Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thu ngân sách 2021 tăng nhờ phát sinh một số khoản thu đột biến ngoài dự kiến
Khánh Linh - 23/05/2022 15:38
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ ký báo cáo Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện dự toán năm 2022.
,

Trong lịch trình, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022 ở tổ vào ngày thứ Tư tới

Các ngành xây dựng, sản xuất sắt thép, ô tô góp công lớn cho ngân sách

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, đặc biệt là trong khoảng giữa năm 2021 và ở các lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất ô tô, vận tải hàng không, kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống, lưu trú; trong năm đã thực hiện nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước để phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, có tác động làm giảm nguồn thu NSNN.

Từ cuối quý III năm 2021, việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng, kết hợp với thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, các hoạt động kinh tế đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng, qua đó tác động tích cực đến số thu NSNN.

Với bối cảnh và nỗ lực nêu trên, kết quả thực hiện thu NSNN năm 2021 đạt 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 225,1 nghìn tỷ đồng (+16,8%) so dự toán, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.

Bộ trưởng Bô Tài chính giải trình lý do là nhờ số thu NSNN đạt khá trong quý I và quý IV, thể hiện tính hiệu quả của việc điều chỉnh kịp thời chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng thúc đẩy phục hồi kinh tế đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Một số ngành, lĩnh vực (xây dựng, sản xuất sắt thép, ô tô,….) đã phát sinh lợi nhuận cao, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, ông nói.

Đồng thời, do dự toán thu năm 2021 được xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội vào thời điểm bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ 2, nên mức dự toán NSNN nói chung và từng địa phương có phần thận trọng.

Bên cạnh đó, trong thực hiện đã phát sinh một số khoản thu đột biến ngoài dự kiến khi xây dựng dự toán

Như thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng dự án khu đô thị Phước Hưng 2.373 tỷ đồng; thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của Tập đoàn Ecopark 1.290 tỷ đồng;

Thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu bán cho 2 nhà máy điện BOT (của Thành Phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) từ ngày 20/3/2019 và năm 2020 là 2.457 tỷ đồng; thu từ chuyển nhượng vốn của một số doanh nghiệp khoảng 5.300 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 1 lần cho cả đời dự án của Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Vạn Hương; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex, Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp....

Hết tháng 4 đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân 16,28 nghìn tỷ đồng tiền thuế

Theo Báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách 4 tháng ước đạt 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, tăng ở cả 3 khoản thu: thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Một số khoản thu lớn có tăng trưởng so cùng kỳ năm 2021 như: thuế thu nhập cá nhân tăng 22%, chủ yếu nhờ quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, nộp trong quý I năm 2022; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 12,9%; thu tiền cho thuê đất, mặt nước tăng 54,7%; thu tiền sử dụng đất tăng 26,9% so cùng kỳ năm 2021,...

Bộ trưởng Tài chính nhận định: Có 10/12 khoản thu nội địa đạt tiến độ khá (trên 34% dự toán), phản ánh sự chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và việc triển khai nhanh chóng, kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh...

Diễn biến số thu nội địa đã phản ánh sát tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng, đẩy giá dầu và giá một số nguyên liệu đầu vào tăng cao, sẽ tác động làm tăng chi phí đầu vào sản xuất – kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến thu NSNN những tháng tiếp theo.

Đồng thời, việc triển khai thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong 4 tháng đầu năm và những tháng tới.

Ước tính đến hết tháng 4, tổng số thuế miễn, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân theo quy định khoảng 16,28 nghìn tỷ đồng.

Báo cáo về các giải pháp điều hành Ngân sách Nhà nước năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nhấn mạnh sẽ triển khai thực hiện tốt 6 nhóm với 19 giải pháp đã trình Quốc hội.

Một số giải pháp được tập trung là điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - NSNN; khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh xây dựng Chính phủ số.

Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn lậu thuế, nhất là đối với các hình thức kinh doanh qua mạng, thương mại điện tử, quảng cáo trên mạng,...; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu NSNN so dự toán.

 Với các địa phương, giải pháp được nhấn mạnh là tổ chức điều hành chi NSĐP chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm, trong khả năng của NSĐP; chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ chi quan trọng, đột xuất phát sinh.

Chủ động phương án ứng phó với rủi ro và các yếu tố ảnh hưởng khác, đảm bảo cân đối NSTW và ngân sách các cấp địa phương.

Quản lý chặt chẽ bội chi NSNN; kiểm soát chặt chẽ nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ của chính quyền địa phương; đảm bảo mức vay nợ trong hạn mức được duyệt, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công trong phạm vi ngưỡng, trần theo quy định.

Đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; bảo đảm dự toán thu NSNN.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Tăng thu ngân sách không có nghĩa là phải tăng thuế
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước trên 10%, nhưng chưa năm nào thu đủ bù chi. Để giảm bội chi, tiến tới cân bằng thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư