Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 03 tháng 08 năm 2024,
Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Các tỉnh Đông Nam Bộ cần đẩy mạnh kế hoạch liên kết vùng
Hoài Sương - 31/07/2024 14:00
 
Vùng Đông Nam Bộ đang đẩy mạnh liên kết trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu để giúp hàng hoá, dịch vụ mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Ngày 31/7, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ tại TP.HCM.

Đây là một trong chuỗi 6 Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu. 

Thứ trưởng Phan Thị Thắng đồng chủ trì Hội nghị xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ.

Vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế.

Về xuất nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. 

Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng có công nghiệp phát triển, là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực…

Theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, để tạo ra bước chuyển biến mới, vùng Đông Nam Bộ cần phải có hàng loạt các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ; liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm; liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.

Vì vậy, hội nghị tập trung bàn thảo về một số vấn đề quan trọng như: Liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu; tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp xuất khẩu; phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu…

“Tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Bình Dương năm 2023, một số vấn đề nổi bật đã được đặt ra. Hội nghị lần này sẽ nhìn nhận lại những điều đã đạt được hoặc chưa được, từ đó, bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong và ngoài vùng”, bà Phan Thị Thắng chia sẻ.

Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu gạo sang Singapore
Sáu tháng đầu năm, Việt Nam vẫn giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất sang Singapore, chiếm 32,69% thị phần với 3 nhóm gạo: Gạo tẻ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư