Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Thủ tướng: Năng lực dự báo còn hạn chế
Hà Nguyễn - 22/03/2016 16:54
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận, do năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp.

Đánh giá về công tác nhiệm kỳ 2011- 2015 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, giai đoạn 5 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm 2011 - 2015.

Cụ thể, tốc độ tăng giá giá tiêu dùng đã giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015 (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5-7%), thấp nhất kể từ năm 2001.

.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá về công tác nhiệm kỳ 2011- 2015 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội sáng 22/3/2016 (Ảnh: Đức Thanh)

Trong khi đó, tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm, riêng năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đã đạt được kết quả bước đầu.

Các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn… cũng đã được tập trung thực hiện.

“Cùng với thực hiện các khâu đột phá, đã ban hành và tổ chức thực hiện các giải pháp tạo bước tiến mới về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thừa nhận những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua.

Nổi bật là do năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời.

“Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao. Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí”, Thủ tướng nhấn mạnh và cũng thừa nhận thực trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm.

“Chúng ta cũng thiếu nguồn lực và cơ chế chính sách hiệu quả để xử lý nhanh hơn nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Việc phát triển thị trường trong nước, khai thác thị trường ngoài nước, nhất là những thị trường đã có hiệp định thương mại tự do, đấu tranh với những rào cản thương mại quốc tế hiệu quả chưa cao”, Thủ tướng nói.

Chưa kể, theo Thủ tướng, còn tình trạng chậm sửa đổi, bổ sung và thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để huy động, sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư ngoài nhà nước.

“Tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh còn thấp, cải thiện còn chậm. Năm 2015 tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 nhưng bình quân cả nhiệm kỳ vẫn chưa đạt kế hoạch”, Thủ tướng thừa nhận.

Dự án Tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đội vốn: Gia tăng áp lực nợ công
Việc tổng mức đầu tư của tuyến metro Bến Thành - Tham Lương bị đội vốn rất sâu sẽ tác động không nhỏ đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư