được tiếp thêm mạnh mẽ từ quý III. Dòng vốn tín dụng của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn NHNN và đợt tăng vốn thu về 7.961 tỷ đồng sau đó đã bù đắp lại dòng tiền thâm hụt nặng ở hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Chính sách tiền tệ đảm bảo thanh khoản của thị trường. Tăng trưởng tín dụng dù chững lại giữa năm, nhưng đã bật tăng mạnh 2 tháng cuối năm 2021, đạt 12,97%. Kênh phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp huy động 468.850 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm với tỷ trọng lớn nhất ở nhóm doanh nghiệp bất động sản (38%).

Trên thị trường cổ phiếu, cùng sự sôi động của thị trường thứ cấp, các tổ chức phát hành cũng đã huy động được lượng vốn lớn từ phát hành cổ phiếu. Chỉ riêng nhóm 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá thị trường lớn nhất (không kể ngân hàng), số tiền thu về từ phát hành cổ phiếu trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 29.500 tỷ đồng, gấp 6,25 lần cùng kỳ năm 2020. 

Bức tranh không chỉ màu xám, nhiều ngành trong đại dịch mở rộng. Nổi bật năm 2022 là nhóm công ty chứng khoán với hàng loạt phương án phát hành thành công và đang rục rịch cho kế hoạch tăng vốn kế tiếp.

Các điểm sáng này không quá phổ biến trong năm 2021, đại dịch tác động nặng nề đến sản xuất, kinh doanh, khiến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 17,8% so với năm 2020 lên gần 120.000 tổ chức. Co kéo nguồn doanh thu - chi phí, cơ cấu tài sản hay tìm đến các nguồn vốn bên ngoài… xoay xở thích ứng, nhiều doanh nghiệp đã trụ lại, đảm bảo thanh khoản để sống sót.

Tân Chủ tịch AmCham cam kết thúc đẩy đầu tư thương mại Việt - Mỹ
Ban lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham Hanoi) bầu ông John Rockhold làm Chủ tịch mới trên toàn quốc của AmCham Việt Nam trong năm 2022.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư