Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thu hút đầu tư nước ngoài: Bước ngoặt 35 năm và cơ hội lịch sử - Bài 4: Cưỡi trên con sóng lớn
Nguyên Đức - 28/12/2023 08:00
 
Việt Nam đang trong thời khắc quan trọng của quá trình phát triển. Nếu có thể “cưỡi trên sóng lớn”, thu hút được nguồn lực đầu tư trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, hydrogen, phát triển xanh…, thì sẽ có cơ hội để tăng trưởng đột phá và hướng đến thịnh vượng.

Sau 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang có cơ hội lịch sử để đón dòng vốn chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp 4.0, qua đó góp phần quan trọng “nâng chất” nền kinh tế và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của dân tộc.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển là điều mà Việt Nam mong đợi từ lâu. Trong ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung đặt tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội)

Bài 4: Cưỡi trên con sóng lớn

Việt Nam đang trong thời khắc quan trọng của quá trình phát triển. Nếu có thể “cưỡi trên sóng lớn”, thu hút được nguồn lực đầu tư trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, hydrogen, phát triển xanh…, thì sẽ có cơ hội để tăng trưởng đột phá và hướng đến thịnh vượng.

Đón đợt “bùng nổ” thứ tư

Ít ngày trước, Samsung Việt Nam kỷ niệm 1 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), đặt tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Ngày 23/12 năm ngoái, đúng vào thời điểm đánh dấu 35 năm Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành (tháng 12/1987), Samsung chính thức khánh thành trung tâm R&D mới, với quy mô 220 triệu USD.

Sự kiện này, có thể nói, đã mang tới một “món quà” đặc biệt cho Việt Nam, bởi thu hút đầu tư vào lĩnh vực R&D là điều mà Việt Nam mong đợi từ lâu. Quan trọng hơn, ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử cho biết, Samsung sẽ biến nơi đây không chỉ trở thành trung tâm R&D hàng đầu Đông Nam Á, mà còn là trung tâm R&D số 1 toàn cầu. Việt Nam cũng sẽ không chỉ là “cứ điểm” sản xuất, mà còn là “cứ điểm” R&D của Samsung trên toàn cầu.

Trước sự kiện này không lâu, Tập đoàn LEGO cũng đã chính thức khởi công nhà máy hơn 1,3 tỷ USD ở Bình Dương. Điều đáng nói, đây chính là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO trên toàn cầu.

Cả hai sự kiện trên đều có ý nghĩa rất lớn. Một đánh dấu bước ngoặt quan trọng về xu hướng đầu tư xanh vào Việt Nam. Đây chính là dòng đầu tư thế hệ mới mà Việt Nam hướng tới. Thậm chí, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đó là xu thế không thể đảo ngược, bởi sau các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), COP27 và mới đây là COP28, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đã đến lúc phải coi trọng và thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong các hoạt động của mình.

Và một đánh dấu sự chuyển biến rất lớn về “chất” của dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việc Samsung mở riêng một trung tâm R&D quy mô lớn ở Việt Nam, cộng hưởng với sự xuất hiện của các tập đoàn công nghệ lớn, như Samsung, Intel, LG, Panasonic, Bosch…, rồi gần đây là Foxconn, Luxshare, Winston, Goertek…, đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam “bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”.

Khi các bước ngoặt này được đánh dấu, thì cũng là lúc, làn sóng đầu tư thứ tư vào Việt Nam bắt đầu. “Việt Nam có thể đón đợt bùng nổ đầu tư nước ngoài lần thứ tư”, tờ Nikkei nhận định. Tờ báo này cho rằng, chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, tạo cơ hội hình thành làn sóng đầu tư nước ngoài thứ tư.

Trong quá khứ, Việt Nam đã 3 lần đón làn sóng đầu tư nước ngoài.

Làn sóng đầu tiên được bắt đầu từ năm 1991, sau khi Diễn đàn Đầu tư Việt Nam được tổ chức.

Làn sóng thứ hai bắt đầu vào năm 2005, khi đầu tư nước ngoài bùng nổ trở lại sau những tác động của khủng hoảng tài chính khu vực năm 1998.

Làn sóng thứ ba trong những năm 2017-2018, khi hàng loạt tập đoàn lớn, dự án lớn đầu tư vào Việt Nam.

Và bây giờ, có thể là làn sóng thứ tư, với hàng loạt dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn… đang dồn dập đổ tới.

Cưỡi trên con sóng lớn

Tới Việt Nam, tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, CEO Tập đoàn Nvidia (Mỹ) đã chia sẻ rất nhiều về AI, về công nghiệp bán dẫn. “Đó là một làn sóng lớn và nhanh”, ông Jensen Huang nói và nhấn mạnh: “Việt Nam đang đứng trước thời khắc quan trọng của quá trình phát triển. Nếu có thể cưỡi trên con sóng lớn này, Việt Nam sẽ tăng trưởng, thịnh vượng, cơ hội rộng mở”.

Việt Nam, có lẽ, cũng đã và đang sẵn sàng để cưỡi trên con sóng lớn. “Việt Nam không phải chỉ ứng phó, đối phó một cách bị động, làm theo, đi theo, mà chúng ta đang chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, nắm bắt những điều kiện, thời cơ mới để quyết định tương lai của mình. Đó là điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Để tăng trưởng đột phá và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó, một trong những đột phá mang tính chiến lược được nhấn mạnh là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đây cũng chính là “chìa khóa” để Việt Nam nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Hiện Việt Nam muốn chuyển hướng từ các ngành thâm dụng lao động truyền thống như dệt may, lắp ráp điện tử sang ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Sự hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ, đặc biệt là các công ty chiếm vị thế trong lĩnh vực bán dẫn, AI, sẽ rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu công nghiệp đất nước”, tờ Nikkei viết.

Để tăng tốc phát triển và thúc đẩy hợp tác nước ngoài, từ 5 năm trước, Việt Nam đã bắt đầu lên kế hoạch xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Cuối tháng 10/2023, NIC đã chính thức được khánh thành, với mục tiêu trở thành một cú hích quan trọng để kinh tế Việt Nam phát triển bứt phá.

“Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

5 năm trước, khi đề xuất ý tưởng xây dựng NIC, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn nhắc đến một thời cơ “ngàn năm có một” mà Việt Nam không thể bỏ lỡ, đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. NIC là “công cụ”, là “chìa khóa”, là một cú hích quan trọng và là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tận dụng thời cơ đó, phát triển nhảy vọt và trở thành một nền kinh tế ngàn tỷ USD.

Thời điểm ấy, đóng vai trò tư vấn cho Việt Nam trong xây dựng và phát triển NIC, Tập đoàn BCG (Boston Consulting Group) thẳng thắn chỉ ra rằng, đây chính là thời điểm quan trọng để quyết định Việt Nam “tiến lên phía trước” hay “thụt lùi về phía sau”. Bởi khi đó, đã có rất nhiều quốc gia sử dụng các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy áp dụng những chiến lược kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, như Hàn Quốc, Singapore…

“Đây chính là một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam nhảy vọt, trở thành một nền kinh tế ngàn tỷ USD. Việt Nam có cơ sở để trở thành một nền kinh tế như vậy”, ông Chris Malone, Tổng giám đốc BCG nhấn mạnh.

Việt Nam chọn con đường “tiến lên phía trước”, nên đã rất nỗ lực xây dựng NIC. Hôm khánh thành NIC, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rằng, đây chính là cách để Việt Nam nâng cao vị thế và vai trò của mình trong bản đồ đổi mới sáng tạo khu vực và trên thế giới. NIC cũng chính là “hạt nhân” thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực AI, bán dẫn, cả hydro xanh, các lĩnh vực công nghệ cao nói chung… và là điểm khởi đầu để Việt Nam “cưỡi trên con sóng lớn”.

Cơ hội để cất cánh

Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Nhưng hôm Quốc hội Khóa XV họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 30 chỉ tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2025, sơ bộ sau gần 2 năm thực hiện, chỉ có 10 chỉ tiêu có thể đạt được; 13 chỉ tiêu khó có khả năng hoàn thành, cần nỗ lực rất lớn.

Trong số này, một số chỉ tiêu cần được chú trọng theo dõi, giám sát, việc thực hiện đang gặp nhiều thách thức. Chẳng hạn, chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2021-2022 ước lần lượt đạt 4,58% và 4,75%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động trung bình giai đoạn 2016-2020 (6,05%) và thấp hơn mục tiêu đặt ra (mục tiêu đặt ra là 6,5%).

Hơn thế nữa, cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Tốc độ tăng năng suất, chất lượng còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng, khả năng chống chịu của nền kinh tế còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động năm 2021, 2022 lần lượt là 4,58% và 4,75% và năm 2023 ước tăng khoảng 4%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 5,5%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến - chế tạo trong GDP tăng chậm, năm 2021 là 24,6%, năm 2022 là 24,8%.

“Nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, dễ bị tổn thương và khó phục hồi trước những biến động của kinh tế thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói trong sự đồng tình của đông đảo đại biểu Quốc hội.

Rõ ràng, dù rất nhiều nỗ lực, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất. 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, vẫn còn những điểm yếu cố hữu.

“Không chỉ là công nghệ của nhiều dự án chỉ ở mức trung bình, mà quan trọng hơn, đó là tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho R&D còn hạn chế; mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi; sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thừa nhận.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, hầu hết trong 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện từ tháng 7/2018 đến hết năm 2022 là giữa công ty mẹ và công ty con, không có hợp đồng chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong nước. Và mặc dù có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam, nhưng chỉ có hai tập đoàn là Samsung và LG đầu tư trung tâm R&D quy mô lớn tại Hà Nội.

Thực tế này chỉ ra rằng, dù có rất nhiều cơ hội, nhưng Việt Nam không dễ “cưỡi trên con sóng lớn”, thu hút đầu tư trong lĩnh vực AI, bán dẫn… Cũng không dễ để nền kinh tế Việt Nam cất cánh.

Nhớ hôm thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói rằng, “không thể tay không bắt… chip”. Còn ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng luôn nói với giới báo chí rằng, đầu tư nước ngoài không phải là “chìa khóa vạn năng” để mở cánh cửa cho Việt Nam tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Thu hút đầu tư bên ngoài và nuôi dưỡng doanh nghiệp bên trong, thì nền kinh tế mới có thể “bay” lên.

Rõ ràng, còn rất nhiều việc phải làm, để Việt Nam có thể cất cánh. Chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hôm khánh thành NIC cũng nói: “Đây mới chỉ là kết quả bước đầu, hành trình đổi mới sáng tạo phía trước còn nhiều gian nan, thử thách và những yêu cầu mới đặt ra từ thực tiễn”.

Hành trình thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển nền kinh tế Việt Nam còn gian nan hơn thế.

Các làn sóng đầu tư vừa qua đã mang tới cho Việt Nam tổng cộng gần 469 tỷ USD, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, cập nhật đến hết ngày 20/12/2023.

Trong đó, vốn giải ngân đạt hơn 287 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Riêng năm 2023, vốn đăng ký đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn giải ngân đạt con số kỷ lục 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022.

(Còn tiếp)

Thu hút đầu tư nước ngoài: Bước ngoặt 35 năm và cơ hội lịch sử - Bài 3: Chuẩn bị một “cuộc chơi” chiến lược
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có sự chuyển biến lớn về “chất”. Đó là trái ngọt của một hành trình dài 35 năm nỗ lực, đặc biệt là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư