Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thu hút FDI thế hệ mới và quyền lựa chọn nhà đầu tư
Nguyên Đức - 15/07/2019 07:56
 
Việt Nam đang muốn nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài và để làm được điều đó, cần thực thi triệt để quyền lựa chọn nhà đầu tư của mình.
Nghe bài viết này tại đây :
.
.

E ngại vốn đầu tư “tầm trung”

Làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc để né căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng trở nên rõ nét hơn. Thậm chí, tờ Bloomberg cách đây ít ngày còn gọi đó là “làn sóng dịch chuyển chấn động”.

Spencer Fung, CEO của Tập đoàn Li&Fung, thậm chí còn nhắc tới một thực tế là “không ai đầu tư, không ai mua hàng” và “căng thẳng thương mại khiến người ta ngừng đầu tư bởi không biết nên đổ tiền vào đâu” ở Trung Quốc.

“Nhiều người đổ tiền vào Việt Nam chỉ vì một dòng Tweet”, vị CEO này nói, ám chỉ dòng Tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5 vừa qua (Nhiều công ty chịu thuế sẽ rời bỏ Trung Quốc tìm đến Việt Nam - PV).

Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Việt Nam là một trong các nền kinh tế sẽ được hưởng lợi lớn nhờ sự dịch chuyển của các nhà sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Kéo theo đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, dù có sự dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc, những công ty tốt nhất cũng không chọn Việt Nam, do Việt Nam chỉ nằm ở tầm trung trong chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới.

“Các doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật chuyển đến Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Nguồn vốn tại Việt Nam cũng tăng lên, nhưng là từ các công ty tầm trung với công nghệ tương ứng”, ông Thành nói.

Đây có thể là một thực tế. Số liệu thống kê về thu hút đầu tư của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 cho thấy, ngoài sự gia tăng đột biến của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam, với 2,285 tỷ USD, gồm cả vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, thì vốn đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu vào Việt Nam không lớn. Đây chính là những đối tác mà Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng trong làn sóng dịch chuyển đầu tư, cũng như trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, 6 tháng qua, các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam 1,95 tỷ USD, tụt xuống hàng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Còn các nhà đầu tư Mỹ chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam 233,48 triệu USD, xếp thứ 10.

Và nếu điểm danh các dự án đầu tư lớn vào Việt Nam trong 6 tháng qua, không khó để nhận ra sự thiếu vắng của các dự án quy mô lớn. Hơn nữa, nhìn vào danh mục các dự án như Dự án chế tạo lốp xe radian toàn thép ACTR (Trung Quốc, vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD); Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hongkong, 260 triệu USD), rồi Dự án Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam (Trung Quốc, 214,4 triệu USD); Dự án Vinhtex (Singapore, 200 triệu USD)…, cũng khó có thể kỳ vọng vào chuyện có công nghệ cao, công nghệ nguồn của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Thậm chí, VEPR còn bày tỏ lo ngại, các dự án đầu tư của Trung Quốc có thể tiềm ẩn rủi ro vì công nghệ cũ, tác động tiêu cực đến môi trường. Đây cũng là điều được các chuyên gia kinh tế nhắc tới lâu nay, sau khi dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc dịch chuyển vào Việt Nam ngày càng mạnh.

Thực thi quyền lựa chọn dự án

Trong một thế giới “tùy thuộc” lẫn nhau, thì nên tỉnh táo lựa chọn nhà đầu tư làm sao để có được lợi ích tối đa, chứ không phải dựa vào cảm tính, là điều đã được ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, khi được hỏi nên ứng xử thế nào với dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng đã nhiều lần khẳng định rằng, chẳng dại gì mà không tận dụng dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển từ Trung Quốc. Chỉ có điều, lựa chọn như thế nào mà thôi.

“Chúng ta vừa mở rộng cửa chào đón, nhưng cũng phải cảnh giác với tình trạng chuyển vào Việt Nam những dự án ảnh hưởng không tốt, đặc biệt là những dự án ảnh hưởng tới môi trường, khí hậu, không đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Câu trả lời này không chỉ đúng đối với riêng nhà đầu tư Trung Quốc, mà đúng với tất cả các nhà đầu tư khác, trong bối cảnh Việt Nam đang bắt đầu định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. “Chúng ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn dự án tốt và không chấp nhận những nhà đầu tư chỉ muốn lợi dụng chính sách, lợi thế của Việt Nam để trục lợi”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.

Vấn đề này có lẽ sẽ được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài, dự kiến sẽ sớm được ban hành.

Thông tin cho biết, một trong những định hướng chiến lược quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn tới đây, đó là sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia, các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp hiện đại, công nghiệp tương lai và dịch vụ tiên tiến để nâng cấp năng lực công nghệ quốc gia… Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu; chú trọng đón đầu xu hướng mới về đầu tư quốc tế trong cách mạng công nghiệp 4.0…

Bên cạnh đó, sẽ dần tiến tới cân bằng giữa thu hút đầu tư định hướng định xuất với thu hút đầu tư để đảm bảo nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước, đồng thời phát triển sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao bằng nguồn nguyên liệu trong nước…

Một định hướng quan trọng khác, đó là sẽ không khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước thực hiện được.

Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam, tính tới cuối năm 2018, cả nước có trên 714.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số này, số lượng các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm một phần không lớn (tính đến ngày 20/6, cả nước có 28.954 dự án còn hiệu lực). Cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn tư nhân lớn, đủ sức để đầu tư vào nhiều lĩnh vực mà trước nay, vẫn dành cả cho nhà đầu tư nước ngoài.

[Infographic] 6 tháng, các khu công nghiệp và khu kinh tế thu hút 8,7 tỷ USD vốn FDI
6 tháng năm 2019, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) của cả nước đã thu hút 674 dự án đầu tư, trong đó 340 dự án đầu tư trực tiếp nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư