Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thủ tục vay vốn cần mang tinh thần “cứu nợ để thu hồi nợ”
Hồng Phúc - 03/07/2020 15:08
 
Thủ tục phải cởi mở, thời hạn vay vốn dài hơn là mong muốn chính đáng của doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, chính doanh nghiệp phải chứng minh được khả năng thu hồi vốn của phía cho vay.

Không nên "ai biết thì xin”

Tại hội nghị kết nối ngân hàng- doanh nghiệp do UBND TP.HCM phối hợp cùng ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều qua tại TP.HCM, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, doanh nghiệp hội viên mong muốn được hỗ trợ mặt bằng lãi suất vay thấp hơn từ các ngân hàng thương mại. 

Thực tế, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất cơ bản đã nối lại được nguồn nguyên liệu nhưng chưa xuất khẩu được do các nước chưa khống chế được dịch bệnh.

Đường hàng không chưa mở lại khiến doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, ăn uống, dịch vụ phục vụ khách nước ngoài vẫn phải đóng cửa. 

Mức độ thiệt hại của doanh nghiệp không giống nhau nhưng nhìn chung, hầu hết đều đang cần vay vốn lưu động, vay vốn trong trung hạn để đầu tư, chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên liệu, chuyển đổi số,…

“Thông tin về chính sách hỗ trợ, các gói vay của ngân hàng cần chủ động triển khai với thủ tục đơn giản với tinh thần cứu nợ để thu hồi nợ, không nên ai biết thì xin, không biết thì thôi”, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch HUBA nói và kiến nghị, các ngân hàng cần mở rộng đối tượng hỗ trợ, như trường hợp sản xuất kinh doanh ít bị thiệt hại thậm chí không bị thiệt hại vì mục tiêu phát triển khả năng khôi phục nền kinh tế.

Phía ngân hàng Nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chí, làm cơ sở pháp lý khoanh nợ, cơ cấu lại nợ.

Cùng với đó là công bố rộng rãi chính sách và điều kiện doanh nghiệp được hỗ trợ trên các phương tiện truyền thông đại chúng để các đối tượng được thủ hưởng tự xác định mình ở thành phần nào thay vì “ai biết thì xin, không biết thì thôi”.

"Không có chuyện ai biết thì xin"

Chia sẻ khó khăn cộng đồng doanh nghiệp nói chung đang gặp phải, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Thông tư 01/2020 đang được nghiên cứu sửa đổi phù hợp với tình hình “sức khỏe” thực tế doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, phía NHNN kiên định điều hành theo hướng kiểm soát lạm phát mà nhiều vốn vẫn được ra thị trường. 

“Đây là cách điều hành như đi trên dây, không được nghiêng quá về một bên. Một bài toán không đơn giản. Trong khi doanh nghiệp muốn vay lãi suất thấp, thậm chí bằng 0 hay kéo dài thời hạn vay, thủ tục cởi mở hơn đều là mong muốn chính đáng. Nhưng ngược lại phải chứng minh nền tảng để thực hiện điều này”, ông Tú chia sẻ và lý giải về quan điểm tiếp tục hỗ trợ tối đa khách hàng nhưng tuyệt đối không hạ chuẩn cấp tín dụng.  

.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước (Ảnh: HP).

Vị này lý giải, tổng gói hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân 600.000 tỷ đồng các ngân hàng đưa ra không phải nguồn vốn của Nhà nước mà đều phụ thuộc “tiền túi” của ngân hàng, đến từ khả năng huy động tiền gửi và mức giảm lãi suất vay do ngân hàng tự cân đối với lợi nhuận từ cắt giảm chi phí liên quan.

Do đó, doanh nghiệp muốn vay lãi suất 0% là không thể được bởi ngân hàng huy động tiền gửi với mức lãi suất từ 4-5%.

“Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sớm bao nhiêu cũng giúp chính ngân hàng sớm vượt qua khó khăn bấy nhiêu. Ngân hàng sợ mất vốn thì cũng khó cho vay nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng từ việc thấu hiểu doanh nghiệp và nhất quyết không có cơ chế xin cho”, ông Đào Minh Tú nói và khẳng định, không có chuyện “ai biết thì xin, không biết thì thôi” trong vay vốn như đại diện HUBA nói. Bởi, các ngân hàng đang “mỏi mắt” tìm khách hàng nên giữ thật chặt ngay khi thấy doanh nghiệp chất lượng.

Tính đến ngày 29/05, tín dụng tăng trưởng đạt 1,96% so với cuối năm 2019. Đây là tỷ lệ rất thấp so với mức tăng 5,74% của 5 tháng đầu năm 2019.

Nguyên nhân được cho là doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vì khó khăn trong sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, dù ngân hàng thương mại có thanh khoản dồi dào. 

“Tiền gửi vào rất nhiều nhưng cho vay ra khó. Dù vậy, các ngân hàng cần tăng cường vốn vay vào các lĩnh vực trọng tâm, có sức khôi phục nền kinh tế nhanh như du lịch, dịch vụ, vận tải, hàng không, xuất nhập khẩu, chế biến để ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Đào Minh Tú nói. 

Cũng chia sẻ tại hội nghị kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Thúy Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức đánh giá, hiện các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung từ đại dịch.

Nhưng từ nay đến cuối năm và năm sau sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vấn đề liên quan đến ngân hàng. Từ đó, việc sa thải người lao động là việc không thể tránh khỏi.

Địa bàn quận Thủ Đức hiện có 14.000 doanh nghiệp, hơn 21.000 hộ kinh doanh, 2 khu chế xuất, 1 khu công nghiệp, 14 chợ, 10 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và 116 cửa hàng tiện ích.

Quận Thủ Đức đã thông tin với NHNN chi nhánh TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM về 15 trường hợp cần vay vốn, duy trì sản xuất và tái cơ cấu (trong đó, 11 trường hợp đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng).

Đến nay, 7 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn quận đã hỗ trợ 190 doanh nghiệp, 116 hộ kinh doanh, cơ cấu thời gian trả nợ là 2 doanh nghiệp và 8 hộ kinh doanh, giảm lãi suất 186 doanh nghiệp, 108 hộ kinh doanh, vừa giảm lãi suất và cơ cấu nợ là 1 doanh nghiệp, giữ nguyên nhóm nợ là 1 doanh nghiệp.

Ngoài ra, có 20 doanh nghiệp trên địa bàn được ký kết hợp đồng tín dụng ưu đãi với các ngân hàng trên địa bàn với tổng giá trị là 768 tỷ đồng và đa số thuộc về chi nhánh Vietcombank Thủ Đức khi kết nối với 19 doanh nghiệp cùng tổng giá trị lên tới 760 tỷ đồng.

Chủ tịch HUBA: Gói "cấp cứu" doanh nghiệp không nên phân biệt điều kiện
“Vì dịch COVID-19 ảnh hưởng lên toàn xã hội và tác động tới tất cả các doanh nghiệp, khó có thể chứng minh được mức độ thiệt hại trực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư