Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng giao các địa phương đầu tư các dự án của đường Vành đai 4 Tp.HCM
Anh Minh - 30/09/2021 08:08
 
UBND Tp.HCM và UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An sẽ trực tiếp làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của vành đai 4 Tp.HCM qua địa bàn.
Đường vành đai 4 TP.HCM giao cắt với quốc lộ 13 tại P.Thới Hòa, thị xã Bến Cát, Bình Dương - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Đường vành đai 4 TP.HCM giao cắt với quốc lộ 13 tại P.Thới Hòa, thị xã Bến Cát, Bình Dương - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Hôm qua (29/9), Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1263/TTg – CN gửi Bộ GTVT; UBND Tp.HCM; UBND các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu về việc giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường vành đai 4 Tp.HCM.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 Tp.HCM, cụ thể:

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km.

UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km.

UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km.

UBND Tp.HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km.

UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận Tp.HCM), chiều dài khoảng 71 km.

Thủ tướng giao UBND Tp. HCM và UBND các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các dự án theo đúng quy định.

“Đối với các dự án nói trên, Bộ GTVT sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với các dự án do các địa phương là cơ quan có thẩm quyền nêu trên; đồng thời có trách nhiệm tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến theo chỉ đạo của Thủ tướng; đồng thời kịp thời phối hợp, hướng dẫn các địa phương liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và theo đúng quy định pháp luật”, công văn số 1263 nêu rõ.

Được biết, từ tháng 5/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã chủ trì các buổi làm việc với lãnh đạo Tp.HCM, các địa phương và bộ, ngành liên quan, trong đó đã giao “Bộ GTVT chủ trì, phối hợpvới các địa phương liên quan xác định các dự án thành phần qua từng địa phương để giao cho các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thựchiện theo phương thức đối tác công tư PPP”.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đồng thời giao Bộ GTVT “chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập phương án phân chia các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án theo hình thức PPP.

Thực hiện các chỉ đạo nói trên,Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Tư vấn nghiên cứu, đề xuất và đã có văn bản đề nghị các địa phương thống nhất phạm vi các dự án thành phần để giao các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường vành đai 4 Tp.HCM.

Bộ GTVT cho biết là đến thời điểm này các địa phương đã có văn bản thống nhất là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đầu tư các dự án thành phần đường vành đai 4 Tp.HCM theo phạm vi đề xuất của Bộ GTVT.

Giao đầu mối triển khai đầu tư gần 200 km Dự án tuyến vành đai 4 TP.HCM
Tuyến đường vành đai 4 TP.HCM đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư