Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Thống nhất đầu mối để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư
Mạnh Bôn - 04/12/2017 08:53
 
Triển khai Nghị quyết 70/NQ-CP (ngày 3/8/2017) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết, kể từ tháng 10/2017, việc kiểm soát chi ngân sách nhà nước sẽ tập trung vào một đầu mối.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, việc thống nhất kiểm soát chi ngân sách nhà nước vào một đầu mối liệu có đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công?

Không phải là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP yêu cầu Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi (thời gian xử lý hồ sơ thanh toán), chúng tôi mới thực hiện thống nhất kiểm soát chi ngân sách vào một đầu mối, mà trước đó, Kho bạc Nhà nước đã thí điểm việc thống nhất đầu mối kiểm soát chi tại kho bạc ở 4 tỉnh (Phú Thọ, Huế, Điện Biên, Thái Nguyên). Sau thời gian thí điểm, từ tháng 10/2017 đã chính thức áp dụng trên toàn quốc.

.
.

Việc chỉ phải làm việc với một “cửa” duy nhất là bộ phận kiểm soát chi, thay vì làm việc với các bộ phận kiểm soát chi, đơn vị thụ hưởng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã góp phần giảm thời gian giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cũng như giảm thời gian thanh toán chi thường xuyên.

Cụ thể, giảm như thế nào, thưa ông?

Trước đây, thời gian kiểm soát chi tại kho bạc đối với các khoản chi thường xuyên là 3 ngày, chi đầu tư là 7 ngày làm việc. Sau khi thống nhất đầu mối kiểm soát chi, cộng với việc rút ngắn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm soát chi và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thời gian kiểm soát chi các khoản chi thường xuyên như lương, phụ cấp, học bổng… chỉ còn 1 ngày; các khoản chi thường xuyên khác còn 3 ngày. Thời gian kiểm soát chi đầu tư tối đa chỉ còn 3 ngày làm việc, tức là vượt yêu cầu của Nghị quyết 70/NQ-CP (thời gian thanh toán cho các dự án đầu tư trong thời hạn 4 ngày làm việc).

Một phần nhờ rút ngắn thời gian thanh toán vốn đầu tư, nên tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước gần đây đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các công trình, dự án đạt 252.800 tỷ đồng, bằng gần 83% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, thời gian thanh toán cho dự án, công trình đầu tư 3 ngày làm việc là thời gian kiểm soát chi trong nội bộ Kho bạc Nhà nước, còn dự án có thanh toán nhanh hay không phụ thuộc chủ yếu vào chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị thi công công trình, dự án có đầy đủ thủ tục hồ sơ thanh toán hợp lệ hay không.

Trong tương lai, thời gian kiểm soát chi ngân sách nói chung, giải ngân vốn đầu tư nói riêng có tiếp tục được rút ngắn nữa không?

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, từ nay đến năm 2020, Kho bạc Nhà nước phải xử lý nhiều khoản chi ngân sách nhà nước trong một ngày làm việc. Để thực hiện được yêu cầu kiểm soát chi ngân sách trong một ngày làm việc, trong nội bộ, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) trong kiểm soát chi; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ trong thanh toán ngân sách nhà nước.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc chậm trễ trong thanh toán chi thường xuyên hay giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chủ yếu do bên sử dụng, thụ hưởng ngân sách nhà nước. Muốn giảm thời gian giải ngân, thanh toán thì đơn vị sử dụng, thụ hưởng ngân sách phải ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối với kho bạc để gửi hồ sơ thanh toán qua cổng thông tin điện tử, thay vì gửi hồ sơ giấy. Ngoài ra, các đơn vị sử dụng, thụ hưởng ngân sách phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, định mức, quy định đối với từng khoản chi, nếu không, kho bạc sẽ từ chối thanh toán, đơn vị sử dụng, thụ hưởng ngân sách sẽ phải làm lại hồ sơ từ đầu.

Làm sao có thể rút ngắn được thời gian thanh toán tiền ngân sách khi đơn vị sử dụng, thụ hưởng ngân sách nhà nước phải gửi cho kho bạc quá nhiều loại giấy tờ khác nhau, thưa ông?

Kho bạc Nhà nước không tự ban hành thêm bất cứ loại hóa đơn, chứng từ, hồ sơ, giấy tờ nào, mà thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy định do Chính phủ, các bộ, ngành ban hành trên nguyên tắc phải quản lý chặt chẽ tiền ngân sách nhà nước, vì đây là tiền thuế của dân, tiền đi vay để đầu tư. Tuy nhiên, để bảo đảm quản lý chặt chẽ ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện giải ngân nhanh vốn đầu tư, tiền chi thường xuyên, Kho bạc Nhà nước đã đề xuất với Bộ Tài chính và các bộ, ngành việc giảm bớt hồ sơ, giấy tờ gửi tới kho bạc và tăng cường trách nhiệm đối với đơn vị thụ hưởng ngân sách, chi tiêu tiền ngân sách.

Chẳng hạn, trường hợp mua sắm chi thường xuyên hoặc gói thầu mua sắm chi thường xuyên có giá trị dưới 20 triệu đồng, đơn vị thụ hưởng ngân sách chỉ cần lập và gửi Kho bạc Nhà nước bảng kê chứng từ thanh toán nhiều khoản chi khác nhau, trong đó ghi rõ số hóa đơn, số chứng từ, số tiền, nội dung chi, mà không cần phải gửi hợp đồng, hóa đơn, chứng từ liên quan đến khoản mua sắm cho kho bạc. Kho bạc Nhà nước thực hiện chi theo đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách và thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách phải chịu trách nhiệm về quyết định chi và tính chính xác của các nội dung chi trên bảng kê chứng từ gửi kho bạc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư