Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Gia tăng số dự án mới
Nguyên Đức - 30/03/2023 08:25
 
Số dự án đầu tư nước ngoài mới xuất hiện trong 3 tháng đầu năm tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Thương vụ SMBC mua 15% cổ phần VPBank được dự báo sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần.

Dự án nhỏ áp đảo

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, quý I/2023, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 3 tỷ USD; vốn tăng thêm đạt 1,2 tỷ USD; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 1,25 tỷ USD, lần lượt giảm 5,9%; giảm 70,3% và giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải sự sụt giảm này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, do quý I năm ngoái có dự án của LEGO, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD, còn quý I năm nay, không có dự án quy mô vốn lớn nào được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT).

Trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 3 tháng đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì được mức tăng mạnh như trong 2 tháng đầu năm, song số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm. Quý I/2023, có 522 dự án mới được cấp CNĐKĐT, tăng 62,1% so với cùng kỳ năm 2022.

“Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, các dự án quy mô đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, nhưng tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 3 tháng qua.

Liên quan vấn đề này, các đối tác đầu tư của Việt Nam đều chia sẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan tâm tới điểm đến đầu tư Việt Nam. Kết quả khảo sát gần đây của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới.

“Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN và xét theo khu vực, chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh. Các doanh nghiệp Nhật Bản dự tính mở rộng kinh doanh từ sự kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường và tăng xuất khẩu”, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại Hà Nội nói.

Cũng theo ông Nakajima Takeo, thời gian tới, xu hướng đầu tư từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản sẽ gia tăng. Tuy vốn đầu tư không lớn, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản, vẫn sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến, nắm giữ thị phần không nhỏ. Do vậy, Việt Nam vẫn nên quan tâm và có chính sách ưu đãi thỏa đáng để thu hút các doanh nghiệp này, nhằm cải thiện ngành công nghiệp trong nước.

Tập đoàn lớn cẩn trọng

Cùng với việc nhấn mạnh mối quan tâm, sự tin tưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhìn vào xu hướng thu hút đầu tư nước ngoài 3 tháng qua, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định rằng, có dấu hiệu các tập đoàn tên tuổi cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Điều này có thể là một thực tế. Bởi từ năm ngoái, dù khá nhiều tập đoàn lớn cam kết và đã đầu tư vào Việt Nam, song càng về cuối năm, xu hướng này càng chậm lại. Cùng với đó, không nhiều dự án quy mô lớn được cấp CNĐKĐT mới trong năm 2022, ngoài một số dự án tiêu biểu như Dự án Điện khí Quảng Ninh (vốn đầu tư gần 2 tỷ USD), dự án của LEGO (1,32 tỷ USD).

Tuy vậy, bù lại, năm ngoái, nhiều dự án quy mô lớn điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Trong đó, có các dự án của Samsung tại Thái Nguyên, TP.HCM, rồi các dự án của Goertek ở Nghệ An, Bắc Ninh…

Trong khi đó, quý I năm nay, không chỉ vốn đăng ký, mà cả vốn tăng thêm đều giảm. Lý do đều đến từ sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn. Cả vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng vậy. Nhiều khả năng, tình hình sẽ “nóng” lên sau thương vụ Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC, Nhật Bản) mua 15% cổ phần của VPBank, với tổng giá trị lên tới 1,5 tỷ USD.

Ngoài những vấn đề liên quan đến “hậu Covid-19”, biến động địa - chính trị, dẫn tới vốn đầu tư toàn cầu giảm, thì câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng tại một số nền kinh tế từ năm 2024 cũng đang khiến dòng đầu tư nước ngoài “lừng chừng”. Nhiều khả năng, các nhà đầu tư nước ngoài tạm thời chưa vội ra quyết định đầu tư, để chờ đợi phản ứng chính sách của các quốc gia.

Liên quan vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài… bày tỏ lo lắng rằng, nếu Việt Nam không sớm có đối sách, thì sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là các khoản đầu tư lớn, của các đối tác lớn, bởi thuế tối thiểu toàn cầu chỉ ảnh hưởng tới nhà đầu tư có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu Euro trở lên.

“Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên tới hàng trăm. Chính phủ Việt Nam cần giảm thiểu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu bằng cách thay đổi chính sách ưu đãi đầu tư, có thể bằng hình thức hỗ trợ tiền mặt, hoặc các hình thức bổ sung khác, để duy trì năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Hong Sun, Chủ tịch KorCham đã nói như vậy.

Trong khi đó, đại diện Foxconn cho biết, Foxconn đang muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà Foxconn quan tâm là Việt Nam sẽ thực thi chính sách “bất hồi tố” (trong trường hợp chính sách mới bất lợi hơn so với chính sách cũ, thì nhà đầu tư vẫn được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư như ban đầu - PV) thế nào, khi nhiều quốc gia sắp áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

“Chúng tôi muốn nhận được sự hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp tục đầu tư vào Việt Nam”, đại diện Foxconn nói.

Không chỉ là thuế tối thiểu toàn cầu, áp lực cạnh tranh thu hút đầu tư với các nước trong khu vực cũng đang ngày một lớn đối với Việt Nam. Nếu muốn thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… là những đòi hỏi hiện hữu.

Hiện một số dự án của Foxconn tại Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 10%, miễn 4 năm và giảm 9 năm tiếp theo. Theo đại diện Foxconn, khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể áp dụng thuế suất tối thiểu nội địa 15%, nhưng cùng với đó, cần có chính sách ưu đãi bổ sung cho nhà đầu tư.

“Thực tế, ưu đãi thuế chỉ là một vấn đề, điều có ảnh hưởng lớn tới việc ra quyết định đầu tư chính là thủ tục hành chính. Hiện nay, một số dự án của chúng tôi vẫn đang vướng các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy, rồi đánh giá tác động môi trường… Hai năm rồi vẫn chưa xong nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của chúng tôi”, đại diện Foxconn phản ánh.
Việt Nam vẫn phải “trông” vào FDI nội khối
Trong khi chưa thể sớm kỳ vọng sự bứt phá từ dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Mỹ hay châu Âu, Việt Nam vẫn phải trông vào FDI nội khối.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư