Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Thu phí không đạt, BIDV xin giữ nguyên nhóm nợ đối với Dự án BOT cầu Việt Trì mới
Anh Minh - 26/11/2019 11:19
 
Nguy cơ phát sinh nợ xấu là hiển hiện đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đối với khoản vay hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện Dự án BOT cầu Việt Trì mới.
Tính đến cuối tháng 10/2019, dư nợ của BIDV tại Dự án BOT cầu Việt Trì mới đã lên tới 1.049 tỷ đồng có khả năng phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Tính đến cuối tháng 10/2019, dư nợ của BIDV tại Dự án BOT cầu Việt Trì mới đã lên tới 1.049 tỷ đồng và có khả năng phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

BIDV vừa phát văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới dành riêng cho giao thông đường bộ qua sông Lô, trên Quốc lộ 2 (Dự án BOT cầu Việt Trì mới).

Cụ thể, BIDV đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ đối với nhà đầu tư dự án đảm bảo nguồn thu hoàn vốn, cũng như khả năng trả nợ vay ngân hàng; hoặc bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ một phần đối với dự án nhằm đảm bảo lợi ích nhà đầu tư cũng như trả nợ vay ngân hàng; hoặc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến và báo cáo Thủ tướng cho phép các ngân hàng được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ đối với dự án BOT cầu Việt Trì mới và các dự án BOT khác đang gặp khó khăn do các yếu tố khách quan.

Lãnh đạo BIDV cũng nhờ Bộ Giao thông - Vận tải đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quyết toán giá trị công trình, làm cơ sở để các bên đàm phán điều chỉnh phương án tài chính, ký phụ lục hợp đồng BOT đối với dự án.

Tính đến cuối tháng 10/2019, dư nợ của BIDV tại Dự án đã lên tới 1.049 tỷ đồng. Do hàng loạt nguyên nhân khách quan dẫn tới lưu lượng xe bị sụt giảm khiến doanh thu thu phí tại Dự án chưa bao giờ đạt được phương án tài chính, thậm chí liên tục sụt giảm. Cụ thể, doanh thu/phương án tài chính năm 2016 tại Dự án là 90/138 tỷ đồng (65%); năm 2017 là 76,4/147 tỷ đồng (52%); năm 2018 là 67,5/157 (43%) và năm 2019 là 47,86/183 tỷ đồng (31%).

Với doanh thu thu phí, lưu lượng xe qua như trạm như hiện nay, Dự án không đảm bảo khả năng trả nợ gốc và lãi vay cho Ngân hàng, khả năng phát sinh nợ quá hạn hoặc BIDV phải cơ cấu dẫn đến phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

Bên cạnh đó, hiện việc hoàn thiện/phê duyệt quyết toán giá trị công trình diễn ra chậm gây khó khăn cho ngân hàng khi xác định giá trị tài sản, nhận tài sản thế chấp, định giá theo quy định.

BIDV cho rằng, đang thiếu cơ chế, biện pháp bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư BOT khi doanh thu thu phí không đảm bảo; lợi ích của nhà đầu tư theo phương án tài chính, hợp đồng BOT đã ký kết giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cầu Việt Trì mới bắc qua sông Lô, nằm trên Quốc lộ 2, cách cầu Việt Trì hiện tại 270m về phía thượng lưu, có tổng mức đầu tư  1.900,55 tỷ đồng do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh là nhà đầu tư. Dự  án được hoàn thành và được đưa vào thu phí vào tháng 12/2015 với thời gian hoàn vốn là 18 năm 6 tháng, sau điều chỉnh thành 26 năm 11 tháng.

Trước đó, vào tháng 10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VietinBank được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với Tổng công ty 36. Đây là khoản tín dụng trị giá 995 tỷ đồng mà VietinBank đã giải ngân cho Tổng công ty 36 để thực hiện Dự án BOT Quốc lộ 19 trong giai đoạn 2013 - 2015.

Tương tự Dự án BOT cầu Việt Trì mới, doanh thu thu phí tại Dự án BOT Quốc lộ 19 không đạt so với phương án tài chính (từ năm 2018 đến nay chỉ đạt 87%, trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 79%).

Do doanh thu không đủ trả nợ gốc và lãi ngân hàng, nên tính từ ngày 1/6/2016 - thời điểm Dự án thu phí hoàn vốn, cho đến ngày 30/9/2018, Công ty mẹ Tổng công ty 36 đã phải bù hơn 91 tỷ đồng tiền thiếu hụt cho doanh nghiệp dự án là Công ty BOT 36.71 để trả lãi ngân hàng. Nếu cộng cả khoản lỗ phát sinh trong năm 2015 - 2016 lên tới 44,6 tỷ đồng; gánh nặng tài chính mà Tổng công ty 36 đang phải gánh lên tới 135,6 tỷ đồng, tương đương 13% tổng mức đầu tư Dự án.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2019, đã có 24 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng cho 105 dự án BOT, BT giao thông, trong đó, 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng hạn mức cấp tín dụng là 175.296 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 103.573 tỷ đồng.

Trong số 93 dự án hoàn thành, có 30 dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 54.290 tỷ đồng, trong đó, VietinBank có 16 dự án với dư nợ 34.782 tỷ đồng; BIDV có 7 dự án với dư nợ 6.582 tỷ đồng; Vietcombank có 3 dự án với dư nợ 2.303 tỷ đồng...

Nguy cơ leo thang nợ xấu tín dụng BOT giao thông
Doanh thu thu phí thấp xa so với dự kiến và rất khó cải thiện trong ngắn hạn đang đẩy các khoản vay tín dụng quy mô lớn tại nhiều dự án BOT giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư