Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 29 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm Nhật Bản, dự Hội nghị G7 mở rộng
Thanh Huyền - 26/05/2016 09:58
 
Sáng 26/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: VGP)

Chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị là người đứng đầu chính phủ Việt Nam diễn ra trong 3 ngày, từ 26/5 đến 28/5.

Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản, góp phần vì hòa bình, phồn vinh, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Trả lời phỏng vấn của một số hãng thông tấn, báo chí lớn của Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc cho biết Việt Nam mong rằng tại hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra ở Mie lần này, các nước tham dự sẽ có tiếng nói và hành động thiết thực đóng góp vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu và khu vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố, hàng hải, hàng không… Lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào thảo luận những vấn đề nêu trên.

Đối với quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm trao đổi về những định hướng và các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, trọng tâm là tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ…

Thủ tướng nhấn mạnh Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt trên 28 tỷ USD. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 39 tỷ USD.

Hai nước đang cùng triển khai nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng của Việt Nam, hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa.

Việc Cộng đồng ASEAN thành lập vào năm 2015 cũng như việc Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia xây dựng các liên kết kinh tế khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mở ra những cơ hội mới để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh.

" Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán về chính sách đối ngoại với Nhật Bản. Tôi mong rằng, kết quả chuyến đi sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.", Thủ tướng khẳng định.

Vốn Nhật Bản đổ mạnh vào bất động sản Việt Nam
Sanyo Home (Nhật Bản) chính thức đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam bằng việc hợp tác với Công ty Tiến Phát (thuộc Công ty cổ phần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư