Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Thu hút, giải ngân vốn ODA, FDI đều tăng mạnh
Thanh Hải - 28/08/2013 22:49
 
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ tháng 8 và 8 tháng đầu năm cho thấy, vốn FDI tăng ký trong 8 tháng đạt 12,63 tỷ USD tăng 19,5%, giải ngân ước đạt 7,56% tỷ USD (tăng 3,8%). Vốn ODA ký kết đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 29%, giải ngân đạt 2,74 tỷ USD (tăng 8,68%). >>> Những mảng sáng tối của nền kinh tế >>> Xuất khẩu: doanh nghiệp nội “mất điểm”
Vốn ODA và FDI tăng mạnh, đây là một trong những điểm nổi bật của
tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm (Ảnh minh họa)

Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 nhận định, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo cơ sở cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho năm 2013.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,83%, 8 tháng tăng 3,53%.

Lãi suất được điều hành theo hướng giảm dần, phù hợp với tình hình lạm phát. So với đầu năm, tình hình mặt bằng lãi suất huy động giảm 2-3,5% và lãi suất cho vay giảm 3-4%/năm.

Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 84,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,4 tỷ USD, tăng 14,9%, nhập siêu ở mức 576 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

"Vốn ODA và FDI tăng mạnh, đây là một trong những điểm nổi bật của tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 28/8.

Theo đó, vốn FDI tăng ký trong 8 tháng đạt 12,63 tỷ USD, tăng 19,5%, giải ngân ước đạt 7,56% tỷ USD (tăng 3,8%. Vốn ODA ký kết đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 29%, giải ngân đạt 2,74 tỷ USD (tăng 8,68%) so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 5,3% so với cùng kỳ, tồn kho tiếp tục xu hướng giảm dần.

Sản xuất nông - lâm - nghiệp, thủy sản vẫn ổn định mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, nhất là giá nông sản và sức mua giảm.

Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục xu hướng tăng, 8 tháng ước tăng 9,5% và có khoảng 10.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, ngày 27/8, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) vừa công bố kết quả khảo sát chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho thấy, 40% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá tiêu cực về dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cũng như 1/5 doanh nghiệp được khảo sát cho biết dự định chuyển kinh doanh sang các nước lân cận vì môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn về quan điểm đối với kết quả này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ xem xét cụ thể những nhận định của các doanh nghiệp châu Âu để tìm ra những khiếm khuyết để khắc phục, nhằm nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, đây cũng chỉ là nhận định của một phần doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, không thể đại diện cho tất cả các thành phần doanh nghiệp khác vì loại hình doanh nghiệp của mỗi nước, mỗi khu vực đều có những đặc thù khác nhau.

Hơn nữa, các nhận định của những tổ chức, doanh nghiệp khác trên thế giới về Việt Nam thời qua vẫn khá tốt, và con số thu hút vốn FDI tăng tới gần 20% là minh chứng cho nhận định khả quan của doanh nghiệp nước ngoài về sức cạnh tranh của Việt Nam.

Tuy nhiên, đúng là nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chuyển biến chậm. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu còn chậm.

Sản xuất kinh doanh còn khó khăn; thị trường và sức mua phục hồi chậm. Xuất khẩu nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thu ngân sách đạt thấp. Tái cơ cấu một số ngành kinh tế chuyển biến chậm...

"Vì vậy, trong những tháng cuối năm, trước bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và diễn biến phức tạp, Chính phủ kiên định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu, giải pháp được đề ra từ đầu năm, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh", Bộ trưởng Đam nói.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục các giải pháp hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Xuất khẩu: doanh nghiệp nội “mất điểm”
8 tháng đầu năm, khối DN trong nước vẫn nhập siêu rất lớn, lên tới 8,4 tỷ USD, trong khi tăng trưởng xuất khẩu chỉ 3,1% so với cùng kỳ. ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư