Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thống đốc: Hy sinh lãi suất vì thanh khoản, tỷ giá; đã bán 10 tỷ USD cho doanh nghiệp xăng dầu
T.L - 28/10/2022 17:01
 
Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường về Kinh tế xã hội chiều nay (28/10), Thống đốc NHNN giải thích thêm về điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng thời gian qua.
f
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Dự trữ ngoại hối các nước đã giảm 1.000 tỷ USD, Việt Nam khó tránh ảnh hưởng

Lãi suất, tỷ giá tăng mạnh, room tín dụng hạn hẹp khó tiếp cận vốn vay…  gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế là một trong các vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội diễn ra ngày hôm nay (28/10).

Trước các vấn đề Đại biểu đặt ra, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đây là vấn đề được toàn cầu quan tâm, các ngân hàng trung ương đều phải đau đầu ứng phó. Năm 2022, kinh tế thế giới biến động rất lớn. Nếu như cuối năm 2022, nhiều quốc gia đánh giá lạm phát chỉ là yếu tố tạm thời nhưng hiện nay, lạm phát đã trở thành xu hướng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các nước đều tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến.

Đồng USD mạnh lên khiến nội tệ nhiều quốc gia mất giá mạnh từ 10-30%, dự trữ ngoại hối của các nước cũng suy giảm mạnh đến hơn 1.000 tỷ USD. Ngân hàng Trung ương các nước đều gặp nhiều khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Cùng với bối cảnh thế giới biến động phức tạp, chính sách tiền tệ trong nước lại gặp thêm nhiều áp lực từ diễn biến của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, chính sách tiền tệ lại được giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu. Ngay cả trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng, NHNN vẫn được giao nhiệm vụ cố gắng giảm 0,5-1% lãi suất trong năm 2022-2023.

Thống đốc khẳng định, 9 tháng đầu năm, chính sách tiền tệ đã bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt, công cụ với liều lượng và vào thời điểm hợp lý, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát bình quân 9 tháng 2,73%, lạm phát cả năm 2022 nhiều khả năng dưới 4%, thấp hơn nhiều quốc gia khác.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng 10 tháng tăng trên 11% và tăng 16-17% so với cùng kỳ là ở mức rất cao, là yếu tố góp phần giúp cho tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến 8%. Đồng thời, tỷ giá, lãi suất 9 tháng đầu năm cũng cơ bản ổn định, thanh khoản được điều tiết tốt.

Phải đánh đổi mục tiêu ngắn hạn để theo đuổi mục tiêu dài hạn

Mặc dù vậy, Thống đốc cũng thừa nhận, bắt đầu từ tháng 10/2022, thị trường tiền tệ và ngoại hối trong nước biến động mạnh, chủ yếu do tâm lý kỳ vọng, các thông tin không đúng sự thật xuất hiện đã tác động mạnh tới hoạt động của tổ chức tín dụng cũng như diễn biến thị trường ngoại tệ.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với NHNN để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng khả năng chi trả cho các tổ chức tín dụng. Về ngoại hối, NHNN đã chủ động điều hành tỷ giá linh hoạt hơn.

“NHNN xác định trọng tâm của chính sách tiền tệ thời điểm này là phải đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, cho phép tỷ giá linh hoạt hơn và tăng lãi suất. Thị trường ngoại hối ổn định là vô cùng quan trọng, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đưa ra thông điệp rõ ràng về việc xử lý nghiêm với thông tin sai sự thật về kinh tế, tiền tệ”, Thống đốc khẳng định.

Từ thực tế điều hành, người đứng đầu NHNN khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở sâu, tác động của thị trường tài chính thế giới tới trong nước là tất yếu nên luôn sẵn sàng tâm thế ứng phó.

“Quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ là phải xác định được mục tiêu trọng tâm của giai đoạn đó là gì nhưng trên tinh thần xuyên suốt là phải kiểm soát được lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô. Còn trong ngắn hạn sẽ phải đánh đổi các mục tiêu. Ví dụ để ổn định tỷ giá thì chấp nhận lãi suất phải tăng, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, đến doanh nghiệp, đến tăng trưởng GDP. Tuy vậy, sau khi ổn định chúng ta sẽ tăng tốc sau”, Thống đốc cho biết.

Với tín dụng, Thống đốc khẳng định sự đúng đắn của việc không nới room tín dụng vừa qua. Bởi nếu NHNN nới room tín dụng thì thanh khoản toàn hệ thống trong sự kiện tháng 10 qua (sự kiện SCB – PV) sẽ rất căng thẳng, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng.

Đã bơm 10 tỷ USD cho doanh nghiệp xăng dầu

Liên quan tới khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu, Thống đốc đề nghị Bộ Công thương có đánh giá cụ thể, chi tiết, phân tích nguyên nhân để đưa ra giải pháp phù hợp. Thống đốc cho rằng, nguyên nhân khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu không phải do thiếu tín dụng, ngoại tệ.

Theo tổng hợp nhanh của NHNN, tổng hạn mức tín dụng mà các ngân hàng thươngn mại cấp cho doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng nhưng hiện nay mới sử dụng hết 58.000 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN cũng đảm bảo cung ứng ngoại tệ đầy đủ cho doanh nghiệp xăng dầu nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã bán ra 10 tỷ USD cho các doanh nghiệp xăng dầu (Nghi Sơn, Bình Sơn… ).

Với gói hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân chậm như nhiều đại biểu quốc hội nêu, Thống đốc cho biết đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát liên ngành, đi thực tế các địa phương. Có địa phương khảo sát 183 khách hàng đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất thì 126 khách hàng ko quan tâm, 46 khách hàng chưa có phản hồi.

Thống đốc cho biết sẽ khảo sát thêm các địa phương, doanh nghiệp và sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ.

Lãi suất tiết kiệm đụng trần cho phép
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 1% lên 6%/năm, nhiều ngân hàng vào cuộc đua lãi suất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư