Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Thu hút vốn đầu tư của Samsung có đáng hay không?
GS-TSKH Nguyễn Mại - 10/01/2014 15:12
 
Các nhà máy của Samsung đã tạo ra 38 nghìn việc làm và trong hai năm tới, sẽ là khoảng năm, sáu vạn việc làm, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, trong đó có mấy nghìn kỹ sư, nhà quản trị cấp cao. Năm 2014, khi Samsung đã hết thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ nộp cho ngân sách tỉnh Bắc Ninh khoảng 1000 tỷ đồng. Samsung không ngừng đổ vốn, Việt Nam được gì?

Nước ta đang đối mặt với bài toán kinh tế khó và không thuận chiều, một mặt phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; mặt khác phải khắc phục trạng thái suy giảm để phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu dài hạn. Lời giải đúng là sự kết hợp giữa giải pháp tình thế với giải pháp chiến lược để trong khi giải quyết có kết quả những vấn đề thời sự thì đồng thời tạo tiền phát triển bền vững trong tương lai.

Thu hút vốn đầu tư của Samsung

Thực hiện thành công Nghị quyết số 103 NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ “ Về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngời trong thời gian tới” sẽ góp phần vào lời giải đúng.

Đánh giá khách quan tác động của FDI

Sau khi dư luận xã hội rộ lên về việc một số doanh nghiệp FDI trốn thuế bằng cách “ chuyển giá” lắng xuống, thì gần đây trên một số báo giấy và báo mạng lại tỏ ra bức xúc về thực trạng các doanh nghiệp nước ngoài đang thao túng thị trường thức ăn và chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm chủ thị trường bán buôn và bán lẻ.

Khi Samsung đang triển khai những dự án đầu tư hơn 4,5 tỷ USD tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, xuất khẩu 12,5 tỷ USD năm 2012 thì có chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: lợi ích mà nước ta thu được từ Samsung có thỏa đáng không khi mà giá trị gia tăng chỉ khoảng 10%, thu ngân sách chỉ mấy trăm tỷ đồng/năm(!).

Cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề mà con người phải đối mặt và giải quyết. Dư luận xã hội đối với FDI là chuyện thường tình của một đất nước mở cửa để hội nhập với thế giới, do đó cần có sự trao đổi cởi mở để tìm được cách tiếp cận đúng cho mỗi vấn đề mà xã hội quan tâm.

Thử hỏi, nếu không có Tập đoàn CP Thái lan đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn gia súc đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai năm 1993, hiện đã khép kín quy trình sản xuất và cung ứng gia cầm thì ngành chăn nuôi nước ta có đạt được trình độ như ngày nay không (?).

Big C, Metro… không chỉ góp phần thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của một số tầng lớp cư dân, mà đã du nhập vào nước ta phương thức mới về bán buôn và bán lẻ khá hiện đại, có tác động lan tỏa đối với doanh nghiệp Việt Nam khi hàng nghìn siêu thị mini được hình thành ở khắp các miền của đất nước.

Để khắc phục thực trạng “thua ngay trên sân nhà” thì giải pháp cơ bản là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đầu tư đổi mới công nghệ và phương thức kinh doanh, thiết lập quan hệ hợp tác chiều dọc để tiêu thụ sản phẩm, coi trọng chất lượng, kiểu dáng và giá cả hàng hóa như cách mà nước ta đã làm khi thực hiện khá thành công chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Có đáng thu hút vốn đầu tư của Samsung để Việt Nam trở thành một trung tâm lớn của thế giới về sản xuất và xuất khẩu điện thoại di động không (?).Các nhà máy của Samsung đã tạo ra 38 nghìn và trong hai năm tới khoảng năm, sáu vạn việc làm với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, trong đó có mấy nghìn kỹ sư, nhà quản trị cấp cao. Năm nay khi Samsung đã hết thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ nộp cho ngân sách tỉnh Bắc Ninh khoảng 1000 tỷ đồng ( khoảng 10 tỷ đồng/ha diện tích đất sử dụng), ngoài ra còn khoản nộp ngân sách của các doanh nghiệp phụ trợ của hãng này.

Vấn đề cấp thiết là Chính phủ và chính quyền các địa phương cần có chính sách khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực và đáp ứng yêu cầu làm vệ tinh sản xuất linh kiện, phụ kiện cho Samsung, tranh thủ cơ hội để vừa hình thành ngành công nghiệp phụ trợ, vừa giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, vươn lên làm chủ công nghệ hiện đại.

Đầu tư bao gồm đầu tư nước ngoài là hoạt động dài hạn, do đó để đánh giá đúng hiệu quả kinh tế- xã hội của FDI cần có quan điểm chiến lược gắn với mục tiêu kinh tế- xã hội của từng giai đoạn 5 năm và 10 năm.

Báo cáo của Tổng cục thống kê cho biết, từ đầu năm đến 20/10/2013 vốn FDI đăng ký là 19,2 tỷ USD tăng 65,5% và vốn FDI thực hiện là 9,6 tỷ USD tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012.Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng đầu năm đạt 108 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 35,9 tỷ USD, tăng 3,0%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 72,1 tỷ USD, tăng 22.3%, chiếm 66,5% kim ngạch xuất khẩu.

Mức tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đóng góp 13,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong khi con số tương ứng của khu vực kinh tế trong nước là 0,8 điểm phần trăm. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 10 tháng đầu năm đạt 108,2 tỷ USD, tăng 15.2% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó của khu vực kinh tế trong nước đạt 46,2 tỷ USD, tăng 3,5%; khu vực FDI đạt 62,0 tỷ USD, tăng 25,7%. Nhập siêu trong 10 tháng là 200 triệu USD, bằng 0,2% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với dự kiến, trong đó khu vực trong nước nhập siêu 10,3 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu 10,1 tỷ USD.

Đó là những con số khá ấn tượng để khẳng định tác động to lớn của khu vực FDI đối với kinh tế Việt Nam trong điều kiện kinh tế thế giới và FDI toàn cầu chưa phục hồi như dự báo đầu năm.

Cần có định hướng mới về FDI

Vào dịp kỷ niệm 20 năm hoạt động FDI (1987- 2007), Bộ KH&ĐT đã tổ chức Hội thảo quốc tế và đề ra định hướng mới về FDI trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện chủ trương của Đảng được thể hiện tại Nghị quyết đại hội X của Đảng (2006): “ Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phấn đấu đạt trên 1/3 tổng vốn đầu tư xã hội trong 5 năm. Mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút FDI, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài”

Năm 2006 Chính phủ phân cấp cho chính quyền tỉnh, thành phố, ban quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao cấp phép dự án FDI (trừ một vài ngành và lĩnh vực như dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm) đã làm cho cuộc đua để thu hút FDI giữa các địa phương trở nên sôi động, tính năng động sáng tạo của chính quyền tỉnh, thành phố được phát huy, đồng thời cũng đã nảy sinh nhiều bất cập trọng việc lựa chọn nhà đầu tư và dự án FDI.

Vì vậy trong giai đoạn 2006- 2012 nước ta chỉ đạt được mục tiêu về số lượng FDI, thu hút trên 150 tỷ USD vốn đăng ký và 65 tỷ USD vốn thực hiện, nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt về chất lượng và hiệu quả kinh tế- xã hội.

Do vậy, trên cơ sở kinh nghiệm 25 năm hoạt động FDI (1987- 2012), bối cảnh kinh tế thế giới và đầu tư quốc tế, chủ trương tại cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, Chính phủ đã đề ra định hướng mới coi trọng hơn cơ cấu, chất lượng và hiệu quả kinh tế- xã hội của FDI, ưu tiên các dự án có công nghệ và dịch vụ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, ít phát thải khí các bon và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, có công nghệ thân thiện với môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần xây dựng “kinh tế xanh” và phát triển bền vững, tập trung thu hút FDI vào ngành, lĩnh vực ưu tiên về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, phân loại các khu kinh tế, khu công nghiệp để xử lý trên nguyên tắc hiệu quả kinh tế- xã hội, khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, đầu tư theo phong trào.

Các địa phương cần quan tâm đến định hướng thu hút FDI đối với tỉnh và thành phố để thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội địa phương, vùng lãnh thổ và ngành kinh tế kỷ thuật, thiết lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để hướng các doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị giá trị toàn cầu.

Về thị trường và đối tác vừa coi trọng các doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thu hút nhiều hơn các TNCs hàng đầu thế giới từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... bằng cách tiếp cận chính sách đối ngoại của từng nước và chiến lược toàn cầu về thương mại và đầu tư của từng tập đoàn kinh tế lớn; thực hiện phương thức kết hợp công-tư (PPP) đối với dự án cơ sở hạ tầng kỷ thuật, áp dụng hình thức đầu tư mới (greenfield), sáp nhập và mua lại (M&A) và NEM ( Non equity modes ) một dạng trung gian giữa FDI và thương mại.

Sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi đối với các dự án FDI theo nguyên tắc không chỉ ưu đãi theo ngành, lĩnh vực mà gắn với vùng, lãnh thổ. Ví dụ hiện nay các dự án sử dụng nhiều lao động có tỷ lệ xuất khẩu cao thuộc ngành may mặc, giày da, túi xách...được hưởng ưu đãi lớn, thì sắp đến còn phụ thuộc vào địa điểm đầu tư theo hướng hạn chế các dự án đó ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... và khuyến khích đầu tư vào các địa phương mà kinh tế còn kém phát triển. Chính sách ưu đãi đặc biệt được áp dụng đối với dự án FDI lớn của các tập đoàn công nghệ cao, tạo ra tiềm lực và sức lan tỏa lớn trong từng sản phẩm, từng ngành kinh tế.

Để định hướng FDI mới trở thành hiện thực

Cuộc cạnh tranh thu hút FDI trở nên gay gắt khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục, tuy vậy nạn thất nghiệp cao là vấn đề thời sự đối với các nước công nghiệp phát triển- nơi cung cấp hơn 50% vốn FDI toàn cầu, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng trở lại làm cho nguồn cung FDI toàn cầu chưa thể tăng nhiều.

Trong khi nhiều nước ASEAN đã cải thiện môi trường đầu tư tạo nên lực hấp dẫn đối với FDI thế giới, thì một số yếu tố của môi trường đầu tư ở nước ta nhất là hệ thống luật pháp và thủ tục hành chính vẩn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư lớn. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới- WB về môi trường kinh doanh toàn cầu được công bố ngày 29/10/2013 thì Việt Nam đứng thứ 99 trên 189 nền kinh tế. WB nhận định, thứ hạng của Việt Nam không thay đổi mặc dù từ năm 2005 đến nay đã thực hiện 21 cải cách, nhiều nhất trong khu vực Đông Á- Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Chủ tịch toàn cầu Tập đoàn tư vấn và kiểm toán Deloitte, Steve Almond nhận xét rằng, so với các nước trong khu vực thì Việt Nam chậm hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh, như Cămpuchia tăng 23 bậc, Indonexia, Philippines những nước đông dân hơn Việt Nam tăng 19 bậc trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu.

Kết quả được công bố tháng 3/2013 của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam- VCCI về cuộc khảo sát 8053 doanh nghiệp dân doanh và 1540 doanh nghiệp FDI cho thấy rằng, cảm nhận của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI khá tương đồng, những thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, thuế, đất đai, môi trường, xây dựng, hải quan…là những “nút thắt” cần được tháo gỡ đến cải thiện môi trường đầu tư. ( xem Báo cáo thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư của VCCI tháng 7/2013 ).

Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là các bộ, ngành, chính quyền tỉnh, thành phố phải tự nhận biết những điển yếu của công chức và bộ máy hành chính đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, nhất là thủ tục hành chính, hướng dẫn, hổ trợ doanh nghiệp FDI triển khai dự án và khắc phục khó khăn trong kinh doanh để xử lý nhanh và có kết quả những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI kiến nghị.

Quan tâm đến đánh giá môi trường đầu tư của các tổ chức quốc tế, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ý kiến của các hiệp hội ngành nghề nước ngoài và trong nước tại các cuộc đối thoại là cần thiết, nhưng chừng nào mà lãnh đạo bộ và UBND tỉnh, thành phố chưa coi trọng việc tự đánh giá năng lực của bộ máy và công chức thì chỉ bị động đối phó với dư luận, không thể đề ra được giải pháp cơ bản để cải thiện môi trường đầu tư của đất nước và từng địa phương.

Vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố con số hơn 500 doanh nghiệp FDI ngừng hoạt động với số vốn gần 1 tỷ USD, trong đó có nhiều chủ doanh nghiệp đã bỏ về nước. Đành rằng trong kinh tế thị trường khó mà đạt được kết quả 100% dự án FDI thành công, vẩn có một tỷ lệ thất bại, nhưng việc chậm trể trong việc xử lý tình trạng đó là khiếm khuyết trong quản lý nhà nước.

Các nhà đầu tư nước ngoài đến nước ta bắt đầu từ cuộc gặp lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố để trình bày ý tưởng dự án, sau đó gặp các Sở, ngành; cũng có trường hợp tiếp cận từ cơ quan đầu tư rồi mới đến lãnh đao tỉnh, thành phố. Trong nhiều trường hợp việc chấp nhận ý tưởng dự án khá nhanh và dễ dàng tùy thuộc vào sự thuyết phục của nhà đầu tư, đôi khi người đối thoại phía Việt Nam không quan tâm đến quy hoạch phát triển ngành, địa phương, vùng lãnh thổ; cũng chưa biết năng lực của nhà đầu tư có đáp ứng được quy mô của dự án không (!).

Kinh nghiệm thực tế chỉ ra rằng, lựa chọn đúng nhà đầu tư và dự án là nhân tố quyết định bảo đảm thành công; do vậy cần thận trọng hơn trong các buổi tiếp xúc và không nên đưa ra cam kết khi chưa biết rõ ý đồ và tiềm lực của nhà đầu tư. UBND tỉnh, thành phố cần giao cho tổ chức xúc tiến đầu tư của tỉnh trách nhiệm thu thập thông tin về năng lực của nhà đầu tư nhất là về vốn, doanh số, thực lãi, trong nhiều trường hợp có thể tra cứu trên mạng interrnet địa chỉ ghi trên website của họ.

Đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối vớí FDI. Bộ KH&ĐT đang trong tiến trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, sẽ liên quan đến một số quy định tại các luật khác, do đó cần có nhận thức và quan điểm thống nhất giữa các bộ, ngành trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài: “chính sách và luật pháp mới phải tạo thuận lợi hơn và có lợi hơn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp”.

Đổi mới cơ bản phương thức xúc tiến đầu tư, quan trọng nhất là quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương, thông qua mạng internet cung cấp thông tin mà nhà đầu tư cần để lựa chọn dự án, quyết định địa điểm đầu tư.

Tiếp tục cải tiến công tác thẩm định dự án FDI theo hướng giảm thiểu thủ tục, hồ sơ, chỉ giữ lại nội dung cần thiết để tính toán hiệu quả kinh tế- xã hội, bảo đảm lợi ích của quốc gia, của từng địa phương, giảm thiểu thời gian thẩm định, cấp phép để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đưa dự án vào kinh doanh.

Để thu hút TNCs vào các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn cần cam kết rõ ràng về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Coi trọng hơn việc hổ trợ nhà đầu tư, phân loại các dự án FDI để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện dự án và trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đổi mới công tác thông tin hoạt động FDI để đảm bảo tính hệ thống, nhất quán, dễ tổng hợp, phân tích và được cập nhật. Coi trọng việc đúc rút kinh nghiệm, áp dụng rộng rãi mô hình và phương thức quản lý nhà nước có hiệu năng đã được thực tiễn kiếm chứng.

Những động thái của 8 tháng đầu năm 2013 đối với hoạt động FDI của nước ta cho thấy đã xuất hiện cơ hội mới để không chỉ thu hút nhiều hơn, mà còn cải thiện rõ rệt chất lượng vốn đầu tư quốc tế nhằm đạt được hiệu quả kinh tế- xã hội cao hơn.

Khi đã có định hướng mới về FDI thì cần có nhận thức đúng về tác động của FDI, thống nhất hành động từ trung ương đến địa phương, đổi mới đồng bộ và nhanh hơn công tác quản lý nhà nước đối với FDI để khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư