Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thông cầu La Hai trên tuyến đường sắt Bắc Nam vượt tiến độ 10 tháng
Anh Minh - 28/08/2015 21:39
 
15g30 chiều nay (28/8), chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên đã chạy an toàn trên cầu đường sắt mới La Hai ( Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) trên tuyến đường sắt Bắc Nam.

Những chuyến tàu đầu tiên qua cầu đường sắt mới La Hai

 

Trước đó, vào sáng ngày 28/8, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), Liên danh tư vấn JOT (Nhật Bản), Liên danh Nhà thầu TAISEI-MES-CIENCO1 bắt đầu tiến hành thay dầm mới đưa vào khai thác cầu đường sắt La Hai, thuộc thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Đây cũng là một trong những chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành GTVT, hướng tới Quốc khánh 2/9 và Đại hội thi đua yêu nước Toàn quốc của Ban QLDA Đường sắt.

"Việc thay dầm mới đã hoàn thành suôn sẻ, đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn khai thác cho các đoàn tàu Bắc Nam qua cầu", đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cho biết.

Cầu La Hai mới, có lý trình Km1155+772 trên đường sắt Bắc – Nam, bao gồm 7 nhịp dầm thép là một trong 4 cầu đường sắt thuộc Gói thầu CP3B, Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt HN-TP Hồ Chí Minh sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Trong đó 5 nhịp dầm dàn thép dài 49.8m, 1 nhịp dầm dàn thép dài 43m và 1 nhịp dầm thép hộp dài 9.8m. Đoạn đường sắt hai đầu cầu dài khoảng 1,8 km từ Km1154+710 – Km1156+864, có kết cấu là ray 50N tiêu chuẩn, tà vẹt TN1P-50N đặt trên nền ballast.

Theo thiết kế, nhà thầu sẽ xây dựng cầu mới trùng với vị trí cầu cũ, đồng thời điều chỉnh vị trí mố mới và trụ mới. Tuy nhiên, dầm cầu mới được thiết kế nâng cao hơn dầm cầu cũ khoảng 20cm, điều này dẫn đến phải kéo dài phạm vi vuốt nối đường sắt hai đầu cầu để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Do đó, nhà thầu cần phải huy động thêm nhiều máy móc, nhân lực để hoàn thành nhiều hạng mục công việc cùng lúc trong khoảng thời gian phong tỏa để thay dầm mới.

Dầm mới được lắp dựng trên hệ sàn đạo song song với cầu cũ về phía Thượng Lưu, sau khi công xong kết cấu phần dưới sẽ lắp đặt đường sàng tại các vị trí mố mới và trụ mới (bao gồm đường sàng ra và vào), dầm cũ sẽ được sàng về phía Hạ Lưu và dầm mới sẽ được sàng vào vị trí thiết kế trong thời gian phong tỏa. Toàn bộ hệ thống mố trụ cầu cũng được xây mới BTCT trên móng cọc khoan nhồi. Cầu La Hai được khởi công xây dựng từ tháng 2/2014.

Đến nay rút ngắn tiến độ thi công được 10 tháng so với hợp đồng. Khi thay thế xong cầu mới, tốc độ thiết kế có thể đạt 120km/h cho tàu khách, 80km/h cho tàu hàng góp phần nâng tốc độ, tải trọng đoàn tàu trên toàn tuyến đường sắt Bắc Nam.

Cầu đường sắt La Hai cũ được được xây dựng từ năm 1936  của thế kỷ 20 và đã được gia cố sửa chữa nhiều lần, đến nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống mố trụ yếu, dầm thép han rỉ xuống cấp, tà vẹt gỗ đã mục...

Gói thầu CP3B có quy mô bao gồm: thi công 4 cầu (Bến Gỗ, Tân An, La Hai, Sông Dinh), đường 2 đầu cầu và các công trình liên quan gồm: đường ngang, cống hộp thuộc phạm vi 2 đầu cầu. Giá trị Hợp đồng gói thầu CP3B là: 804.416.390 Yên Nhật và 387.928.514.000 Việt Nam đồng (tương đương với 2.416.151.467 Yên Nhật đã bao gồm dự phòng và trượt giá với tỷ giá quy đổi 1 JPY = 240,69 VNĐ), thời gian thi công 30 tháng và 12 tháng bảo hành.

Tiếp theo kế hoạch, dự kiến từ ngày 15/9 đến ngày 25/9/2015, Ban quản lý dự án đường sắt sẽ tiến hành thay mới dầm cầu Sông Dinh và gói thầu CP3B sẽ hoàn thành việc thay dầm, thông tàu, đáp ứng được tiến độ yêu cầu.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc gói thầu CP3B thông tuyến là một cú hích tích cực cho toàn Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – Tp.HCM (gọi tắt là dự án 44 cầu) do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ vốn với tổng mức đầu tư lên tới 9.284 tỷ đồng về đích đúng tiến độ; tạo sự chuyển biến đáng kể về hạ tầng trên tuyến đường sắt Bắc Nam.

Những chấm son trên tuyến đường sắt Bắc - Nam
Những cây cầu thép hiện đại liên tục được xây dựng bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản trong 20 năm qua như những chấm son nối nhịp ngày một dày hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư