Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thống đốc chỉ cách “thổi bay” nợ xấu ngay lập tức
Thùy Liên - 01/10/2014 14:45
 
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, nếu bây giờ chỉ cần dùng 10% GDP hay một khoản tiền như thế thì sẽ giải quyết được nợ xấu ngay hôm nay mà không chờ đến năm 2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vì sao Thống đốc Bình tự tin về hệ thống ngân hàng?
Ngân hàng chuyển nguy cơ đổ vỡ sang doanh nghiệp?
Xử lý nợ xấu: Góc nhìn thực tế
Cần thị trường mua - bán nợ để xử lý nợ xấu
  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình  
  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình  

249.000 tỷ đồng nợ xấu đã được dọn ra sao?

Hôm nay (1/10), Thủ tướng Chính phủ  làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nghe cơ quan này báo cáo về tình hình xử lý nợ xấu. Vấn đề này được toàn xã hội quan tâm bởi nợ xấu đang là vấn đề nan giải của nền kinh tế trong khi việc xử lý nợ xấu diễn ra khá chậm chạp.

Trước đó, trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này, Thống đốc NHNN đã tung ra nhiều con số bất ngờ về xử lý nợ xấu thời gian qua.

Cụ thể, theo Thống đốc, trong 3 năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu so với con số 464.000 tỷ đồng nợ xấu vào thời điểm NHNN xây dựng Đề án xử lý nợ xấu ( tháng 9/2012) thì số nợ xấu đã xử lý được lên tới 53,6%.

Như vậy, nếu theo con số mà Thống đốc công bố, 3 năm qua, khối lượng nợ xấu đã được ngành ngân hàng xử lý không hề nhỏ. Câu hỏi đặt ra là, con số trên có phải là con số thực, bởi trong bối cảnh nền kinh tế chưa có nhiều tiến triển, các ngân hàng cũng gặp vô vàn khó khăn, nguồn lực để xử lý nợ xấu lấy từ đâu ra?

Về vấn đề này, Thống đốc cho biết, có 3 nguồn để xử lý nợ xấu thời gian qua.

Thứ nhất, tự các tổ chức tín dụng bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của mình để xử lý nợ xấu.

Nguồn thứ hai là các bên vay ngân hàng có điều kiện kinh tế được cải thiện hơn, trả nợ cho ngân hàng để xử lý nợ xấu.

Nguồn thứ ba là Chính phủ đứng ra để xử lý nợ xấu, trong trường hợp đất nước chúng ta thông qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Giải pháp cuối cùng, cũng là giải pháp tổng thể là ban hành các cơ chế, chính sách kích thích kinh tế phát triển, từ đó góp phần xử lý nợ xấu.

Theo ước tính của Thống đốc, trong số hơn 249.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý thời gian qua, nếu trừ đi 86.000 tỷ đồng mà VAMC đã mua vào tính đến thời điểm này, con số 163.000 tỷ đồng nợ xấu còn lại chủ yếu được xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng.

Lý giải của Thống đốc là có cơ sở bởi trước đây, các ngân hàng có xu hướng che dấu nợ xấu để ít phải trích lập dự phòng rủi ro, để có thêm nguồn tiền chia lợi nhuận. Nhưng trong 3 năm vừa qua, NHNN đã kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, các ngân hàng lãi cao, chia cổ tức lớn đều bị NHNN thanh tra, giám sát chặt. Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng đã nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro hơn. Vài năm gần đây, trung bình mỗi năm hệ thống ngân hàng trích được 70.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu.

Chi 10% GDP, nợ xấu sẽ bị quét sạch ngay lập tức

Không công bố con số nợ xấu tuyệt đối thời điểm này, song theo Thống đốc NHNN, tỷ lệ nợ xấu hiện nay khoảng 8%, NHNN đang nỗ lực sẽ đưa tỷ lệ này xuống 6% cuối năm nay.

Tỷ lệ nợ xấu không những vẫn đang đứng ở mức cao, mà còn có chiều hướng gia tăng 6 tháng đầu năm nay. Nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn Thống đốc tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tuần này cũng tỏ ra sốt ruột vì tốc độ xử lý nợ xấu quá chậm còn VAMC chưa chứng minh được hiệu quả.

Trái với lo lắng trên, Thống đốc tỏ ra khá lạc quan với nợ xấu khi cho hay, tổng giá trị tài sản nợ xấu hiện nay đang cao gấp 2 lần giá trị nợ xấu. Công tác trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng được triển khai tích cực, đến tháng 9/2014, toàn hệ thống đã trích lập dự phòng rủi ro được 78.000 tỷ đồng, đây là nguồn lực lớn để ngành ngân hàng “dọn” thêm một đợt nợ xấu nữa vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, việc mua nợ của VAMC cũng tiến triển nhanh, tính đến 24/9 đã đạt 86.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm nay, VAMC sẽ mua vào 70.000 tỷ đồng nợ xấu. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, VAMC sẽ mua vào tổng cộng 200.000 tỷ đồng nợ xấu.

Riêng về VAMC, Thống đốc thừa nhận, năng lực tài chính của tổ chức này rất yếu, dẫn tới không thể mua đứt, bán đoạn các khoản nợ. Hiện nay, VAMC có vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng song lại phải “gánh” số nợ xấu 86.000 tỷ đồng. Hiện trên cơ sở đề nghị của NHNN, Chính phủ đã cơ bản chấp thuận sẽ tăng vốn điều lệ của VAMC lên 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2.000 tỷ đồng vẫn là con số quá nhỏ bé nếu so với tổng số nợ VAMC mua là khoảng 200.000 tỷ đồng (tính đến năm 2015).

Việc xử lý nợ xấu chậm, theo Thống đốc, không phải là bắt sai bệnh, kê sai thuốc mà vấn đề là ở chỗ thiếu nguồn lực. Theo Thống đốc, nợ xấu có thể xử lý dứt điểm ngay tại thời điểm này nếu có tiền ngân sách.

“Nếu bây giờ chúng ta chỉ cần 10% GDP thôi hay một khoản tiền như thế thì tôi có thể nói ngay là chúng ta sẽ giải quyết được nợ xấu ngay hôm nay mà không chờ đến năm 2015”, Thống đốc khẳng định.

 Thống kê của NHNN cho thấy, khi xử lý nợ xấu, các nước trên thế giới sử dụng trung bình 20-30% GDP, có những nước chi ra tới 60-70% GDP để xử lý nợ xấu. Những nước ít ảnh hưởng bởi nợ xấu nhất cũng dùng 7-10% của GDP để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, Việt Nam có quan điểm không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, đây là điểm khác biệt của mô hình VAMC ở nước ta.

Tuy chỉ ra cách “thổi bay” nợ xấu ngay lập tức (nếu ngân  sách chi ra 10% GDP), song người đứng đầu NHNN cũng cho biết: “Việc sử dụng ngân sách trong giai đoạn hiện nay chúng tôi không dám đặt ra” do hoàn cảnh đất nước còn khó khăn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư