Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Thủ tướng báo cáo tình hình kinh tế trước Quốc hội
Quang Hưng - 20/10/2014 10:33
 
() Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từng bước hồi phục thể hiện ở số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm 2014 cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kỳ họp của những quyết sách quan trọng
Không nóng vội, nhưng không được trì trệ
Thúc đẩy mạnh hơn tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, mặc dù có ảnh hưởng của tình hình bất ổn trên biển Đông và một số hành động gây rối, phá hoại tài sản của doanh nghiệp, nhưng tình hình chung của nền kinh tế, cũng như trong các ngành, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển khá ổn định.

GDP 9 tháng đầu năm 2014 ước tăng 5,62%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của hai năm trước (năm 2013: 5,14%, năm 2012: 5,1%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,42%; dịch vụ tăng 5,99%.

Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từng bước hồi phục thể hiện ở số sản xuất công nghiệp (IIP) cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số IIP 9 tháng đầu năm 2014 ước tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,4% (cùng kỳ giảm 0,2%); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 6,8%); sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 8,3%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6% (cùng kỳ tăng 9,5%).

  Thủ tướng báo cáo tình hình kinh tế trước Quốc hội  
  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sản xuất công nghiệp đã hồi phục, thể hiện ở chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)  9 tháng đầu năm 2014 cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2013 (Ảnh: Đức Thanh)  

9 tháng đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của công nghiệp chế biến, chế tạo: Chỉ số IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Quý I tăng 7,4%; Quý II tăng 8,6% và Quý III tăng 9,5%.

Chỉ số IIP một số sản phẩm chủ yếu trong 9 tháng đầu năm so cùng kỳ: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 35,9%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 5,1%; dệt tăng 18,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,9%; sản xuất kim loại tăng 9,3%; sản xuất thuốc lá giảm 12,3%,...

Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tại thời điểm 01/9/2014 tăng 11,6% so với cùng thời điểm năm trước (cùng kỳ tăng 9,3%). Một số ngành có chỉ số tồn kho cao: Sản xuất kim loại tăng 58,7%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 44,8%; Sản xuất giấy và sản phẩm tăng 41,9%; Sản xuất trang phục tăng 39,6%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học tăng 33%,...

Các sản phẩm như dệt may, giày dép, linh kiện điện tử và máy tính, điện thoại di động,... sản xuất tương đối thuận lợi do có thị trường xuất khẩu và ký được đơn hàng ổn định từ đầu năm; chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP (thuế suất hạ từ 13%-14% xuống còn 3%-4%) với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào thị trường EU áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 đã tạo điều kiện để tăng kim ngạch xuất khẩu giầy dép trong 09 tháng đầu năm và cả năm 2014.

Ngành công nghiệp đã đáp ứng cơ bản tư liệu sản xuất, sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cho nhu cầu trong nước như xi măng, thép xây dựng, phân lân, phân đạm, sản phẩm may mặc, da giày, đồ uống, điện gia dụng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được duy trì và mở rộng. Ngành điện đã bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm có sự ảnh hưởng nhất định do tình trạng gây rối ở một số doanh nghiệp khu vực FDI tại một số tỉnh phía Nam, tỉnh Hà Tĩnh khi Trung Quốc hạ đặt gian khoan Hải Dương 981 trái phép trên thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm cho sản xuất, xuất khẩu và đầu tư của một số doanh nghiệp bị chậm lại. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các cấp, các ngành nên tình hình đã nhanh chóng ổn định trở lại, các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường.

Một số dự án đầu tư lớn trong ngành công nghiệp còn chậm tiến độ (như dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; dự án lọc hóa dầu Long Sơn,..).  Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài, bền vững nên bị động trước những biến động của thị trường, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư