Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng khẳng định thị trường hàng không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh
Bảo Như - 20/06/2019 13:52
 
Việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không trong thời gian tới đây sẽ được xem xét rất kỹ để thị trường hàng không trong nước phát triển lành mạnh, đảm bảo an ninh – an toàn.
Hiện thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ và 5 hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines - JPA, Vasco (Chi nhánh Vietnam Airlines), Vietjet và Bamboo Airways.
Hiện thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ và 5 hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines - JPA, Vasco (Chi nhánh Vietnam Airlines), Vietjet và Bamboo Airways.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 214/TB – VCPP thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 17/6/2019 về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Liên quan đến vấn đề chung về an ninh, an toàn hàng không, Thủ tướng đánh giá thời gian qua, ngành hàng không Việt Nam đã khởi sắc với việc ra đời của các hãng hàng không mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy một số bấp cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều), bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.

Vì lẽ đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đánh giá năng lực ngành hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nhân lực.

Theo đó, việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng...) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không.

Thủ tướng nhấn mạnh, các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay căn cứ, không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay. Về việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải kịp thời báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Liên quan đến mức vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 92/2016/NĐ-CP, Thường trực Chính phủ  thống nhất phương án đã được đa số Thành viên Chính phủ thông qua.

Về quản lý tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam, sau khi đã xin ý kiến Thành viên Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề nghị giữ như quy định tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP, trong khi đó đa số ý kiến Thành viên Chính phủ (73,08%) đồng ý theo phương án sửa đổi. Vì vậy, để bảo đảm quản lý chặt chẽ máy bay nhập khẩu bảo đảm tuyệt đối an toàn, Thường trực Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải báo cáo giải trình xin ý kiến Thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2019.

Hiện thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ và 5 hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines - JPA, Vasco (Chi nhánh Vietnam Airlines), Vietjet và Bamboo Airways.

Số lượng hãng bay nội địa tuy chỉ bằng 1/3 Thái Lan, nhưng sự cạnh tranh hết sức gay gắt khi thị trường chứng kiến cuộc đua của hai ông lớn có quy mô đội bay và thị phần gần như tương đương nhau. Tính đến đầu quý I/2019, nhóm hãng hàng không Vietnam Airlines (Vietnam Airlines Group gồm Vietnam Airlines, JPA, Vasco) đang chiếm 52% thị phần nội địa; Bamboo Airways khoảng 3%, phần còn lại là của hãng hàng không thế hệ mới Vietjet với khoảng 45 - 46%.

Cần phải nói thêm rằng, Bamboo Airways cũng đang trong giai đoạn bành trướng thị phần khi vừa đệ đơn lên Cục Hàng không Việt Nam xin điều chỉnh giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo hướng tăng quy mô vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng và mở rộng đội tàu bay lên tới 40 chiếc ngay trong năm 2019.

Cung tải thị trường hàng không năm 2019 sẽ còn tăng đáng kể khi lô 50 chiếc A321neo của Vietjet cũng sẽ bắt đầu gia nhập đội tàu bay của hãng hàng không thế hệ mới. Trong khi đó, dù chỉ đón 8 chiếc gia nhập đội bay, nhưng phần lớn tàu bay mới mà Vietnam Airlines dự kiến nhận năm 2019 đều là thân rộng, hiện đại có sức chuyên chở lớn, trong đó có 3 chiếc Boeing787-10 và 2 máy bay Airbus 350. Sự gia tăng mạnh về cung tải kéo theo cuộc đua về giá và khuyến mãi đang khiến lợi nhuận từ ngành nghề kinh doanh cốt lõi tại thị trường nội địa của một số hãng gần như bằng 0, nếu như không được bù đắp bằng những chuyến bay chater quốc tế hay lợi nhuận từ nghiệp vụ tài chính bán và thuê lại tàu bay, lợi nhuận từ lĩnh vực kinh doanh phụ trợ.

Bên canh đó, tình trạng “khát” nhân lực kỹ thuật cao vốn được dự báo từ những năm 2015-2016 bởi tốc độ phát triển của ngành vận tải hàng không ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện đang trở thành vấn đề lớn của ngành hàng không Việt Nam .

Từ cuối năm 2016, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận định, ngành hàng không dân dụng phát triển với tốc độ nhanh, một số doanh nghiệp có biểu hiện phát triển nóng, đặc biệt là phát triển đội tàu bay trong khi chưa chuẩn bị các nguồn lực và nhân lực dẫn đến khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật tàu bay. Thực tế đã xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực trong nội bộ ngành hàng không. Đến nay, cuộc chiến giành giật nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không càng gay gắt hơn.

Vào giữa tháng 6/2019, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có báo cáo đầy đủ về thực trạng khan hiếm nhân sự kỹ thuật cao trong ngành hàng không. Bộ này phải gửi báo cáo trình Thủ tướng trong tháng 6. Chỉ đạo này của Thủ tướng đưa ra trước phản ánh tình trạng thiếu nhân lực cản trở phát triển hàng không, nhất là phi công, kỹ thuật viên tàu bay... khi thị trường hàng không liên tục tăng trưởng 2 con số những năm gần đây.

Theo ông Đỗ Đức Tú, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các hãng hàng không có thể huy động được các nguồn vốn để thành lập một hãng hàng không, ký hợp đồng mua tàu bay rất lớn, nhưng con người là vấn đề phải quan tâm. “Có phương tiện nhưng phải có người vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối”, ông Tú lo ngại.

Được biết, với nguồn nhân lực hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đảm bảo quản lý được 256 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam (gồm cả trực thăng và tàu bay hàng không chung). Số lượng tàu bay mà các hãng hàng không Việt Nam dự kiến nhận đến ngày 31/12/2019 sẽ lên tới 277 chiếc, tăng 61 máy bay so với thời điểm quý I/2019 và vượt quá 21 chiếc so với năng lực giám sát của Cục Hàng không Việt Nam. Đây là vướng mắc không dễ giải quyết sớm, dù cơ quan quản lý nhà nước có được nới định biên nhân sự, bởi việc tuyển dụng đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không luôn là thách thức rất lớn, ngay cả ở các quốc gia phát triển do khan hiếm nhân lực đáp ứng được yêu cầu và chi phí thuê rất cao.

Cục Hàng không khẳng định đủ năng lực giám sát 251 máy bay vào cuối năm 2019
Cơ quan quản lý Nhà nước về hàng không vừa khẳng định là có đủ năng lực giám sát an toàn khai thác đối với đội tàu bay của các hãng hàng không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư